Thừa Thiên - Huế: Nhiều khu công nghiệp thiếu hệ thống xử lý nước thải

(PLVN) - Mặc dù được thành lập từ lâu nhưng một thực tế hiện đang diễn ra tại nhiều khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đó là các KCN vẫn không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Điều này không những trái với quy định bảo vệ môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm và nhiều hệ lụy khác.
Hiện chỉ có KCN Phú Bài có hệ thống xử nước thải tập trung tương đối hoàn chỉnh
Hiện chỉ có KCN Phú Bài có hệ thống xử nước thải tập trung tương đối hoàn chỉnh

Tồn tại nhiều năm nay

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn tỉnh có 6 KCN gồm: Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh; tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.393,47ha. 

Qua thống kê của cơ quan chức năng, đến cuối năm 2019, trên địa bàn các KCN này có hơn 100 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực. Việc hình thành các KCN để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người dân là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, do thiếu sự kiểm tra, giám sát và xử lý đồng bộ của các cơ quan chức năng nên hiện nhiều KCN vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đơn cử như KCN Phong Điền được thành lập từ năm 2009, là một trong những KCN phát triển đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo quy hoạch thì KCN này rộng khoảng 400ha hướng tới mở rộng 700ha vào năm 2020 (gồm 3 khu A, B và C, KCN Viglacera) và yêu cầu có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện tại, ở đây đang  có rất nhiều nhà máy hoạt động và được cấp phép, khả năng gây ô nhiễm môi trường cao. 

Theo quy định về bảo vệ môi trường, đối với các KCN khi xây dựng các cơ sở sản xuất phải đi đôi với việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp và khu xử lý chất thải công nghiệp. Thế nhưng, tại KCN Phong Điền hiện vẫn đang thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung khiến người dân nơi đây rất bức xúc.

Ông Đỗ Đình Mãn (thôn Trạch Tả, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) cho biết, làng Trạch Tả nằm ở vùng thấp nhất của thị trấn. Vì vậy, nước thải của các nhà máy ở KCN Phòng Điền sau khi chảy qua các kênh mương trong thị trấn rồi chảy qua làng và xuống sông Ô Lâu. Bấy lâu nay, các vụ mùa đều đạt năng suất cao, thế nhưng, những năm gần đây, do ảnh hưởng nước thải từ KCN gây ô nhiễm nên hơn nhiều hecta ruộng ở vùng thấp cũng đành bỏ hoang. “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với các cấp, chúng tôi đã liên tục kiến nghị về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì”- ông Mãn thông tin.

Theo nhiều người dân ở thôn Đức Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, đập Hào là đầu nguồn nước sinh hoạt của người dân trong thôn. Ngoài ra, đây cũng là nơi tích nước, cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 40ha lúa và rau màu của 90/115 hộ dân của thôn.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nước từ hệ thống thoát nước của KCN Phong Điền liên tục thải xuống, khiến nguồn nước tại đập Hào ngày càng ô nhiễm. Nước thải có màu vàng, nhiều lúc đen thẫm và thường xuyên bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, một lượng lớn cát theo hệ thống thoát nước đổ về đập Hào làm cho đập bị bồi lấp, không thể tích nước trong mùa hè phục vụ tưới tiêu.

KCN Phong Điền không có hệ thống xử lý nước thải tập trung dù đã hoạt động nhiều năm qua
KCN Phong Điền không có hệ thống xử lý nước thải tập trung dù đã hoạt động nhiều năm qua 

Nhà đầu tư lo ngại

Không chỉ có KCN Phong Điền, hiện KCN La Sơn, KCN Phú Đa… cũng đang trong tình trạng “khát” hệ thống xử lý nước thải tập trung. Được biết, vừa qua, một số doanh nghiệp cũng có ý định đến đầu tư tại KCN Phú Đa (huyện Phú Vang). Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, KCN Phú Đa vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải nên nhiều nhà đầu tư lo ngại về vấn đề môi trường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận rằng việc nước thải của các nhà máy đang hoạt động ở KCN Phong Điền sau khi qua hệ thống xử lý nước thải đã chảy trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm là có.

Người dân cũng như huyện và các doanh nghiệp trong KCN đã nhiều lần kiến nghị cấp trên về việc mong muốn KCN này sớm có hệ thống xử lý nước thải. Qua đó hạn chế sự ô nhiễm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như của địa phương, một phần là nguồn kinh phí xây dựng hệ thống này rất cao. Việc không có hệ thống xử lý nước thải tập trung sẽ rất khó cho vấn đề kiểm soát, giám sát môi trường. Thời gian tới huyện sẽ xúc tiến làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư sớm xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho KCN. 

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh, trong 6 KCN trên địa bàn tỉnh thì chỉ có KCN Phú Bài tương đối hoàn chỉnh, các KCN còn lại đang khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, bởi chưa có hạ tầng (đường, điện, nước, khu xử lý rác thải, nước thải...) và chưa quy hoạch hoàn chỉnh.

Đọc thêm