Rừng ở Bình Thuận đang gặp nguy vì nắng nóng

(PLVN) - Từ đầu tháng 2, địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được cảnh báo cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV (Rất nguy hiểm) và cấp V (Cực kỳ nguy hiểm).
Rừng ở Bình Thuận đang gặp nguy vì nắng nóng kéo dài
Rừng ở Bình Thuận đang gặp nguy vì nắng nóng kéo dài

Theo dự báo của Cơ quan khí tượng thủy văn, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong những ngày tới sẽ có diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ tăng cao; do đó, nguy cơ cháy rừng xảy ra là rất lớn.

Để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Công văn yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc Phương án số 06/PA-BCĐ ngày 03/01/2020 của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020 về Phương án bảo vệ rừng, chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2020.

Cách đây 10 ngày, sáng 17/2, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại núi Tà Cú (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam) thiêu rụi hơn 2ha rừng tự nhiên. Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú rộng hơn 10.000 ha, rừng ở đây có đặc điểm rụng lá vào mùa khô. Đây là khu vực trọng điểm cháy rừng của tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đang được dự báo cháy rừng ở cấp 5 – cấp cực kỳ nguy hiểm.

Trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời phối hợp với cơ quan phát thanh, truyền hình tăng thời lượng tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng xảy ra trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, chấp hành thực hiện.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chủ rừng nhà nước (Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng) đảm bảo quân số (gồm lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách làm nồng cốt, có sự tham gia thường xuyên của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và Kiểm lâm địa bàn) để tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, canh gác lửa rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; ứng trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm bảo vệ rừng trong các ngày khô hanh, nắng nóng kéo dài.

Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương để tăng cường lực lượng, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các trạm, chốt bảo vệ rừng; không để người dân tự ý vào rừng sử dụng lửa khi cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V…

Đọc thêm