Một cựu biệt động Sài Gòn điêu đứng sau ngày vay nợ bằng hợp đồng ngụy tạo

(PLO) - Để có tiền trả nợ, gia đình một cựu biệt động Sài Gòn đã chấp nhận làm hợp đồng mua bán nhà giả cách để vay 700 triệu đồng. Do khó khăn, họ chưa có điều kiện trả nên bị rơi vào khiếu kiện, song phán xử của tòa án “chưa thấu đáo”dẫn đến việc gia đình này bị cưỡng chế nhà, phải sống cảnh thuê mướn nhà ở tạm bợ suốt nhiều năm qua...
Vợ chồng ông Trung bà Mỹ bị chủ nợ kiện đòi nhà dù hợp đồng mua bán chỉ là giả tạo
Vợ chồng ông Trung bà Mỹ bị chủ nợ kiện đòi nhà dù hợp đồng mua bán chỉ là giả tạo

Vay tiền mặt, bị kiện đòi trả vàng?

Trong đơn cầu cứu đến Báo PLVN, ông Vương Thới Trung (SN 1957, tạm trú số nhà 008, lô E, Chung cư Lê Thị Riêng, phường 15, quận 10, TP HCM) phản ánh: Năm 2005, gia đình khó khăn và ông lâm cảnh bệnh tật, vợ ông là bà Nguyễn Thị Mỹ (SN 1958) đã đăng báo bán căn nhà số 482/3, Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh TP HCM để trang trải nợ nần.

Thông qua người môi giới, bà Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1978, trú số 24 cư xá Nam Hải, đường Hải Nam, phường 7, quận Phú Nhuận) gặp bà Mỹ và đề nghị cho mượn 700 triệu đồng để trả nợ. Nhưng đảm bảo cho việc vay tiền, bà Hà đề nghị bà Mỹ thế chấp giấy tờ nhà và làm hợp đồng mua bán tại phòng công chứng.

Ông Trung cho biết, khi thấy điều khoản trong hợp đồng có ghi giá mua bán nhà là 92 lượng vàng SJC, ông gặng hỏi nhiều lần và bà Hà khẳng định “Chỉ ký giả tạo thôi, không sao đâu, anh cứ ký đi”. Vợ chồng ông Trung ký khi đã chắc chắn rằng hai bên thống nhất hợp đồng thực chất chỉ là giả tạo cho khoản vay 700 triệu đồng.

Đầu năm 2006, mặc dù bà Mỹ đã trả nợ cho bà Hà 240 triệu đồng, nhưng lợi dụng hợp đồng mua bán nhà giả tạo, bà Hà đã đâm đơn khởi kiện ra TAND quận Bình Thạnh đòi vợ chồng ông Trung bà Mỹ phải giao nhà cho bà Hà. Trong nhiều phiên hoà giải, khi vợ chồng ông Trung bà Mỹ phản đối quyết liệt bà Hà mới chịu thay đổi yêu cầu từ đòi nhà sang đòi nợ.

Tháng 9/2007, TAND quận Bình Thạnh tuyên bố hợp đồng mua bán  vô hiệu, nhưng lại giải quyết việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa hai bên là vàng, trong khi bà Mỹ cho rằng bà Hà cho vay bằng tiền mặt. Theo đó, lúc đầu bà Hà yêu cầu đòi bà Mỹ phải trả 92 lượng vàng SJC theo nội dung trong hợp đồng (80 lượng vàng gốc đưa làm 2 lần và 12 lượng vàng lãi trong vòng 6 tháng), tuy nhiên sau đó thay đổi yêu cầu chỉ đòi 80 lượng vàng SJC.

Tòa cho rằng, bà Mỹ đã vay 80 lượng vàng SJC từ bà Hà nhưng đã trả 20 lượng với số tiền 240 triệu đồng. Như vậy, số vàng gốc còn lại bà Mỹ phải trả cho bà Hà là 60 lượng vàng SJC, lãi suất trong khoảng thời gian 2 năm 21 ngày tính từ ngày vay đến ngày xét xử là là 8,645 lượng và bị đơn phải trả là 68,645 lượng vàng SJC. Đồng thời, Tòa bác yêu cầu của ông Trung bà Mỹ xin trả cho bà Hà số tiền 460 triệu đồng trong hạn 6 tháng.

Không đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm, ông Trung kháng cáo. Tháng 3/2008, TAND TP HCM xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm.

Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

Sau phiên toà phúc thẩm, ông Trung nhiều lần làm đơn khiếu nại và đến tháng 3/2011, Chánh án TANDTC ra quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP HCM. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 398/2011/DS-GĐT ngày 24/5/2011 của TANDTC , Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng, TAND quận Bình Thạnh và TAND TP HCM chưa xác minh thu thập được đầy đủ chứng cứ để làm rõ nhiều vấn đề.

Theo đó, Hội đồng giám đốc thẩm TANDTC nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ các bên cho nhau vay tiền hay vàng, hay vay tiền quy ra vàng? Vì cả bà Hà và bà Mỹ đều không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc vay nợ bằng vàng hay bằng tiền. Bên cạnh đó, ông Trung và người môi giới là ông Trương Võ Phi Long Anh Vũ không trực tiếp chứng kiến việc giao nhận tiền hay vàng giữa bà Hà với bà Mỹ, nhưng Tòa vẫn lấy lời khai của họ làm căn xứ xác định tài sản cho vay.

Trong khi đó, thực tế có nhiều giao dịch giữa hai người thực hiện bằng tiền như bà Mỹ trả nợ bà Hà số tiền 240 triệu đồng; bà Mỹ trả nợ Ngân hàng hơn 405 triệu đồng. Ngoài ra, bà Mỹ có trình bày mình trả tiền hoa hồng môi giới 10% (của 700 triệu đồng) là 70 triệu đồng cho người môi giới là ông Vũ.

Chẳng những còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, TAND quận Bình Thạnh và TAND TP HCM còn mắc sai lầm trong việc áp dụng tính lãi suất cho vay vàng. Cụ thể, hai cấp Tòa đã sử dụng quyết định và công văn hết hiệu lực từ năm 2000 để tính lãi suất cho phía bị đơn, mặc dù những giao dịch trong vụ án đều diễn ra sau năm 2000.

Vì các lẽ đó, Hội đồng giám đốc thẩm TANDTC tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Bình Thạnh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trước khi có quyết định xét xử lại, năm 2009 căn nhà của vợ chồng ông Trung đã bị cưỡng chế thi hành án. Việc này khiến gia đình ông Trung lâm vào cảnh thuê nhà tạm bợ để mưu sinh...

Báo PLVN tiếp tục phản ánh vụ việc trên ở số báo sau.

Theo tìm hiểu, ông Trung là người có công với cách mạng, từng được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại miền Nam. Từ năm 1970 đến 1973, ông Trung là Tổ trưởng xung kích đốt xe Mỹ trong phong trào Thanh niên Sinh viên – Học sinh Sài Gòn, từng bị địch giam cầm tù đày.

Từ 1973 đến giải phóng, ông là Tổ trưởng trinh sát điệp báo, F70 Phòng Quân báo thuộc Bộ Tham mưu Miền. Hiện tại ông Trung đang là Uỷ viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định.

Đọc thêm