Tại Trường tiểu học Vĩnh Tường 2, Vị Thủy, Hậu Giang, Hiệu trưởng Phạm Văn Út đã có những việc làm vi phạm pháp luật khiến giáo viên tố cáo. Các cấp chính quyền qui kết Phó Bí thư chi bộ để mất đoàn kết...
Hiểu trưởng “lờ” quyết định của tỉnh
Ngày 28/8/2009, ông Phạm Văn Út được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tường 2 (Trường Vĩnh Tường 2). Thời gian này, UBND tỉnh Hậu Giang thực hiện chương trình kiên cố các phòng học và Trường Vĩnh Tường 2 được xây kiên cố 3 phòng học.
Điều 5 Quyết định 2966 ngày 3/11/2009 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Quang Hưng ký qui định: Địa điểm xây dựng 3 phòng học nằm trong khuôn viên Trường Vĩnh Tường 2. Ngày 17/11/2009, Ban Quản Lý Dự án-Đầu tư xây dựng Trường học Sở GD&ĐT gửi thông báo ra lệnh khởi công cho nhà thầu thi công; Thời gian thi công từ ngày 19/11/2009. Cùng ngày nhà thầu khởi công, ông Út lấy tư cách là Hiệu trưởng ký biên bản thỏa thuận đổi đất của trường cho ông Lưu Phương Hồng-nguyên Phó Bí thư xã.
Việc đổi đất này bị giáo viên tố cáo, Sở Tài Nguyên & Môi trường đã có Công văn số 18, ngày 02/3/2010 trả lời: căn cứ Khoản 2 Điều 91 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai và Khoản 2 Điều 109 Luật Đất đai năm 2003 thì: “…Tổ chức được nhà nước giao đất không có quyền chuyển đổi, tặng cho…” .
Ba phòng học được xây dựng trên đất của ông Hồng
Vậy việc ông Hiệu trưởng tự ý lấy đất nhà trường hoán đổi là vi phạm pháp luật, nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng huyện Vị Thủy vẫn để 3 phòng học xây dựng trên đất của ông Phương, nằm ngoài khuôn viên trường học.
Một sai phạm khác của ông Hiệu trưởng là việc phát trợ cấp 35% cho những người không đứng lớp trực tiếp. Theo Quyết định 244/2005 ngày 6/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ thì những giáo viên đứng lớp giảng dạy trực tiếp được hưởng trợ cấp 35% lương. Nhưng ông Út vẫn “hào phóng” phát trợ cấp 35% cho cả cán bộ thư viện, kế toán và giáo viên phổ cập.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vị Thủy Lương Phong Nhã khẳng định: “Ngân sách giáo dục được Phòng Tài chính huyện chuyển thẳng các trường để hiệu trưởng tự chi, mà không chuyển qua Phòng Giáo dục”.
Đấu tranh, tránh đâu?
Những sai phạm của ông hiệu trưởng bị tập thể giáo viên trường gửi đơn tố cáo lên các cấp chính quyền. Lãnh đạo Đảng bộ xã qui kết cho Phó Bí thư chi bộ kiêm Hiệu phó là ông Lê Văn Quyền (vợ ông Quyền ký tên trong đơn tố cáo tập thể) để chi bộ mất đoàn kết, nên cắt chức Phó Bí thư chi bộ của ông này.
Ông Quyền khiếu nại lên Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy, nhưng sau khi kiểm tra thì ông Út bình yên vô sự, còn ông Quyền bị cách luôn chức Phó Hiệu trưởng, xuống làm giáo viên. Chưa hoàn hồn, ngày 21/7/2010 ông Quyền nhận được quyết định điều chuyển công tác về Trường Tiểu học Vĩnh Trung 4 kể từ ngày 1/8/2010. Năm học tới, ông Quyền phải đi dạy xa hơn 7 km, nhưng cay đắng hơn khi Trường Vĩnh Trung đã đủ giáo viên, nên tạm thời ông Quyền phụ trách công tác Hội Chữ thập đỏ.
Là giáo viên từng 14 năm đứng lớp, được nhận bằng khen của ngành, nay bị kỷ luật Đảng, cắt chức và thuyên chuyển công tác một cách oan ức; còn người vi phạm lại bình yên vô sự.
Vấn đề một Đảng viên đấu tranh chống tiêu cực lại mất tất cả, được đặt lên bàn Chủ nhiệm UB Kiểm tra Đảng huyện Vị Thủy, thì được trả lời: Miễn phát biểu!? Thiết nghĩ các cấp chính quyền tỉnh Hậu Giang nên xem xét lại vụ việc để xử lý đúng người, đúng sai phạm.
Ngọc Long