Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu

(PLVN) - Ngân hàng Thế giới từng đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Người dân Việt Nam càng thấm thía điều này khi nhìn lại năm 2020 nhiều thiên tai khốc liệt trên cả ba miền Tổ quốc. 
Năm 2020, Việt Nam hứng chịu nhiều thiên tai khốc liệt.
Năm 2020, Việt Nam hứng chịu nhiều thiên tai khốc liệt.

Thiên tai dị thường

Năm 2020, thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường và khốc liệt. Ngay ngày đầu Tết Nguyên đán 2020, mưa đá, giông lốc đã trút xuống dữ dội ở các tỉnh, thành miền Bắc. Mùa khô năm 2020 thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn xảy ra sớm, lấn sâu và kéo dài nhiều ngày đã vượt năm hạn mặn khốc liệt kỷ lục được ghi nhận vào năm 2016. 

Đặc biệt, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, bão, mưa lũ, sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng ở miền Trung gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân ở khu vực này. Trong vòng 42 ngày, người dân miền Trung đã phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của 6 cơn bão và 1 cơn áp thấp nhiệt đới.

Trong đó cơn bão số 9 là một trong hai cơn bão đã đạt đến cấp siêu bão, có cường độ mạnh nhất trong 20 năm gần đây, với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7giờ. Mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn gấp 3 - 5,5 lần so với trung bình nhiều năm. Lũ lớn xảy ra hầu khắp các sông trên toàn quốc, đỉnh lũ phổ biến vượt mức báo động 3 từ 0,5 - 2,0m. Nhiều sông vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt sâu diện rộng và kéo dài nhiều ngày.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong năm 2020, ở nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai. Cụ thể có 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 tại Mường Tè (Lai Châu) và Mộc Châu, (Sơn La); cùng với hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 4/12/2020, thiên tai đã làm 291 người chết, 64 người mất tích và 876 người bị thương. Thiệt hại về nhà cửa bao gồm 3.427 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 511.172 lượt nhà bị ngập.

Nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 198.374ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 51.923 gia súc và 4,11 triệu gia cầm chết hoặc bị lũ cuốn trôi. Cùng với đó là 787km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5km bờ biển, sông bị sạt lở; 1.190km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 4,1 triệu m3. Ước tính tổng thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, các con số thống kê cho thấy, thiên tai diễn ra nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong nhiều năm qua. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” đã tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi. 

Thích ứng biến đổi khí hậu

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Khu vực ven biển và đồng bằng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam, thường xuyên chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán. Khu vực miền núi cũng thường xuyên bị lũ quét và sạt lở đất với tần suất ngày càng gia tăng. 

Ngay những ngày đầu năm 2021, trước thềm Hội nghị cấp cao của Liên Hợp quốc về chống BĐKH (COP 26), dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thông điệp của Việt Nam đến toàn cầu: “Để thích ứng với BĐKH, bên cạnh việc tích cực tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam cam kết tăng cường sức chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thiệt hại do BĐKH gây ra; lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch quốc gia; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại”.

Cuộc chiến chống BĐKH trên toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức. Đến hạn chót ngày 31/12/2020, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới vẫn chưa cập nhật cam kết mới của mình về mục tiêu trung hoà khí thải. Một năm ảm đạm về kinh tế và dịch bệnh đã làm rối loạn các kế hoạch quốc gia về khí hậu theo các cam kết khi ký Thỏa thuận Paris. Theo Liên Hợp quốc, đến ngày 1/1/2021, chỉ hơn 70 trong số 200 quốc gia công bố các mục tiêu mới, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), 3 năm gồm 2016, 2019 và 2020 được ghi nhận là những năm nóng kỷ lục, trong đó năm 2020 đã vượt năm 2016 trở thành năm nóng nhất từ trước đến nay. Đặc trưng thời tiết bất thường của năm 2020 là nền nhiệt cao và cháy rừng liên tục, cùng mùa siêu bão ở Đại Tây Dương, diện tích băng ở Bắc Cực luôn ở mức thấp.

WMO cảnh báo, các loại khí thải tồn tại trong khí quyển luôn ở mức cao kỷ lục, nhất là khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các hình thái thời tiết cực đoan hình thành bao gồm mưa lớn ở châu Phi, nắng nóng kéo dài và nhiệt độ ấm hơn ở các vùng biển nhiệt đới. 

Những thống kê này đã chỉ rõ hiện thực rằng BĐKH có khả năng huỷ hoại cuộc sống và sinh kế của con người. Nếu chúng ta còn chần chừ và không hành động ngay bây giờ thì hậu quả trong tương lai còn khó lường hơn. Đó cũng chính là lời kêu gọi của Thủ tướng Anh Boris Johnson – quốc gia đăng cai tổ chức COP 11 vào tháng 11/2021 với toàn thế giới. 

Bão và áp thấp nhiệt đới dự báo xuất hiện từ tháng Sáu

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục trong pha lạnh. Hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến tháng 3, sau đó giảm dần và chuyển sang trạng thái trung tính vào mùa hè.

Dự báo, từ nay đến tháng 5 ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Sang tháng 6 và 7, bão, áp thấp nhiệt đới mới có thể bắt đầu hoạt động ở phía Bắc Biển Đông. Cần đề phòng gió mạnh trên biển do tác động của không khí lạnh ở phía Bắc và giữa biển Đông vào các tháng chính của mùa Đông năm 2020-2021 và do hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới vào mùa hè năm 2021. Đề phòng các đợt mưa trái mùa ở ven biển Nam Bộ từ nay đến nửa đầu tháng 2.

Trong tháng 2 và 3, nhiệt độ trên toàn quốc phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Riêng Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, tháng 2 nhiệt độ thấp hơn TBNN khoảng 0,5 độ C. Từ tháng 4 đến tháng 7, nhiệt độ cả nước ở mức xấp xỉ TBNN.

Các đợt rét đậm, rét hại còn có khả năng xảy ra trong nửa đầu tháng 2, nhưng không kéo dài như trong tháng 1. Đề phòng nhiệt độ giảm sâu, gây ra băng giá, mưa tuyết ở vùng núi cao khu vực Bắc Bộ.

Khu vực Bắc Bộ, trong tháng 2 và 3 nhiệt độ giảm. Trong tháng 2 khả năng xuất hiện mưa rào, với tổng lượng mưa khoảng 30-70 mm. Từ tháng 3 đến tháng 7, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN; riêng tháng 5, phía Đông Bắc Bộ cao hơn TBNN khoảng 5-20%.

Nguồn nước từ tháng 2 đến tháng 7 trên các lưu vực sông ở Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 20-50%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô. Riêng tháng 1 và 2, vùng hạ lưu sông Hồng vượt TBNN từ 10-20%. Tháng 6 và 7, trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ xuất hiện các đợt lũ vừa và nhỏ, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức báo động 1.

Khu vực Trung Bộ, từ tháng 2 đến tháng 6, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN; riêng từ Bình Định đến Bình Thuận trong tháng 2 có thể xuất hiện mưa trái mùa với tổng lượng mưa đạt từ 30-70mm. Tháng 7, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN, riêng Trung và Nam Trung Bộ cao hơn khoảng 10-20%.

Từ tháng 2, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện mưa trái mùa với tổng lượng mưa tháng phổ biến từ 20-40mm. Từ tháng 3 đến tháng 7, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với TBNN, riêng Nam Bộ tháng 7, tổng lượng mưa cao hơn so với TBNN khoảng 5-15%.

Từ nay đến cuối tháng 2, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thiếu hụt so với TBNN khoảng 5-15%, từ tháng 3 đến tháng 5 ở mức tương đương TBNN. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 biến đổi theo triều và ở mức cao hơn TBNN từ 0,1-0,3m.

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng và xâm nhập sâu tại các cửa sông chính từ cuối tháng 1. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và 3. Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4, sau giảm dần. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới. Phương Nga

Đọc thêm