Tiền Giang chủ động ứng phó hạn mặn 2021: Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân

(PLVN) - Tiền Giang thống nhất chủ trương đầu tư trạm bơm tại đầu kinh Trần Văn Dõng và đầu kinh Champeaux; đồng thời, đắp một số đập thép ngăn mặn trên đường tỉnh 864 nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân do hạn mặn gây ra.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Tiền Giang trong mùa khô 2020 - 2021 sẽ không gay gắt như mùa khô 2015 - 2016. Thế nhưng, Tiền Giang cần đề phòng xâm nhập mặn trên nhánh sông Hàm Luông lấn qua sông Tiền làm cho mặn ở khu vực cù lao Ngũ Hiệp tăng cao, dự báo độ mặn cao nhất ở khu vực Nam cù lao Ngũ Hiệp xấp xỉ 2 g/l xuất hiện vào nửa cuối tháng 3/2021. 

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đưa kiến nghị tại buổi họp ngày 17/12. Ảnh: Văn Thảo

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đưa kiến nghị tại buổi họp ngày 17/12. Ảnh: Văn Thảo

Trong cuộc họp xem xét một số nội dung liên quan về công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2020 – 2021 của UBND tỉnh Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt chủ trương đắp 12 đập thép ngăn mặn trên đường tỉnh 864.

Đồng thời, khoan 16 giếng dự phòng để cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện Cai Lậy, khoan thêm 21 giếng dự phòng để phục vụ cấp nước trong mùa hạn, mặn năm 2021 và những năm tiếp theo. Đắp 8 đập đất ở xã Ngũ Hiệp và 20 đập ở xã Tân Phong (huyện Cai Lậy), đầu tư trạm bơm tại đầu kinh Trần Văn Dõng và đầu kinh Champeaux.

Tại Tiền Giang, nước sinh hoạt được chia làm 02 khu vực rõ rệt. Các huyện phía Tây có thể sử dụng nguồn nước ngầm để đảm bảo nước sinh hoạt. Khi hạn, mặn đến sẽ không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, có khoảng 800.000 người dân ở TP Mỹ Tho và các huyện phía Đông bị ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt khi hạn, mặn đến. Do nguồn nước ngầm ở khu vực này không đảm bảo chất lượng. 

Tiền Giang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ vùng cây ăn trái (Ảnh: M. Thành)
 Tiền Giang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ vùng cây ăn trái (Ảnh: M. Thành)

Để đảm bảo nguồn nước cho người dân nơi đây, tỉnh Tiền Giang đã tính đến việc ngăn mặn, trữ ngọt và tạo nguồn nước ngọt để đảm bảo sản xuất nước sinh hoạt cho nhân dân trong suốt mùa khô. Bên cạnh đó, theo phương án phối hợp với tỉnh Long An, ngoài đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho 800.000 người dân của tỉnh Tiền Giang, 02 tỉnh cũng phải làm nhiệm vụ giữ nguồn nước tránh nhiễm mặn và tạo nguồn nước ngọt để xử lý cấp cho khoảng 300.000 người dân ở tỉnh Long An. Với phương án này sẽ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân ở 02 tỉnh Tiền Giang và Long An. 

Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, so với "kịch bản" của hạn, mặn năm 2020, tỉnh phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn để ứng phó với hạn, mặn trong năm 2021.  

Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân mùa hạn, mặn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã thống nhất chủ trương đầu tư trạm bơm tại đầu kinh Trần Văn Dõng và đầu kinh Champeaux; đồng thời, đắp một số đập thép ngăn mặn trên đường tỉnh 864.

Chủ tịch tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát các phương án phòng, chống hạn, mặn và xây dựng kịch bản chi tiết về phòng, chống hạn, mặn năm 2021. Phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của tỉnh, huyện, xã và nhân dân trong công tác phòng, chống hạn, mặn; cung cấp thông tin cho người dân về tình hình hạn, mặn và các mô hình phòng, chống hạn, mặn hiệu quả. Các ngành tập trung sửa chữa các cống, đập và thường xuyên đo độ mặn, khai thông dòng chảy để trữ nước.

Việc quyết tâm thực hiện các chiến lược, kế hoạch đã đề ra một cách quyết liệt sẽ giúp cho người dân tại Tiền Giang nói chung, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung chủ động thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Từ đó, hạn chế thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân.

Đọc thêm