Theo Hội loãng xương TP Hồ Chí Minh, năm 2010 nước ta có khoảng 2,8 triệu người bị loãng xương. Do khung xương thấp nhỏ, ít tập luyện thể thao, bữa ăn không đủ chất, ăn kiêng quá mức,... nên người Việt Nam có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao.
Thống kê của y học thế giới cho thấy, một phần ba phụ nữ và một phần năm nam giới hơn 30 tuổi có nguy cơ mắc phải bệnh loãng xương. Nguyên nhân của bệnh này là do yếu tố di truyền, thiếu hụt vitamin D, can-xi trong suốt quá trình sống và con người ít vận động. Ngoài ra, những người hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu gây cản trở cho quá trình hấp thụ can-xi của cơ thể cũng tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh nhân loãng xương thường không phát hiện mình bị bệnh cho đến khi xảy ra biến chứng bất thường như: gãy cổ xương đùi, lún gãy đốt sống, gãy xương vùng hông, mới biết. Người bệnh có thể bị tàn tật, thậm chí tử vong.
PGS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội loãng xương TP Hồ Chí Minh cho biết, loãng xương là loại bệnh nguy hiểm, quá trình điều trị tốn kém nhưng đến nay việc phòng tránh vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Ðể phòng, chống bệnh này, trong bữa ăn cần sử dụng các loại thực phẩm như: trứng, sữa, rau, củ, quả, tôm cua, các loại thịt, xương động vật... để cung cấp lượng can-xi cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó cần chú ý đến việc vận động, luyện tập thể dục thường ngày.