Các cơ quan tố tụng huyện Cam Lâm, Khánh Hòa, không khách quan trong việc giải quyết vụ án dẫn đến bị hủy án liên tục.
Một máy đào của Cty Sông Mã bị chiếm giữ không đúng pháp luật |
Để lọt tội phạm, án bị hủy liên tục
Theo kết quả điều tra vụ án cố ý gây thương tích do CQĐT huyện Cam Lâm khởi tố đối với bị cáo Nguyễn Trung Trực thì chiều 17/5/2008, giữa ông Nguyễn Viết Trương, Giám đốc Công ty TNHH Sông Mã và ông Nguyễn Văn Minh xảy ra cãi nhau.
Con trai của ông Minh là Trực chạy đến đấm làm ông Trương gẫy răng, rồi bỏ đi. Nhưng khoảng 15 phút sau, Trực cùng mẹ là bà Văn Thị Kim Sang trở lại chỗ ông Trương. Trực ôm lấy ông Trương còn bà Sang lấy một đoạn “rễ cây” đánh ông Trương.
Hậu quả của trận đòn tập thể này khiến ông Trương tổn hại vĩnh viễn 12% sức khỏe, trong đó có nhiều thương tích nặng như gãy răng cửa, gãy xương sườn, tràn dịch màng phổi. Trong đó, hành vi gây thương tích của bà Sang đối với ông Trương là 10% sức khỏe. Tuy nhiên, CQĐT Công an huyện Cam Lâm chỉ khởi tố tội cố ý gây thương tích đối với Trực mà không khởi tố đối với bà Sang. Ngày 4/6/2009, TAND huyện Cam Lâm tuyên xử Trực 6 tháng tù.
Ngày 28/9/2009, TAND tỉnh Khánh Hòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để các cơ quan tố tụng huyện Cam Lâm điều tra, xét xử lại theo hướng phải khởi tố bổ sung và xử lý đối với bà Sang về tội cố ý gây thương tích. Thế nhưng, khi điều tra xét xử lại, các cơ quan tố tụng huyện Cam Lâm… tiếp tục bỏ lọt tội phạm, không điều tra, xét xử đối với bà Sang. Tại Bản án sơ thẩm lần thứ 2 ngày 7/9/2010, TAND huyện Cam Lâm vẫn xử Trực 6 tháng tù như án cũ và một lần nữa TAND tỉnh Khánh Hòa phải hủy án để điều tra, xét xử lại.
Ba lần xử vẫn sai?
Luật sư Lê Văn Kiên: Phải hủy án để điều tra, xét xử lại Việc xác định hung khí gây thương tích là một trong các nội dung phải chứng minh trong vụ án cố ý gây thương tích. Vì, hung khí gây án là yếu tố khách quan liên quan đến định khung hình phạt. Tôi thấy các bản án sơ thẩm chưa làm rõ được cơ chế hình thành thương tích, không chứng minh được hung khí và mối quan hệ nhân quả giữa hung khí và thương tích. Việc xác định “dễ cây” là hung khí rất chung chung mà không mô tả cụ thể về hung khí này đã dẫn đến việc xét xử không đúng. Theo tôi, vẫn phải hủy án để điều tra làm rõ tình tiết này vì đây là nội dung quan trọng, liên quan đến trách nhiệm hình sự của các bị cáo cũng như tính khách quan trong việc giải quyết vụ án. |
Sau lần hủy án này, CQĐT huyện Cam Lâm đã khởi tố bổ sung đối với bà Sang về tội cố ý gây thương tích trong vai trò đồng phạm với Trực. Ngày 8/9/2011, TAND huyện Cam Lâm mở phiên tòa xét xử đối với hai bị cáo.
Theo bản án sơ thẩm lần 3 của TAND huyện Cam Lâm, hai bị cáo Trực và Sang phạm tội cố ý gây thương tích nên phạt mỗi người 6 tháng tù, riêng bị cáo Sang được hưởng án treo.
Mặc dù bản án lần 3 của TAND huyện Cam Lâm đã xét xử đối với bà Sang nhưng bị hại Nguyễn Viết Trương tiếp tục kháng. Theo ông Trương, cả ba lần xét xử vụ án này TAND huyện Cam Lâm vẫn chưa làm rõ được nhiều nội dung quan trọng của vụ án nên dẫn đến việc xét xử chưa đúng người, đúng tội.
Sai sót nghiêm trọng của cấp sơ thẩm là việc xác định hung khí gây án của các bị cáo. CQĐT xác định bà Sang dùng “dễ cây” để đánh ông Trương là không đúng vì “dễ cây” không thể gây ra thương tích nghiêm trọng, khiến ông Trương gây xương sườn tràn dịch màng phổi.
Trong quá trình điều tra, ông Trương đã khai báo hung khí gây thương tích cho ông mà cả ba thành viên gia đình bà Sang đã sử dụng là những đoạn gậy sắt. Song CQĐT đã không điều tra, làm rõ được vấn đề này. Việc xác định hung khí là “dễ cây” đã giúp các bị cáo thoát khỏi khung hình phạt nặng hơn với tình tiết tăng nặng là “dùng hung khí nguy hiểm”.
Các cơ quan chức năng huyện Cam Lâm “xử ép” Cty Sông Mã Không chỉ xử lý thiếu khách quan vụ án cố ý gây thương tích đối với ông Trương mà trong thời gian qua, nhiều sự vụ liên quan đến Cty TNHH Sông Mã đã bị các cơ quan chức năng ở đây “xử ép”. Vụ việc nghiêm trọng nhất là việc Công an huyện Cam Lâm can thiệp vào tranh chấp dân sự giữa Cty Sông Mã và Cty Kiệt Việt trong quá trình hai doanh nghiệp này hợp tác khai thác đá tại mỏ đá Bà Châu, xã Suối Cát. Trong đó, Cty Kiệt Việt đã chiếm giữa hai máy đào của Cty Sông Mã mà ông Trương đã mua bằng tiền vay tiền của ngân hàng để phục vụ việc hợp tác khai thác đá với Cty Kiệt Việt. Số máy móc này cũng được Cty Sông Mã thế chấp với ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay. Nhưng, khi tranh chấp giữa Cty Sông Mã và Cty Kiệt Việt xảy ra, bà Hà Thị Tố Nga, Chủ tịch Cty Kiệt Việt đã chiếm giữ toàn bộ tài sản cuả Cty Sông Mã tại mỏ đá. Bà Nga cho lập biên bản kiểm kê tài sản, trong đó có tài sản của Cty Sông Mã. Ông Trương phải ký nhận biên bản về tài sản hiện có tại mỏ đá trước sự “chứng kiến” của đại diện Công an xã Suối Cát và Công an huyện Cam Lâm. Nhưng sau khi “thống kê” tài sản, bà Nga đã không cho Cty Sông Mã mang tài sản của mình đi. Hiện hai máy đào của Cty Sông Mã là tài sản thế chấp ngân hàng vẫn do Cty Việt Kiệt chiếm giữ khiến cho việc trả nợ ngân hàng của ông Trương gặp khó khăn và gây thiệt hại về kinh tế cho Cty của ông. Những việc làm chưa đúng của các cơ quan chức năng huyện Cam Lâm cần phải được xem xét và xử lý nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Cty Sông Mã. B.M |
Bình Minh