Những năm gần đây cứ mỗi độ năm hết Tết đến, vé máy bay, vé tàu, vé ô-tô lại trở nên khan hiếm, có tiền nhưng không ba chân bốn cẳng không mua nổi. 365 ngày đất khách quê người, không ai không muốn tìm một chút hơi ấm gia đình, khi năm đã cùng tháng đã tận.
Khi “hành phương Nam” thì lai rai quanh năm suốt tháng nhưng khi hồi cố hương thì cứ nhất loạt đúng hẹn, tạo nên tình cảnh cung không đủ cầu, người mua được vé thì hớn hở, người không mua được vé thì buồn không để đâu cho hết! Tuy nhiên bên cạnh đó xu hướng chơi Tết cũng được các gia đình khá giả chọn lựa. Ba ngày Tết cả nhà kéo nhau đi du lịch, trong nước hoặc ngoài nước, tránh xa không khí ồn ào của cái Tết ít nhiều còn mang đậm dấu ấn làng xã, tránh những ly rượu trong nhiều trường hợp là bất đắc dĩ!
Nhưng mặc cho người về kẻ đi, với các bà các cô nói chung ở hoàn cảnh nào đã ăn Tết dứt khoát… cái ăn phải là ưu tiên số một và phải ăn ngon! Từ mâm cơm tất niên đến mâm cơm tiễn ông bà ngày mùng bốn, không bữa cơm nào không là cỗ, sơn hào hải vị năm món, bảy món, bánh trái đĩa chín, đĩa mười cứ như mọi người bỗng thoắt nhiên là vua là chúa cả! Mỗi cây mỗi hoa - không nhà nào giống nhà nào, một cuộc liên hoan ẩm thực vĩ đại diễn ra trên khắp đất nước. Nhưng trong cuộc trình diễn có một không hai lặp lại hằng năm này, cũng lại có những món nhà nhà giống nhau, có những món đặc trưng cho văn hóa ẩm thực Việt…
Bánh chưng…
Không có gì thân quen gần gũi như một chiếc bánh chưng. Nhưng trong nền ẩm thực Việt đa dạng, phong phú, đặc sắc không có gì thiêng liêng hơn chiếc bánh ấy. Lang Liêu có lẽ là “đầu bếp” đầu tiên của nhân loại được lưu truyền chính thức. Việt Nam có lẽ là đất nước duy nhất ngôi báu được truyền cho một người làm ra một thứ bánh. Lang Liêu đã tìm ra trong cái mọi người đều biết – gạo nếp, thịt heo, đậu xanh, lá dong, cái chưa ai biết - bánh chưng. Vua cha và Lang Liêu là hai bậc đại nhân đại trí, đã nhìn thấy cái trí tuệ siêu việt hàm chứa trong một tặng vật bình dị.
Một nền văn minh nông nghiệp kết tinh trong một chiếc bánh chưng huyền thoại. Không biết có dân tộc nào trên trái đất này đồng loạt làm một thứ bánh giống hệt nhau chào đón năm mới, tri ân tổ tiên mình? Ngọn lửa thắp lên từ cái bếp lửa cho ra đời chiếc bánh chưng đầu tiên cháy mãi trong tâm hồn mỗi người Việt, ngay trên mảnh đất quê hương hay chân trời góc bể xứ người. Năm hết Tết đến, thiếu gì thì thiếu nhưng dứt khoát không thể thiếu bánh chưng…
Bóng…
Một cách khiêm tốn nhất chúng ta vẫn có thể nói rằng người Việt nằm trong số không nhiều những dân tộc khai thác cái ăn giỏi bậc nhất. Những thứ người ta chẳng thèm ngó ngàng tới, thậm chí bỏ đi, một khi vào tay người Việt, nó trở thành món ăn tuyệt hảo. Bóng (heo) là một ví dụ điển hình trong rất nhiều ví dụ. Miếng da heo cạo sạch lông, nướng phồng – không có gì phức tạp khi sơ chế bóng. Tết đến, làm sạch miếng bóng bằng rượu, bằng gừng, bằng nước vo gạo rồi xắt miếng. Miếng bóng vô duyên nhạt nhẻo hơn tất cả những thứ khả dĩ ăn được trên đời này.
Nhưng… hãy bước thêm bước nữa để chiêm nghiệm sự tài hoa hết mực của người đứng bếp. Bát bóng nấu gà, tô bóng cuộn giò sống, đĩa bóng xào thập cẩm… những miếng bóng mềm mại thấm đến tận cùng cái ngon ngọt của gà, của thịt heo nạc, của giò sống, của mực, của tôm. Cái màu trắng ngà của miếng bóng hòa hợp với màu trắng của hành tây, của sup-lơ, duyên dáng bên màu xanh của hành lá, của mùi, của cần tây, nổi bật khi bên cạnh vài lát cà rốt đỏ tỉa hoa. Cái bát bóng, cái dĩa bóng ấy vừa đẹp, vừa ngon tới tận xương tủy. Những người khôn ăn cứ chọn những miếng bóng mà gắp, rồi ao ước giá chi cứ lâu lâu… lại Tết!
Thịt gà xé không lúc nào không ngon, nhưng trong bữa cơm ngày Tết, nó là món vừa ngon vừa không ngán. Gà tất nhiên phải là gà ta, mái tơ vừa mềm vừa ngọt. Nhưng cái đặc sắc, cái làm người ta kinh ngạc lại là một thứ trên thế giới không dùng trong chế biến món ăn, đó là lá chanh. Cái thứ lá thiên hạ rẻ rúng bỗng chốc làm món gà xé độc đáo, những sợi lá chanh điểm hương định vị khiến người ta không thể không bị quyến rũ. Dân gian có câu ngạn ngữ “Thịt gà với đàn bà thì… dùng tay”. Nhưng trong món thịt gà xé lá chanh, dù sử dụng biện pháp gián cách với đôi đũa, vẫn cảm vẫn thăng hoa, lần sau vẫn như lần trước, trăm lần vẫn như lần đầu!...
Mứt gừng…
Tết, mứt luôn là thứ thú vị, nó góp thêm chút ngọt cho cái ngọt ngào sẵn có của ba ngày Tết, nó cân bằng những miếng giò miếng mỡ. Nhiều loại nhiều thứ mứt lắm – mứt gừng, mứt bí đao, mứt khoai tây, mứt hồng, mứt khoai lang, mứt chùm ruột, mứt me, mứt chanh, mứt hạt sen, mứt dừa… Ngày xưa các bà các cô cầu kỳ kiên nhẫn mài kiên nhẫn xăm giữ nguyên hình hài của củ của trái, đĩa mứt với những quả chanh bên cạnh những củ gừng mới nhìn đã biết bàn tay người làm ra chúng khéo lắm, đến mức ăn thì thấy tiếc như mình có lỗi vì đã phá hỏng cái đẹp mỗi năm chỉ có một lần!
Trong các thứ mứt thì mứt gừng không thực sự nổi bật, nhưng nó có một số phận có thể nói là kỳ lạ. Không ai bảo ai, không tồn tại một sự bắt buộc nào nhưng cứ Tết là phải có mứt gừng, là quyết phải có cái cay cay của miếng mứt gừng bên chén trà thơm. Những dịp ra nước ngoài và hỏi những bậc cao niên, tôi được biết thiên hạ vẫn dùng gừng như một thứ gia vị. Giả như món vịt kho, vịt luộc của ta, làm sao có thể không có gừng? Nhưng sáng tạo ra một “món ăn” toàn gừng với gừng, hình như không ở đâu ngoài lãnh thổ Việt Nam…
“Ăn Tết” - ngôn ngữ không bao giờ vô tình. Một dân tộc đã biết đưa một thứ bánh chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử của mình, dân tộc đó đương nhiên biết cách sáng tạo ra những món ngon và… ăn ngon!
HOÀNG TRỌNG DŨNG