Mỗi lần về thăm Bình Dương, lật lại một số trang nhật ký Chu Cẩm Phong ghi ở Bình Dương, chúng tôi muốn tìm một chút không khí của hôm qua và thử xem liệu có còn trong nhịp thở dập dồn hiện tại. Tôi bâng khuâng tự hỏi không biết những gia đình bị tàn sát sạch trơn ngày ấy như gia đình ông Phan Ngô, ông Lê Mua, ông Võ Tỵ, gia đình các bà Phạm Thị Bia, Phạm Thị Thu, Võ Thị Tỏ… bây giờ ai hương khói? Trong những khóm xanh trên mênh mông cát, đâu là trảng Động, đâu là trảng Trầm, đâu là Bàu Bính, Bàu Gộc, đi đường nào đến trảng Dài, trảng Mó?
|
|||
Nhà văn - Liệt sĩ Chu Cẩm Phong |
Trong Nhật ký chiến tranh dài gần 1.000 trang của mình, Chu Cẩm Phong đã ghi khá nhiều trang trong hai lần anh đi qua và ở lại trên đất Bình Dương-Thăng Bình. Điều thú vị, không thể ngờ là, sau nhiều năm trở lại mảnh đất một thời máu lửa và anh hùng này, lật trang nào, thấy một tên ai đó, hỏi thì có thể tìm ra họ.
Một trang, Chu Cẩm Phong ghi: Bà Chiến có chồng bị HU1A bắn chết năm 1964 còn lại các con: Chiến, Sỹ, Nông, Nghiệp.
Bình Dương. Đất cát bạc màu, phải đào ao mới có nước tưới cho cây, làm ra được củ khoai, hạt lúa phải thức khuya, dậy sớm, phải đổ nhiều giọt mồ hôi. Tư tưởng tiến công chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, chống lại quân thù hung bạo luôn hiện hữu trong mỗi con người. Để củng cố thêm nghị lực của mình, một bà mẹ đã nêu quyết tâm lên mỗi đứa con được sinh ra dưới đạn bom ác liệt: Chiến, Sỹ…
Đến thôn Tư, dừng lại chỗ ngã ba đường, tôi hỏi một chị vừa bước đến, chị chỉ ngay trước mặt chúng tôi là nhà bà Chiến. Tôi vào nhà thăm mẹ, để kiểm chứng có phải là bà Chiến có tên trong Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong hay là một bà Chiến nào đó trùng tên.
Tôi niềm nở:
- Thưa mẹ. Năm nay mẹ thọ mấy mươi?
- Tuổi Thân - Tám mốt.
- Chiến là tên mẹ hay tên ông nhà?
- Tên con.Tên ổng là Nguyễn Chấp, còn tôi là Nguyễn Thị Thắng.
- Còn Chiến là…?
- Là con trai đầu. Hắn đau, nằm ở phía sau.
Thì ra, từ cái tên Thắng của mẹ mới có cái tên Chiến của người con trai đầu lòng! Mẹ Thắng gieo niềm tin vào người con thân yêu với khát vọng sẽ chiến thắng bất cứ khó khăn nào. Chiến thắng giặc Mỹ xâm lược và chiến thắng với cát và khô hạn!
Tôi hỏi thêm:
- Bây giờ mẹ ở với ai?
-Ở với con Nghiệp. Đây là nhà do con Nghiêp làm, vừa làm xong nhà còn thiếu ba triệu, hắn phải ra Đà Nẵng làm ăn kiếm tiền về trả nợ.
Trong chuyến đi, chúng tôi mời chị Cúc, nguyên là Xã đội phó rồi Xã đội trưởng Bình Dương về thăm lại thôn Một của chị.
Tôi thử hỏi mẹ Chiến về cô xã đội ngày nào:
- Mẹ biết ai đây không?
Mẹ đưa đôi mắt nhăn nheo nhìn chị Cúc. Tất nhiên là không tài nào nhìn ra, dù cho trước đây mẹ có quen thân với chị. Bởi thời ấy, chị Xã đội trưởng mới ở tuổi hai mươi, tóc dài tới lưng, đẹp gái, dễ thương nhất thôn. Bây giờ chị là một người mẹ của năm con, lam lũ, lạ hoắc lạ huơ. Mẹ nắm bàn tay chị Cúc, nhìn sững chị một lúc rồi nói như người có khuyết điểm:
- Ai mà nhìn không ra hè?
Chị Cúc hỏi mẹ:
- Mẹ có biết Cúc xã đội không?
- Có phải Sáu Cúc ở thôn Một?
Chị Cúc ôm chầm lấy mẹ, mẹ vòng tay ôm lưng chị, nghẹn ngào:
- Sao mi lạ hung rứa, làm răng mẹ nhận ra. Chớ con đi đâu hồi nớ tới chừ?
Hai người mẹ đều rơi những giọt nước mắt bùi ngùi, xúc động. Dường như cả hai đều thấy mình có lỗi - lỗi quên đi những ngày mà họ đã góp cả mồ hôi và máu để tạo nên những ngày hào hùng tuyệt đẹp của hôm qua!
Nhật ký Chu Cẩm Phong ngày 1-9-1969 đã ghi:
Cúc xã đội phó cô ta vừa bị thương, một mảnh cối xuyên dưới xương quai sanh lọt nằm trong vai, cánh tay gần như bị liệt. Cúc mảnh dẻ và dịu hiền. Bọn Mỹ vừa tàn sát gia đình Cúc. Người chị dâu và hai đứa nhỏ ở dưới hầm. Chúng giật mìn chết. Cha và mẹ Cúc vừa ở dưới hầm lên bị chúng bắn luôn, chết gục ở miệng hầm, giờ chỉ còn hai em sống với nhau…
....
Những tên đất, tên làng có ghi trong Nhật ký của Chu Cẩm Phong, nơi nào cũng có kỷ niệm, nơi nào cũng thấm máu nhân dân, khắc sâu tội ác của giặc Mỹ và quân chư hầu. Bốn lần càn qua đất Bình Dương, lính Rồng Xanh đã tàn sát tập thể, giết chết 247 người dân.
Tôi bâng khuâng tự hỏi không biết những gia đình bị tàn sát sạch trơn ngày ấy như gia đình ông Phan Ngô, ông Lê Mua, ông Võ Tỵ, gia đình các bà Phạm Thị Bia, Phạm Thị Thu, Võ Thị Tỏ… bây giờ ai hương khói? Trong những khóm xanh trên mênh mông cát, đâu là trảng Động, đâu là trảng Trầm, đâu là Bàu Bính, Bàu Gộc, đi đường nào đến trảng Dài, trảng Mó?
Không về thôn Một, trời đã nắng nóng và ai cũng thấm mệt, chúng tôi ra biển, nơi những lần dừng chân ở Bình Dương anh Chu Cẩm Phong thường ra nhìn biển, và anh đã viết nên những bút ký rất hay: Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt biển-Mặt trận. Từ trên bãi cát ì ầm tiếng sóng biển, rảo bước đi vào, tôi dừng lại nhìn một người đàn bà bưng cái rổ sảo sưa đi ra phía rừng dương liễu. Chị ta đi quơ lá dương khô về nấu bếp.
- Xin hỏi, chị là người ở đây? Tôi chào chị và hỏi.
- Ở đây - Người đàn bà nghiêng nón lá nhìn tôi trả lời rất gọn.
- Từ khi nào?
- Từ hồi chiến tranh - Ngừng một lát, chị nói tiếp - Đến bảy mươi thì chạy.
- Tại sao chạy?
- Trắng hết, không còn chỗ mà rúc, không còn cái mà ăn. Chạy lên khu dồn, đến năm 1975 giải phóng thì lục tục về quê…
Tôi nghĩ, ngày ấy chị là dân bám trụ, song vẫn hỏi:
- Trước chị làm gì không?
- Du kích thôn.
Tôi nhìn sang chị Cúc, muốn nói với chị Cúc, nếu quả chị ta là du kích thôn thì nguyên là lính của chị Cúc. Thường hỏi về đời tư là câu chuyện tế nhị, song thấy chị chất phác, gương mặt hiền như cát và hơi tiều tụy nên tôi mạnh dạn:
- Chị có chồng không?
- Có.
- Anh ấy làm gì?
- Anh cũng từng làm du kích thôn. Anh tên là Lê Văn Điền. Sau khi đi dân công về, năm 65 ảnh tham gia du kích, chừ làm nông.
- Vậy, chị biết chị Cúc không? Chị Cúc lúc bấy giờ là Xã đội trưởng đó?
- Biết. Sáu Cúc.
- Vậy thì ai đây? - Tôi chỉ chị Cúc.
- Ôi! Chị Cúc! Chị ta sà vào người chị Cúc.
Nhìn họ ôm nhau hồi lâu trên trảng cát trắng, lòng tôi như quặn lại.
Chị du kích thôn ấy tên là Lương Thị Ba. Thời ấy, du kích thôn thì biết Xã đội trưởng, còn Xã đội trưởng thì khó mà biết hết du kích thôn. Ở Bình Dương, mỗi thôn có một tiểu đội du kích. Du kích hy sinh nhiều. Có thể trong những trận đánh phối hợp, họ có gặp nhau, giờ, sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, vật lộn với gió cát để làm ra cái ăn để sống, dễ gì họ nhận ra nhau!
Chưa muốn chia tay người đàn bà khắc khổ Lương Thị Ba, tôi hỏi thêm vài câu nữa:
- Chị nói là du kích thôn, sao đến 70 lại chạy lên khu dồn?
- Thì tôi nói rồi, đói quá không còn chỗ rúc. Trắng huơ. Anh em du kích muốn nấu cơm phải đào cái hục, lấy cái nón cời che gió. Ban đêm, muốn nấu được cơm thì phải che ánh lửa. Tôi không chịu nổi, để cây súng lại cho anh em du kích, đi chiêu hồi. Du kích mà bỏ súng lên vùng địch là đi chiêu hồi. Đi chiêu hồi mà đi tay không, nói là du kích họ không tin, không nhận là chiêu hồi, bắt ngồi tù mấy tháng rồi thả, vào khu dồn ở, không dám về quê.
Mỗi lần về thăm Bình Dương, lại lật một số trang nhật ký Chu Cẩm Phong ghi ở Bình Dương, chúng tôi muốn tìm một chút không khí của hôm qua và thử xem liệu có còn trong nhịp thở dập dồn hiện tại.
Chúng tôi yêu quý anh, tin anh - một nhà báo yêu cuộc sống, cuộc chiến đấu của nhân dân. Với những trang nhật ký chân thật, sinh động, được anh ghi vội vàng trong những phút im lặng không nhiều sau những trận ném bom, những trận pháo bầy, những cuộc bố ráp, vây càn. Đó là những trang viết bằng máu, trong mùi khói súng, nhưng lấp lánh chất người, là những trang sử của một người viết văn, viết về những người dân bình thường, đọc lên không chỉ xúc động mà hiểu hơn, yêu quý hơn những người dân đã làm nên một quê hương anh hùng.
Ngày 17-3-2010, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định 212/QĐ/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Chu Cẩm Phong, tên thật là Trần Tiến, người con của Minh Hương - Hội An - Quảng Nam, sinh năm 1941, hy sinh ngày 1-5-1971.
Suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, lần đầu tiên, có một nhà văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng! Kỷ niệm 35 năm Ngày quê hương được giải phóng, chúng tôi rất vui và tự hào gọi anh là nhà văn - liệt sĩ - anh hùng Chu Cẩm Phong.
Hồ Duy Lệ