Những lò mổ bò “chui” hoạt động “thách thức” cơ quan chức năng?

(PLVN) - Việc giết mổ bò lậu ở một số cơ sở tại Đồng Nai không chỉ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, thậm chí là tính mạng của những người tham gia giết mổ. 
Bò được thu mua, nuôi nhốt tại các lò mổ trong khu dân cư.
Bò được thu mua, nuôi nhốt tại các lò mổ trong khu dân cư.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh

Khu vực xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom được biết đến là một trong những khu vực tập trung nhiều lò mổ bò nhất tỉnh Đồng Nai. Mỗi ngày, các lò mổ này cung cấp hàng trăm con bò đã giết mổ đến người tiêu dùng thông qua những chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn. 

Hầu hết những con bò này được nhập khẩu từ Úc về Việt Nam, rồi phân phối đến những lò mổ đạt chuẩn của nhà cung cấp như có chuồng chứa, đường dẫn, giết mổ đúng cách và được giám sát từ xa qua hệ thống camera. Tuy nhiên các lò mổ này đã không còn giấy phép từ cơ quan chức năng của Việt Nam, hoạt động chui, không được kiểm duyệt, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi đêm một lò mổ lậu có thể xuất lò từ 10 đến 15 con, có những ngày cao điểm có thể từ 20 đến 30 con. Đặc biệt những ngày lễ, tết từ 50 đến 60 được đưa ra thị trường. 

Bò mổ lậu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn như chợ Thái Bình, chợ Tam Hoà, chợ Tam Hiệp, chợ Biên Hoà và xa hơn nữa là chợ Thủ Đức (TP HCM) và mặc nhiên không được bảo đảm về độ an toàn cho người sử dụng.

Hoạt động giết mổ bò vẫn được diễn ra công khai tại các cơ sở không phép.
Hoạt động giết mổ bò vẫn được diễn ra công khai tại các cơ sở không phép.

Chưa dừng lại ở việc không có kiểm dịch, môi trường giết mổ tại các lò mổ này cũng không được đảm bảo với ruồi nhặng, hôi thối, mùi tanh đặc trưng của mỡ bò cùng chất thải động vật bốc lên gây ảnh hưởng đến vệ sinh giết mổ và môi trường sống của người dân xung quanh. Hơn nữa, hệ thống xử lý chất thải không có, không đạt chuẩn nên các lò mổ lậu đã xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước trong khu vực một thời gian dài, chính nơi đây sẽ là nguồn bùng phát bệnh dịch ra xã hội nếu có dịch.  

Trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Bùi Ngọc Thao Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 cho biết những lò mổ này hoạt động cả chục năm nay trong khu dân cư, trước đây có giấy phép nhưng hiện tại 100% các lò mổ trên địa bàn xã đã được UBND huyện Trảng Bom thu hồi để đưa về khu giết mổ tập trung. Đồng thời ông Thao khẳng định “bây giờ lò nào đang hoạt động thì là hoạt động chui”. 

"Cương quyết" hoạt động chui, không về cơ sở tập trung

Bên cạnh cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giết mổ không đảm bảo an toàn, vừa qua đã có một người phải thiệt mạng tại một trong những lò mổ trái phép này. 

Thông tin từ Công an xã Hố Nai 3 cho biết, vào khoảng 7 giờ 20 phút ngày 25/12, đã có một người tử vong tại lò mổ của bà Nguyễn Đăng Nguyễn (SN 1958, địa chỉ tại ấp Ngũ Phúc, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) với nguyên nhân ban đầu được xác định do bị điện giật. Người tử vong là anh N.C.T, SN 1974, quê tỉnh Trà Vinh. Sau đó thi thể anh T. đã được mang đi giám định pháp y và đưa về quê an táng.

Lò mổ không phép của của bà Nguyễn Đăng Nguyễn - nơi đã từng xảy ra vụ việc chết người do điện giật.
 Lò mổ không phép của của bà Nguyễn Đăng Nguyễn - nơi đã từng xảy ra vụ việc chết người do điện giật.

Điều đáng nói là cơ sở giết mổ này cũng là một cơ sở giết mổ hoạt động chui, không chấp nhận việc vận động về cơ sở giết mổ tập trung.

Liệu cơ quan chức năng có “bó tay” trước những lò mổ chui này? Các lò này sẽ hoạt động đến bao giờ?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

Đọc thêm