Phải dọn cả “rác” trong ý thức mỗi người

(PLVN) -Bấy lâu nay, chúng ta vẫn kêu gọi “phường phường văn hóa, làng làng văn hóa, nhà nhà văn hóa”, “không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định”; nhưng vẫn không ít người nhận thức kém, vẫn tuỳ tiện xả rác bừa bãi nơi công cộng, trên đường phố. Chính vì vậy, dư luận cho rằng muốn dọn sạch rác của đô thị, phải dọn cả “rác” trong ý thức mỗi người.
Nhiều người quan niệm sai lầm vứt quanh thùng rác là vứt đúng chỗ.
Nhiều người quan niệm sai lầm vứt quanh thùng rác là vứt đúng chỗ.

Miệng chê, tay xả

Có một nghịch lý, nhiều người mong muốn đất nước, thành phố nơi mình sống luôn sạch sẽ và văn minh, rồi kêu gọi ý thức, chỉ trích hành vi của người khác, nhưng chính mình cũng xả rác. “Tiện tay thì vứt luôn rác xuống đất” đã trở thành thói quen lâu ngày của người Việt.

Thậm chí, cả khi đã có thùng rác nhưng người ta vẫn cố tình vứt ra ngoài hoặc vứt bên cạnh thùng rác. Điều này bắt nguồn từ thói ích kỉ cá nhân “miễn nhà mình sạch sẽ, ngoài đường bẩn thỉu như thế nào cũng mặc kệ” hay bởi tâm lý đám đông “thấy người khác làm được thì mình cũng làm theo có sao đâu”?

Trong rất nhiều nỗ lực chấn chỉnh ý thức vứt rác đúng nơi quy định, từ tháng 3/2016, tại 4 quận nội thành, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO Hà Nội) đã thực hiện thí điểm thu gom rác thải sinh hoạt của người dân theo một khung giờ nhất định.

Các xe thu rác chuyên dụng (gồm ô tô 2.5 tấn, ô tô 0.5 tấn và các thùng thu chứa lưu động) đi qua các tuyến phố, ngõ xóm từ một đến hai lần, vào khung giờ từ 19h đến 22h, đồng thời phát nhạc hiệu thông báo và mời người dân mang rác trực tiếp bỏ vào xe. Trong trường hợp các hộ dân không thể bỏ rác vào giờ trên, sẽ bỏ rác vào thùng rác đã được bố trí sẵn.

Theo đó, URENCO Hà Nội còn cho lắp đặt tổng cộng hơn 3700 thùng rác có màu sắc tươi sáng, thu hút với dòng chữ “Làm ơn bỏ rác vào thùng” cùng thông tin đường dây nóng 24/7, để người dân và khách vãng lai có thể bỏ rác dễ dàng cũng như cập nhật, phản ánh về vệ sinh môi trường.

Thu gom rác theo khung giờ nhất định để người dân có ý thức vứt rác đúng chỗ, đúng giờ
Thu gom rác theo khung giờ nhất định để người dân có ý thức vứt rác đúng chỗ, đúng giờ

Ngoài ra, để giám sát việc chấp hành nghiêm chỉnh vứt rác đúng giờ, đúng chỗ, URENCO Hà Nội phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành thí điểm ghi hình người dân, hộ kinh doanh vứt rác tùy tiện trên phố đi bộ làm căn cứ xử phạt cũng như phục vụ công tác tuyên truyền, nhắc nhở.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, thời gian đầu thí điểm thu gom rác thải sinh hoạt của người dân theo một khung giờ nhất định được triển khai rất tốt. Nhưng đến nay, công tác tuyên truyền, giám sát, xử phạt đã bớt tích cực; bên cạnh đó, vẫn còn bộ phận lớn người dân chưa thực sự nhận thức, cũng chưa thay đổi được thói quen bỏ rác bừa bãi đã hình thành từ nhiều năm qua.

Những hình ảnh thu được sau mỗi dịp lễ nhiều năm nay là một minh chứng. Cũng không quá khi ví von trung tâm thủ đô Hà Nội sau những dịp này đều “ngập trong biển rác”. “Ai xả rác?” là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất.

Nhiều ý kiến đã ngay lập tức quy kết lỗi lầm cho người ngoại tỉnh, sinh viên, người lao động thu nhập thấp đến học và làm việc ở Hà Nội có ý thức kém. Ngược lại, người ta cũng lập luận, dịp lễ tết dài ngày, người ngoại tỉnh thường kéo nhau về quê, vậy thì người Hà Nội còn trách ai xả rác?

Tủ điện – thùng rác “bất đắc dĩ”

Bên cạnh những nỗ lực vận động của các cơ quan chức năng cũng có nhiều phong trào của cá nhân, tổ chức nhằm góp phần xoá nạn vứt rác bừa bãi, nâng cao văn minh đô thị. Một trong số các phong trào góp phần tích cực về cảnh quan môi trường, mỹ quan đô thị, không thể không nhắc tới dự án “Sắc màu Hà Nội” – “biến bốt điện thành bức hoạ”, bắt đầu thí điểm trên hai tuyến phố Phan Chu Trinh – Lý Thường Kiệt vào đầu năm 2018.

Từ lâu các tủ điện trở thành thùng rác 'bất đắc dĩ'
Từ lâu các tủ điện trở thành thùng rác 'bất đắc dĩ'

Được biết, câu lạc bộ Hanoi Art Space chính là những người khởi xướng và triển khai ý tưởng “Sắc màu Hà Nội” khi nhận thấy thực trạng các bốt điện ngày càng trở lên nhếch nhác, xấu xí, mất vệ sinh bởi đủ loại rác thải, trong đó bao gồm cả “rác” quảng cáo rao vặt.

Câu lạc bộ đã xúc tiến bằng các hành động cụ thể như: Vệ sinh môi trường làm sạch lòng đường, hè phố, bốt điện, nắp cống, cột đèn, thùng rác… rồi mới thực hiện vẽ lên các bốt điện những bức hoạ nghệ thuật sinh động, nhiều màu sắc. Hành động này nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xóa bỏ nạn dán quảng cáo, rao vặt trên các bốt điện, làm sạch đẹp Thủ đô.

Đến cuối năm 2018, chương trình đã được sự cho phép của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục nhân rộng với các tủ điện trên các tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Khay... cùng với sự đồng ý và tư vấn của các sở như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc để việc trang trí phù hợp, hài hoà với các loại tủ.

Theo đại diện dự án, bà Lê Lan Nhi cho biết, sau khi vẽ xong bốt điện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhóm sẽ tiến hành vẽ các nắp cống, nhà vệ sinh công cộng….Dự án này đã nhận được sự hưởng ứng của phần đông cư dân thành phố, góp phần khiến cho quang cảnh môi trường, mỹ quan đô thị lòng đường, hẽ phố của Thủ đô đẹp hơn.

Đến nay lại xuất hiện nhưng quảng cáo 'vô duyên' trên những tủ điện
Đến nay lại xuất hiện nhưng quảng cáo 'vô duyên' trên những tủ điện

Nhiều người dân cảm thấy “tiếc” những bức tranh đẹp mà không vứt rác gần các bốt điện này, đồng thời nạn quảng cáo rao vặt trên các bốt điện cũng giảm hẳn.

“Lớn rồi, ý thức đi”

Cùng chung tay xây dựng văn hoá vứt rác đúng nơi quy định, khoảng tháng 3/2019, ý tưởng tái chế những vỏ lốp ô tô phế thải thành những thùng đựng rác của một nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm Thể dục Thế thao Hà Nội đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận. Đáng nói, đây không phải là những chiếc thùng rác thường thấy mà được “biến hoá” thành nhiều hình thù độc đáo, cùng với những lời mời gọi như “cho tôi xin rác”, “tôi cần rác” “lớn rồi, ý thức đi”…

Từ câu chuyện, ở nhiều nơi lốp ô tô cũ bị bỏ đi làm phế thải ảnh hưởng tới môi trường, nhóm sinh viên này, bao gồm 11 lớp của khoá 51, đã bàn bạc, thống nhất và triển khai hoàn thành 11 chiếc thùng rác có trang trí sắc màu, thân thiện với mọi người, góp phần làm đẹp thêm không gian của nhà trường.

Bắt đầu xuất hiện ở các trục đường chính trong khuôn viên trường, ý tưởng này đã nhanh chóng tạo ra tâm lý thích thú khi được vứt rác đúng nơi “quy định” từ sinh viên, giáo viên trong trường. Đồng thời, công trình nhận được sự đánh giá cao của Ban chấp hành đoàn trường cũng như dư luận chung bởi nỗ lực, sáng tạo của các sinh viên đối với cộng đồng, góp phần tuyên truyền kiến thức đúng đắn về giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao nếp sống văn minh trong đô thị.

Trên thực tế, ý tưởng “thùng rác tái chế từ vỏ lốp phế thải” đã xuất hiện từ cách đây nhiều năm trên một số tỉnh, thành như Quảng Trị, Quảng Bình, TP HCM…

Được biết, so với những thùng đựng rác bằng xốp hoặc nhựa, thùng rác bằng cao su làm từ lốp ô tô cũ còn có ưu điểm là độ bền cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt, không dễ bị gió thổi bay, giúp tiết kiệm chi phí cho sản xuất và người tiêu dùng. Đặc biệt, những chiếc thùng rác được trang trí thú vị, kèm theo những câu khẩu hiệu vui mắt vui tai, không chỉ thu hút sự chú ý mà còn là lời  nhắc nhở mỗi người dân có ý thức hơn khi vứt rác.

Lời kết

Bấy lâu nay, trong trường học, trên báo đài vẫn thường xuyên kêu gọi “phường phường văn hóa, làng làng văn hóa, nhà nhà văn hóa”, “không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định”; nhưng vẫn không ít người nhận thức kém, vẫn tuỳ tiện xả rác bừa bãi nơi công cộng, trên đường phố. Chính vì vậy, dư luận cho rằng muốn dọn sạch rác của đô thị, phải dọn cả “rác” trong ý thức mỗi người.

Thùng rác tái chế từ vỏ lốp phế thải
Thùng rác tái chế từ vỏ lốp phế thải

Theo đó, khi ý thức người dân chưa cao, các cơ quan quản lý nhà nước nắm vai trò quyết định. Đơn cử, có luật mà cơ quan chức năng không xử phạt nghiêm minh thì người dân không chấp hành, rồi lại đâu vào đấy.

Ngoài ra, công tác chấn chỉnh ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và văn minh đô thị không thể chỉ là những phong trào ngắn hạn của một số cá nhân, tổ chức, mà phải là các cuộc vận động thường xuyên, liên tục, có sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân và chính quyền, cũng như các đơn vị truyền thông báo chí. Có như thế, ý thức “bỏ rác đúng nơi quy định” của mỗi người dân mới được thiết lập và trở thành văn hóa.

Đọc thêm