Táo bạo với mong muốn làm mới và làm "nóng" sân khấu, đạo diễn đưa ngay vào đoạn đầu vở cảnh tắm của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Diễn viên được che "khu vực vòng ba", còn lại đều… thoáng... Tiếp tục khai thác bi kịch Nguyễn Trãi, xoáy vào phần đời, phần con người của nhân vật, Nhà hát Kịch Việt Nam vừa hoàn thành vở "Đêm của bóng tối". Tuy nhiên, cái gì thái quá không phải cũng hay!"Nude" chưa ổn! Vở diễn mở màn năm mới của Nhà hát Kịch Việt Nam với kịch bản Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Lê Hùng, NSƯT Bạch Lan, có sự tham gia của Cục Nghệ thuật biểu diễn, lại tiếp tục khai thác đề tài lịch sử với một thảm kịch ngàn năm sau còn khiến người ta thương khóc, hứa hẹn sẽ rất có tầm. Nhưng đêm báo cáo vừa qua diễn ra tại Nhà hát Tuổi trẻ lại không cho thấy điều đó.
|
Cảnh trong vở diễn “Đêm của bóng tối”. |
Tiếp tục táo bạo với mong muốn làm mới và làm "nóng" sân khấu, đạo diễn đưa ngay vào đoạn đầu vở cảnh tắm của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Diễn viên được che "khu vực vòng 3", còn lại đều… thoáng - Tất nhiên là quay lưng về phía khán giả. Còn khi phát hiện nhà vua "đột nhập", nhân vật Thị Lộ hốt hoảng quay lại, tay che "vòng 1"… Trong diễn tiến vở, cảnh này trở lại, nữ diễn viên thấp thoáng sau màn sương khói, thỉnh thoảng quay nghiêng người về phía khán giả với mái tóc dài đã được phủ xuống. Sáng tạo mới có thể gây chú ý, nhưng trong không khí bảng lảng ấy, đoạn đầu lẽ ra không nên có hành động của người hầu già - cầm khăn lau lau, thấm thấm trên thân thể nhân vật Thị Lộ kỹ càng, tả thực một cách trần tục quá đến thế! Hơn nữa, được thể hiện như một bậc trung thần, một người vợ chung thuỷ, một người phụ nữ nghiêm ngắn, đoan chính, có lẽ bà Lễ nghi học sĩ cũng không cần phải tắm táp xa hoa với bao nhiêu cung nữ đứng hầu ở vòng ngoài như vậy.Nhiều sạn
Cách dùng những đoạn hát xen kẽ trong các đoạn tranh luận của nhân vật, thỉnh thoảng lại pha vào một giọng đọc chú nhưng trầm và gằn như đọc rap, gây cảm giác đe doạ chứ không thấy có sự bao dung, kêu gọi thức tỉnh. |
Bản "chạy thử" của vở diễn vẫn còn những điểm nên lưu ý, ngõ hầu khi "ra sạp" sẽ "được mắt" người xem hơn. Ví dụ như đôi khi sự biểu lộ thái quá làm mất tính khái quát của cảnh diễn, khiến sự việc bị "tãi" ra, sa vào cái suồng sã của đời thường. Đó là đoạn Thị Lộ trách phạt thái tử Bang Cơ - sau này là Vua Lê Nhân Tông. Diễn viên "tranh cãi" mãi quanh việc Thái tử dẫm lên sách thánh hiền, còn hình ảnh Thái tử được xây dựng thì từ sự lười biếng, mải chơi đã bị đẩy đến mức hơi mang màu sắc thiểu năng và dậy thì, kiểu như “Em Chã” trong “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Gần cuối vở, ở Lệ Chi Viên, Vua Thái Tông nôn nóng đợi chờ Thị Lộ đến, hồn các nhà sư hiện về khuyên vua quay đầu tỉnh ngộ, các diễn viên không đạt tới vẻ thiêng liêng của chính đạo mà ngay trong động tác đã có phần vội vã. Nhất là khi cùng tụng kinh niệm chú thì các "vị" không ngồi ngay ngắn mà cứ nghiêng ngả như đảo đồng. Hy vọng trong quá trình điều chỉnh, rút kinh nghiệm trước khi vở được công diễn, ê kíp sáng tạo cũng sẽ "tỉnh táo hơn" để vượt qua những sáng tạo và cách thể hiện thiên về đông đảo, rầm rộ nhưng còn thiếu độ tinh mà tập trung vào sự trong trẻo, hồn hậu của tâm hồn những con người như Nguyễn Trãi, Thị Lộ… Bởi dù có u hoài trước thế cuộc, có mặc cảm về tuổi tác trước người vợ còn dồi dào xuân trẻ thì Nguyễn Trãi vẫn là con người lịch lãm "Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm" (Thơ Nguyễn Trãi), chứ không đến nỗi già cả, yếu ớt như vở kịch đã thể hiện.
Theo Dương Xuân
Dân Việt
Dân Việt