Xây kè, ổn định chỗ ở cho hàng nghìn hộ dân ven sông Hà Nội

(PLVN) - 3 huyện đã xây kè ổn định tại chỗ được 902 hộ. UBND các huyện khác cũng đề xuất danh mục các dự án để bố trí ổn định dân cư tại chỗ...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) Hà Nội mới thông tin về rà soát, cung cấp số liệu xây dựng Chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, Hà Nội có 2 hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Thái Bình với 7 con sông chảy qua: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy và một số sông nội địa... Trên hệ thống sông này có hơn 626,5km đê từ cấp V đến cấp đặc biệt đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã với 224/584 xã, phường, thị trấn ven đê, trong đó, 11 đơn vị hành chính cấp xã nằm hoàn toàn ngoài đê.

Theo thống kê của UBND các quận, huyện, thị xã của Hà Nội, có khoảng 156.456 hộ sinh sống ở khu vực bãi sông ngoài đê với khoảng 632.393 nhân khẩu. Trong đó, có 9 khu dân cư với 2.204 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình cần di chuyển. Số hộ cần ổn định tại chỗ là 25.062 hộ. Số hộ cần phải di dời do ô nhiễm môi trường là 351 hộ. Số hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng chưa phải di dời, ổn định tại chỗ là 17.157 hộ.

Hà Nội hiện chưa có dự án về bố trí ổn định dân cư cần di dời 9 khu dân cư với 2.204 hộ gia đình để ổn định cuộc sống người dân. 

Do chưa có quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 nên các huyện trên địa bàn đã bố trí, đề xuất bố trí ổn định dân cư theo đặc thù của từng huyện.

Cụ thể, cũng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, các huyện đã xây kè ổn định tại chỗ được 902 hộ (huyện Phú Xuyên: 606 hộ; huyện Mê Linh: 16 hộ; huyện Thường Tín: 280 hộ)... UBND các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thường Tín, Gia Lâm đã đề xuất danh mục các dự án (Xử lý cấp bách chống sạt lở; xử lý sạt lở bờ sông, chống sạt lở bờ kè...) để bố trí ổn định dân cư tại chỗ năm 2019, 2020. 

Huyện Thường Tín đề xuất xử lý sạt lở bờ tả sông Nhuệ đoạn qua thôn Dưỡng Hiền, xã Hòa Bình để ổn định tại chỗ cho 320 hộ dân; xử lý sạt lở bờ tả sông Nhuệ đoạn qua thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến để ổn định tại chỗ cho 2.700 hộ dân; chống sạt lở bờ kè Xâm Thị bờ hữu sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã Ninh Sở để ổn định tại chỗ cho 750 hộ dân.

Huyện Ba Vì đề xuất xử lý cấp bách chống sạt lở kè Cổ Đô tương ứng từ K5+000 đến K5+800 đê hữu Hồng. Huyện Mỹ Đức đề xuất kè sông Đáy, xã Vạn Kim đoạn qua thôn thôn Kim Bôi dài kè 980m; kè sông Bùi xã Phúc Lâm đoạn qua thôn Phúc Lâm dài 900m.

Huyện Phúc Thọ đền xuất cải tạo nâng cấp các tuyến đê bối sông Tích thuộc các xã Tích Giang và Trạch Mỹ Lộc; cải tạo sửa chữa các tuyến kè Linh Chiểu, kè Cẩm Đình đoạn qua xã Sen Chiểu và xã Cẩm Đình.

Huyện Gia Lâm đề xuất kè bờ tả sông Đuống đoạn thượng lưu và hạ lưu cầu Đuống, đoạn thượng lưu cầu Đuống từ K8+150 đến K8+300, từ K8+850 đến K8+135; xử lý cấp bách sạt lở bãi sông Đuống đoạn qua thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá, đoạn bờ hữu sông Đuống đoạn từ K13+960 đến K14+750; xử lý cấp bách chống sạt lở bờ sông Trung Thủy Nông xã Văn Đức; xử lý cấp bách sự cố sạt lở kè Sen Hồ, đê hữu Đuống, xã Lệ Chi.

Đọc thêm