Người làm phim Việt vẫn 'kêu cứu'

(PLVN) - Thi thoảng, người ta lại thấy những bộ phim Việt lên cầu cứu khán giả bởi nhiều lý do, khi thì bị rạp chèn ép, khi thì khán giả thờ ơ do không hợp thị hiếu. Câu hỏi đau đáu đặt ra là, đến bao giờ có một trường điện ảnh an toàn và bền vững, để người làm phim thôi kêu cứu? 
Một cảnh trong phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi. (Ảnh Zing.vn).
Một cảnh trong phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi. (Ảnh Zing.vn).

Mong manh phim Việt trụ rạp

2019 là một năm chật vật của điện ảnh Việt. Từ đầu năm đến nay, có gần 20 phim điện ảnh ra rạp, trên tổng số ước tính 40 phim của năm. Số lượng thì nhiều, nhưng phim chất lượng có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài một vài phim được khán giả, giới chuyên môn đánh giá cao, phim có doanh thu tốt như: Hai Phượng, Lật mặt, Trạng Quỳnh, Cua lại vợ bầu, Anh thầy ngôi sao, Ngôi nhà bươm bướm… , thì số còn lại hầu hết đều chìm lắng.

Từ giữa năm đổ lại đây, thị trường điện ảnh rơi vào cảnh “chợ chiều” với hàng loạt phim ra mắt rồi mất hút. Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn, lần lượt 2 bộ phim Việt đăng đàn “kêu cứu” vì có chất lượng nhưng sắp “chết yểu”.

Đầu tiên là phim “Thưa mẹ con đi” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Đây là bộ phim về đề tài đồng tính, được đánh giá khá “sáng”, giàu cảm xúc. Tuy nhiên, bộ phim nhanh chóng gặp cảnh “eo sèo” khi khán giả không quá quan tâm, phim lại được xếp chiếu ở các khung giờ xấu.

Trước nguy cơ phim thất thu, rời rạp sớm, đạo diễn Lê Minh cùng ê kíp, đồng nghiệp và bạn bè đã kêu gọi khán giả “giải cứu”, đến rạp xem phim để phim có thêm đất sống. Ê kíp này cũng tự mình tìm mọi cách quảng bá để phim đến gần hơn với khán giả. 

Một bộ phim khác cũng rơi vào tình cảnh trên là “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” của đạo diễn Chung Chí Công. Phim được đánh giá nhẹ nhàng, sâu lắng, cách thể hiện lạ trên nền nhạc Indie. Tuy nhiên, phim được cho là khá kén khán giả. Chính vì thế, chỉ sau 48 giờ ra rạp, bộ phim đã phải đứng trước nguy cơ rời rạp do lượng vé bán ra quá ít.

Ngay sau đó, đạo diễn Chung Chí Công cũng lên mạng “năn nỉ” khán giả cho bộ phim một cơ hội được tiếp tục trụ rạp bằng cách mua vé, thử thưởng thức bộ phim. “Trời ơi, phim chưa muốn chết!” là thông điệp khẩn thiết từ nhà sản xuất. Sau đó, bộ phim quả thật đã được “giải cứu” khi được một số lượng khán giả ủng hộ, tăng doanh thu và dự kiến sẽ tiếp tục được chiếu trong thời gian 3- 4 tuần.

Cuộc chơi nhiều rủi ro

Điện ảnh Việt không chỉ có những con số đẹp, sáng lấp lánh đến từ những bộ phim như: Em là bà nội của anh, Em chưa 18, Cô ba Sài Gòn, Tháng năm rực rỡ… mà đằng sau những bứt phá, những doanh thu trăm tỉ của số phim chưa đếm hết trên đầu ngón tay là hàng trăm bộ phim long đong, không thể hoàn vốn, có những trường hợp nhà sản xuất trắng tay. 

Có muôn vàn lý do dẫn đến tình cảnh trên của phim Việt. Ngoài vấn đề chất lượng phim phải nói đến mối quan hệ thiếu bình đẳng giữa các cụm rạp. Từ lâu, nhà sản xuất phim đã ở vị trí “chiếu dưới”, khi mà số phận phim được định đoạt rất nhiều bởi sự sắp xếp ngày chiếu, giờ chiếu của rạp. Phim nào may mắn, được chú ý, được xếp lịch đẹp sẽ có cơ hội được khán giả tiếp cận nhiều, doanh thu cao.

Còn phim nào rạp thẩm định chưa vừa ý, sẽ rơi vào giờ xấu, ít khán giả. Tuy nhiên, rất ít nhà sản xuất phim lên tiếng phản ứng. Chỉ có trường hợp Tấm Cám của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, sau cú “cạch mặt” đình đám với cụm rạp CGV, vẫn có thể trụ được các rạp khác và có doanh thu tốt. 

Đạo diễn phim “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” kêu cứu khán giả để phim không bị mất suất chiếu rạp.
 Đạo diễn phim “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” kêu cứu khán giả để phim không bị mất suất chiếu rạp.

Bên cạnh mối quan hệ thiếu bình đẳng với các cụm rạp, còn tồn tại không ít những rủi ro khác. Đó là yếu tố thị hiếu khán giả. Thị hiếu khán giả tưởng chừng như khá rõ, nhưng đôi khi cũng mang nhiều rủi ro đến bất ngờ.

Rồi, những “tai nạn” trên trời rơi xuống, như bỗng dưng một thành viên trong phim dính scandal, phim đối mặt với làn sóng tẩy chay, hoặc ra rạp, bất ngờ trùng giờ phim “bom tấn”… Hay như phim Người vợ ba, tại các liên hoan phim quốc tế được đánh giá cao là thế, nhưng về nước, vì yếu tố thuần phong mỹ tục, không phù hợp văn hóa Việt nên đối mặt với sự tẩy chay, phải ngưng chiếu nửa đường…

Vì thế, làm phim ở Việt Nam phải nói là một cuộc chơi đầy rủi ro, ít quả ngọt mà đầy cay đắng. Từ nhiều năm nay, những người làm phim đều thừa nhận rằng, sản xuất phim như một canh bạc, được thì được cả, mất thì mất sạch, được thì ít mất thì nhiều. Cũng không hiếm những đạo diễn tài năng nhưng thất bại vài lần, đành nản chí, bỏ nghề sang những lĩnh vực khác…

Dấn thân để biết được năng lực bản thân

“Trong số 4 phim độc lập được công chiếu thời gian qua như: Nhắm mắt thấy mùa hè, Thưa mẹ con đi, Tháng 5 để dành, Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi,  thì tôi tham gia phần âm nhạc 3 phim và có khá nhiều kinh nghiệm cùng các đoàn làm phim độc lập.

Điều tôi nhận thấy là sau thất bại về doanh thu (khó tránh khỏi) thì hầu như đạo diễn của các phim này đều được các bên phát hành ngỏ lời mời làm những dự án phim lớn hơn rất nhiều. Có lẽ những người làm phim vốn lớn cũng thấy được cái tâm làm nghề của các đạo diễn trẻ. Họ có vốn, có đầu ra cho phim của mình, nên việc còn lại là tìm ra người làm việc có tâm. 

Cũng như trường hợp của tôi, ngày xưa chưa có tên tuổi, đi thi Bài hát Việt, được gọi là nhạc sĩ trẻ, may mắn đoạt giải, may mắn gặp đàn anh trong nghề vì họ nhận thấy nỗ lực và cái tâm làm nghề của tôi nên đã hỗ trợ rất nhiều.

Tôi đã nhận được rất nhiều lời khuyên, góp ý chân thành, nhưng không ai trong số đó bảo mình bỏ nghề đi cả, chỉ động viên cố gắng lên. Tôi nghĩ, làm phim hay làm nhạc, thất bại hay thành công đều có thể xảy ra. Nhưng dù nhận khen ngợi hay bị chê bai, không dấn thân sẽ không biết được mình có khả năng hay không, không có bắt đầu thì không bao giờ có kết quả” -12 Nhạc sĩ Phạm Hải Âu.