Một huyện miền núi 5 năm chưa phải cưỡng chế THA

 Trong vòng 5 năm liên tục, huyện Than  Uyên, Lai Châu không hề phải tổ chức cưỡng chế một vụ việc nào, và đây được cho là thành công đáng kể trong công tác thi hành án (THA) dân sự huyện này.  

Trong vòng 5 năm liên tục, huyện Than  Uyên, Lai Châu không hề phải tổ chức cưỡng chế một vụ việc nào, và đây được cho là thành công đáng kể trong công tác thi hành án dân sự huyện này.

Cả huyện chỉ có 2 Chấp hành viên

Với 11 xã, 1 Thị trấn, 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, Than Uyên là địa bàn còn nhiều khó khăn về tất cả các mặt, đặc biệt là đời sống và trình độ hiểu biết pháp luật. Theo Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện Nguyễn Đăng Thành, bình quân mỗi năm đơn vị phải đưa ra thi hành trên 300 việc, chủ yếu là án ma túy với số tiền thi hành gần 2 tỷ đồng, chiếm 1/4 -1/5 số việc thi hành án trong toàn tỉnh.

Đơn cử năm 2005 tổng số việc Than Uyên phải đưa ra thi hành là 301 việc, có điều kiện là 200 việc thì đến 2009 đã là 378 việc với số có điều kiện thi hành lên tới 346 việc, tăng 173%. Cùng với việc gia tăng về số lượng, tính chất phức tạp cũng tăng cao.

Cũng theo ông Thành, án lớn như vậy trong tình hình địa bàn nhiều chia cắt, giao thông cách trở những cả huyện chỉ có 2 chấp hành viên cùng với 3 thư ký và 2 công chức khác. “Với đội ngũ như vậy, chúng tôi rất khó khăn trong công tác chuyên môn”. Ông Thành nói.

Liên tục giảm án tồn đọng

Trong điều kiện đó, nhưng Thi hành án dân sự Than Uyên luôn tìm cách vượt lên, phát huy vai trò chủ đạo của mình, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để hoàn thành nhiệm vụ. Liên tục trong nhiều năm Thi hành án vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền, tổ chức các đợt cao điểm giảm án tồn đọng đạt kết quả. Năm 2008 giảm được 15,6%, năm 2009 giảm tới hơn 41% án tồn đọng.

“Chúng tôi có thuận lợi lớn là được cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành dọc quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, các cơ quan liên quan luôn ủng hộ, phối hợp tốt”, ông Thành vui vẻ. Đặc biệt, có được những kết quả nêu trên, có sự nỗ lực của mỗi cán bộ, chấp hành viên. Họ luôn đề cao tính chủ động trong chuyên môn, phân loại án chính xác, thường xuyên, kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm, học hỏi trong công tác, Đồng thời luôn lắng nghe dân để xem xét, giải quyết các khiếu nại một cách hợp lý hợp tình, dứt điểm, không dây dưa kéo dài, không né tránh chính là ‘bí quyết” để Thi hành án thành công.

Đặc biệt, trong 5 năm liên tục trở lại đây, Than Uyên không phải cưỡng chế một vụ việc nào. Phương châm của Thi hành án là đề cao vận động, thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành án, vừa đỡ chi phí cho họ, cơ quan nhà nước cũng bớt sức người sức của.

“Tuy nhiên, không cưỡng chế không có nghĩa là trong hoàn cảnh nào cũng “trông đợi” đương sự tự nguyện. Những vụ chây ỳ chúng tôi cũng phải tỏ thái độ cương quyết để tránh tình trạng “nhờn luật”” ông Thành tỏ thái độ cương quyết.

Những nỗ lực trong công tác Thi hành án dân sự huyện Than Uyên đã được Bộ Tư pháp ghi nhận bằng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen, và đó là những phần thưởng xứng đáng cho những cán bộ làm thi hành án ở vùng núi còn nhiều khó khăn này.

Bình An

Đọc thêm