Thu phí rác thải theo khối lượng có khả thi?

(PLVN) - Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có quy định: Thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền, đồng thời, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Tức là, rác thải sinh hoạt sẽ được thu gom theo khối lượng và tính phí.
Việc phân loại rác thải ở Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. (Ảnh minh họa)
Việc phân loại rác thải ở Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. (Ảnh minh họa)

Trước tiên sẽ áp dụng tại Thủ đô Hà Nội và một số đô thị lớn, các hộ gia đình sẽ phải mua bao bì đựng rác chuyên dụng theo quy định; nếu không sẽ không được thu gom rác. Đề xuất này đã được tham khảo từ chính sách của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, người dân đang nghi ngờ tính khả thi?

Người dân còn mơ hồ

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Riêng Thủ đô Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn, tỷ lệ chôn lấp tới 90%. Còn tại TP HCM tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. 

Việc chôn lấp rác có thể gây ô nhiễm tới nguồn đất, nước, không khí. Mặt khác biện pháp đốt rác khó thể xử lý các loại chất thải nguy hiểm, khó phân huỷ. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam cũng chưa phân loại được rác thải tại người nhằm phục vụ quá trình tái chế, tái sử dụng, gây thất thoát tài nguyên môi trường (ví dụ các loại kim loại, nhựa, thuỷ tinh… đều có thể tái chế).

Chưa kể tới, bởi thói quen vứt rác bừa bãi, nhiều nơi hình thành nên những bãi rác lộ thiên, tự phát, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân, là nguồn cơn của những tranh chấp xã hội phức tạp.

Nhận thấy nhiều vấn đề phức tạp từ việc quản lý chất thải rắn trong thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã đề xuất phương án thu phí cho chất thải rắn sinh hoạt nhằm đáp ứng một phần cho công tác thu gom, xử lý, giảm thiểu áp lực của các cơ quan chức năng, nâng cao vai trò và trách nhiệm của người dân.

Cụ thể, chất thải sinh hoạt của hộ gia đình được chia làm 4 nhóm, gồm chất thải rắn có khả năng tái chế (như giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh,...); chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau, củ, quả, thực phẩm thừa khác); chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Mỗi loại chất thải sẽ có cách thu gom và tính phí khác nhau theo quy định của pháp luật nhằm tối ưu hoá khả năng tái chế tài nguyên. Chính quyền địa phương sẽ bán các túi rác thân thiện với môi trường và thu tiền từ việc bán bao bì để bù cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Khi đặt câu hỏi với các hộ gia đình tại Thủ đô Hà Nội về đề xuất nêu trên của Tổng cục Môi trường, nhiều gia đình vẫn còn cảm thấy mơ hồ, thậm chí không hề biết tới đề xuất này. Nhiều người lo ngại đề xuất này sẽ khó thực hiện được.

Anh Nguyễn Văn Long (Hà Đông) cho hay: “Biết rằng việc phân loại và tính phí thu gom rác đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tại Việt Nam còn nhiều điều khó thực hiện. Ví như làm sao để người dân học cách phân loại rác và có thói quen này trong đời sống hàng ngày là vấn đề giáo dục tại trường học và xã hội từ khi còn nhỏ. Còn việc bắt người dân đi mua túi chuyên dụng để thu gom rác thì chỉ xử lý được một phần của vấn đề vì hiện nay thói quen xả rác bừa bãi, tiện đâu vứt đấy đã hiện hữu từ lâu, rất khó sửa”. 

Thực tế cho thấy, chỉ nói riêng đến hành vi vứt rác bừa bãi đã xuất hiện từ lâu và đáng bị xử phạt nặng; tuy nhiên tỷ lệ xử phạt trên thực tế lại rất thấp. Nguyên nhân chính được đưa ra là bởi thiếu thốn đội ngũ giám sát, công nghệ giám sát để “bắt quả tang” những hành vi này diễn ra trong đời sống hàng ngày, nhằm xác định đúng, kịp thời đối tượng xử phạt. Vì thế, người dân thấy mơ hồ về vấn đề cân rác thải cũng là chuyện dễ hiểu.

Kinh nghiệm từ nước ngoài

Được biết, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có quy định về việc thu gom, phân loại và xử lý rác theo chủng loại, khối lượng rác. Tại Hàn Quốc, khi vứt rác, người dân phải mua túi chuyên dụng và đựng rác vào túi. Mỗi loại rác có một loại túi tương ứng với màu sắc riêng, kích cỡ riêng ứng với loại rác và nhu cầu xả rác của mỗi người. Theo đó, người dân chỉ được vứt túi rác tại những khu vực chỉ định, ví dụ khu vực rác thuỷ tinh, rác lon, rác thức ăn,… 

Một số loại rác phải được đăng ký với các cơ quan thu gom và trả phí cao hơn. Ví dụ, đối với những loại rác có kích thước lớn không thể bỏ vào túi đựng rác được, người dân muốn vứt rác phải thông báo cho đơn vị phụ trách thu gom loại rác này và thanh toán trực tuyến chi phí đổ rác. Chứng nhận đăng ký sau khi thanh toán còn gọi là tem đổ rác, được dán vào từng loại rác. 

Đơn cử, loại tem 2.000 Won (khoảng 40.000 VND) áp dụng với các loại vật dụng nhỏ như ghế, tủ bé, máy hút bụi, TV, lò vi sóng. Loại tem 8.000 Won (160.000 VND) áp dụng với vật dụng lớn hơn như tủ lạnh, điều hòa.

Loại tem 15.000 Won (290.000 VND) áp dụng với nhưng thứ cồng kềnh như đàn piano, giường tủ. Đến đúng ngày đã đăng kí, người dân bắt buộc phải đem rác bỏ tại nơi chỉ định và liên lạc với cơ sở phụ trách xử lí rác. Hành vi đổ rác sai vị trí hoặc không đựng trong túi chuyên dụng thì sẽ bị phạt nặng từ khoảng 50.000 – 300.000 Won (khoảng 1 triệu – 6 triệu đồng).

Còn tại Nhật Bản, chính phủ nước này cũng có những quy định nghiêm khắc bậc nhất châu Á về việc phân loại và tái chế rác. Có thể tóm gọn như sau: Có một thời gian cố định để xử lý từng loại rác; xử lý các chất thải lớn cần phải được bảo lưu và thanh toán; hành vi xả rác không đúng quy định được coi là hành vi vi phạm pháp luật, có mức phạt tù nặng nhất tới 5 năm tù hoặc mức phạt tiền lên tới 10 triệu yên (khoảng 2,1 tỷ đồng) đối với cá nhân, hộ gia đình.

Người dân Nhật Bản có hệ thống phân loại rác phong phú, phức tạp và thường xuyên được cập nhật. Do đó, người dân phải có ý thức theo dõi thông tin mới nhất của chính phủ để thực hiện cho đúng. Đơn cử tại phường Shibuya của thủ đô Tokyo, để phân biệt các loại rác, trước tiên người dân cần tham khảo biểu đồ phân loại rác tại văn phòng chính quyền phường và trên trang web của chính phủ (có đủ các ngôn ngữ Nhật, Trung, Anh, Hàn).

Trẻ em Nhật sẽ được học cách nhận diện các loại rác trong nhà trường.  Những người nước ngoài khi đến học tập và làm việc đều được phổ biến cách vứt rác đúng quy định. Có khi là chủ nhà, tổ trưởng tổ dân phố hoặc từ các biển báo, thông báo tại các thùng rác, khu vực vứt rác. Việc vứt rác không đúng quy định có thể khiến rác thải bị trả lại, bị người dân xung quanh khinh thường, chỉ trích. 

Còn tại Việt Nam, việc phân loại rác vẫn chưa trở thành thói quen. Và nếu không thay đổi được điều này thì việc tính phí thu gom rác sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện, không giải quyết được hoặc giải quyết không triệt để được bài toán quản lý chất thải sinh hoạt. 

Người dân sẽ cùng giám sát

Trả lời câu hỏi về các biện pháp bảo đảm việc thu phí rác thải bằng túi chuyên dụng sẽ được thực hiện như thế nào, trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết:  “Trường hợp người dân đô thị không sử dụng túi đựng rác chuyên dụng sẽ không được thu gom rác, hành vi vứt rác bừa bãi sẽ bị xử phạt nặng. Ngoài ra, sẽ huy động cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương cùng giám sát việc thực hiện”. 

Đọc thêm