GS. Đặng Hùng Võ: “Nên có sự cạnh tranh trong quy hoạch sông Hồng”

(PLO) -Viện Thiết kế và Quy hoạch TP.Hàng Châu (Trung Quốc) được Geleximco mời tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch 1/5000 cho đô thị hai bên sông Hồng, đồng thời đưa ra đề nghị được cung cấp các số liệu về thủy văn, đê điều... Việc này đã ngay lập tức làm dư luận “nóng lên”. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường) để có cái nhìn khách quan.
GS. Đặng Hùng Võ: “Nên có sự cạnh tranh trong quy hoạch sông Hồng”

PV: Cách đây không lâu, dự án “siêu thủy lộ” kết nối sông Hồng với Trung Quốc đã bị phản đối về tính nhạy cảm an ninh, vậy lần này xung quanh câu chuyện quy hoạch 2 bên sông Hồng, theo ông, chúng ta có nên cân nhắc việc 1 đơn vị từ Trung Quốc tham gia hay không?

- GS Đặng Hùng Võ: Về mặt kĩ thuật đơn thuần thì tôi cho rằng chúng ta có thể lựa chọn chuyên gia từ tất cả các nước. Chuyên gia Trung Quốc cũng có thể tham gia. Có điều là phê duyệt phải trong tay ta chứ không nằm trong tay chuyên gia Trung Quốc. Điều chúng ta cần quan tâm là phê duyệt nó như thế nào. Còn vấn đề tri thức của chuyên gia thì từ tất cả các nước chúng ta đều có thể lợi dụng.

PV: Phía Geleximco cho rằng sở dĩ mời Trung Quốc vì sông ngòi của ta có điểm tương đồng với họ chứ không giống các nước châu Âu hay Hàn Quốc. Ông đánh giá như thế nào về nhận xét này? 

- GS Đặng Hùng Võ: Trước hết, tôi cho rằng, công tác quy hoạch 2 bên bờ sông cũng nằm trong phạm vi quy hoạch lưu vực sông. Đặc biệt, sông Hồng là sông có lưu vực trải rộng khắp miền Bắc. Chính vì vậy việc quy hoạch và quản lý tổng hợp lưu vực sông là 1 việc rất quan trọng mà chúng ta cần làm. Đương nhiên nếu làm tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, ngược lại làm không tốt, làm dở sẽ ảnh hướng tới việc phát triển của cả lưu vực sông. Nhiệm vụ đặt ra là đúng, chỉ có điều chúng ta quy hoạch nó như thế nào, quản lý nó như thế nào theo cái quy hoạch đó.

Về nhận xét sông ngòi Việt Nam giống với Trung Quốc cũng là đúng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thấy thêm rằng, Trung Quốc cũng là nước có kinh nghiệm trị thủy, rồi hình dáng, cách thức vận hành của các sông ngòi Trung Quốc cũng có điểm giống như Việt Nam nên tôi cho rằng lập luận như vậy cũng đúng. 

Tuy nhiên, chúng ta có thể lựa chọn các công ty tư vấn là hợp doanh của nhiều công ty, trong đó, có thể chọn 1 bên là Trung Quốc, 1 bên là 1 đất nước khác cũng có kinh nghiệm trị thủy tốt, cũng có điều kiện sông ngòi giống ở Việt Nam, chẳng hạn như các nước khác ở Đông Nam Á thì sẽ là 1 phương án tốt hơn.

PV: Ông có cho rằng việc thiết kế, quy hoạch nên được thực hiện thông qua hình thức thi tuyển ý tưởng rồi mới quyết định lựa chọn đơn vị thực hiện?

- GS Đặng Hùng Võ: Bình thường thì làm như vậy tốt hơn là việc lựa chọn trực tiếp. Ví dụ vừa rồi quy hoạch vùng Hà Nội, chúng ta lựa chọn 1 liên doanh giữa Mĩ và Hàn Quốc. Chúng ta đặt ra nhiều rào cản kĩ thuật để buộc các nước khác nhau hay các công ty của các nước khác nhau phải tham gia dưới dạng hợp doanh thì tốt hơn là đơn phương. Về mặt pháp luật thì nên có thi tuyển, gọi là cạnh tranh trong việc lựa chọn thì nó sẽ đảm bảo tính hiệu quả cao hơn. 

PV: Về việc cung cấp các số liệu thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt đê, quan sát khí tượng... cho đối tác phía Trung Quốc liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng không?

- GS Đặng Hùng Võ: Không. Tôi cho rằng tất cả số liệu đều có thể công khai. Việc ý không quan trọng, chuyện an ninh quốc phòng là chuyện khác. Nó ở những yếu tố khác nữa chứ còn chỉ riêng về lưu vực sông thì số liệu chúng ta có thể công khai, nó như 1 yếu tố tự nhiên, cũng không có gì cần phải bí mật cả. Còn những yếu tố về địa hình, giao thông thì đấy mới là yếu tố quan trọng. 

PV : Có ý kiến cho rằng những số liệu đó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề phòng chống lũ?

- GS Đặng Hùng Võ: Tất nhiên, nó là 1 yếu tố mà tôi cho rằng chúng ta cũng cần tính đến. Thế nên tôi mới nói rằng, họ tư vấn không được thì ta chọn tư vấn khác, tư vấn được thì chúng ta cũng có thể tiếp thu. Cái chính, chúng ta phải giữ được quyền quyết định của nước chủ nhà.

Ngoài ra, có 1 điều chúng ta cần quan tâm, đó là vì hệ thống sông Hồng bắt nguồn từ Tây Tạng. Hay nói chung các dòng sông của Việt Nam đa số là bắt nguồn từ Trung Quốc. Do đó, giữa việc sử dụng nước từ phía thượng nguồn và phía hạ lưu cần có sự hợp tác thật tốt để việc Trung Quốc sử dụng nước ở thượng nguồn không làm ảnh hưởng xấu đến chế độ nước ở hạ lưu mà hạ lưu là nước ta. Đây là câu chuyện nằm trong phạm vi hợp tác và cần có 1 sự hợp tác hòa bình, trên mối quan hệ lâu dài giữa 2 quốc gia láng giềng.

PV: Giáo sư cho rằng các số liệu thủy văn, đê điều... là những số liệu có thể công bố rộng rãi và công khai?

- GS Đặng Hùng Võ: Tôi thì tôi cho rằng đây là những số liệu có thể công khai được. Cái bí mật cần giữ nó nằm ở yếu tố khác chứ không phải là chế độ nước. Tất nhiên là lòng sông nó như thế nào thì ta phải đo trực tiếp nhưng còn chế độ nước mặt chắc chắn là quan trắc vệ tinh người ta cũng có thể có được. Tôi cho rằng không nhất thiết phải bí mật cái chuyện chế độ thủy văn. 

PV: Trong các số liệu đó, ông có cho rằng không cần cung cấp tất cả và cần phải có những lựa chọn nhất định?

- GS Đặng Hùng Võ: Chắc chắn rồi. Điều đó chúng ta phải cân nhắc. Tôi cần lưu ý thế này, ta là nước chủ nhà, ta có quyền quyết định thì vấn đề chúng ta lựa chọn tư vấn như thế nào để chúng ta có thể quyết định, nó có lợi trong cái kết quả tư vấn đó.

PV: Theo ông thì chúng ta nên bí mật những con số nào và những số liệu nào có thể cung cấp? 

- GS Đặng Hùng Võ: Những yếu tố có liên quan đến quân sự, an ninh thì thường là phần địa hình ở trên cao và hệ thống giao thông, rồi hệ thống giao thông vượt qua sông. Đó là tất cả các yếu tố chúng ta cần giữ ở 1 mức độ nhất định. 

Tất nhiên, thực sự mà nói thì hiện nay ảnh vệ tinh tràn ngập rồi, chúng ta cũng cần thay đổi quan điểm về bí mật quốc gia, nó sẽ bị hạn chế lại rất nhiều chứ không nên để phạm vi bí mật nó quá rộng bởi vì quá rộng thì quá trình hợp tác quốc tế sẽ kém hiệu quả. 

Chúng ta cũng không nên ngặt nghèo quá trong việc giữ số liệu bởi việc đó nếu xét đến cuối cùng chúng ta sẽ không nhận được sự trợ giúp quốc tế, những giải pháp quốc tế tốt chúng ta lại không nhận được. Tôi cho rằng, với Trung Quốc thì chúng ta cần định hình ở 1 số vị trí nhất định chứ không nên quan niệm cái gì cũng là dở cả.  

PV: Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng dư luận vẫn lo ngại là tại sao lại mời 1 viện của Trung Quốc làm tư vấn lập quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng mà không phải một nước khác?

- GS Đặng Hùng Võ: Tôi thì tôi cho rằng nên mở 1 cuộc lựa chọn mang tính cạnh tranh, tất nhiên là chúng ta có thể lựa chọn cả 1 số công ty ở Trung Quốc rồi cũng có thể lựa chọn 1 số công ty ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan chẳng hạn, cũng là 1 nước mà bị các hệ thống song chi phối khá lớn đặc biệt là sông Mê Kông. Một cuộc lựa chọn mang tính cạnh tranh thì tốt hơn việc chỉ định trước là ai sẽ tham gia. 

PV: Còn các nước như Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc...?

- GS Đặng Hùng Võ: Tất nhiên, nên có 1 cặp. 1 ở châu Á, 1 ở châu Âu vì dù sao thì châu Âu cũng có kinh nghiệm, mặt khác những giải pháp công nghệ của họ cũng tiên tiến hơn. Tôi ủng hộ phương án là ta đưa những rào cản kỹ thuật nhất định để lựa chọn, để buộc các nhà tư vấn quốc tế là phải có cách cặp đôi. 

PV: Nhìn rộng ra dưới góc độ 1 người làm công tác ngành, nếu được đóng vai trò quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, ông sẽ có những tư vấn như thế nào?

- GS Đặng Hùng Võ: Tôi vẫn cho rằng lựa chọn tư vấn thông qua đấu thầu cạnh tranh là cách thức tốt nhất mà phù hợp với cơ chế thị trường, không lệ thuộc và lúc đó chúng ta thấy rằng việc quản lý của chúng ta sẽ dễ dàng hơn. Còn việc chỉ định 1 đơn vị tư vấn theo tư duy trước thì thường hay bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan tức là cái tư duy chủ đạo của con người và không chứa đựng yếu tố khách quan.

Tôi cho rằng cách thức đó tốt hơn cách thức chúng ta chỉ định 1 đơn vị phụ trách thủy lợi của 1 tỉnh, 1 khu nào đó của Trung Quốc vì thành thực mà nói đó là cách không đem lại hiệu quả, mang yếu tố chủ quan nhiều hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm