Tranh nhau nhận phần 'đất vàng' ở TP.Pleiku

(PLO) -Trước thực trạng sử dụng đất ở TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai), dư luận cho rằng “miếng bánh bất động sản” ở đây đang bị các nhà đầu tư tranh nhau chia phần. Việc thi nhau thổi giá đất khiến việc sở hữu nhà ở đối với người dân ngày càng khó khăn. 
Tranh nhau nhận phần 'đất vàng' ở TP.Pleiku

Trong khi đó, doanh nghiệp được giao quyền sử dụng đất lại có nhiều biểu hiện “lách luật”.

Cụ thể, nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính vẫn được ưu ái giao cho nhiều vị trí “đất vàng”; các công ty bất động sản “vượt mặt” cơ quan chức năng khi liên tục “cầm đèn chạy trước ô tô”: phân lô bán nền khi chưa nộp xong thuế đất; chưa được giao đất đã xây nhà… Bên cạnh đó, việc chính quyền địa phương tiến hành điều chỉnh giá đất chậm đã làm lợi cho nhà đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng lại gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Đầu tư hạ tầng không như cam kết

Khi thị trường bất động sản sôi động, tỉnh Gia Lai đón nhận nhiều nhà đầu tư lớn “đổ bộ” như: Công ty CP Phát triển nhà VK Land, Công ty CP Tài chính & Phát triển Doanh nghiệp (FBS), Công ty TNHH Vinh Quang 1... Bên cạnh đó, nhiều công ty trong tỉnh cũng tranh thủ nhập cuộc như Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, tập đoàn Đức Long Gia Lai…


Nhiều người hy vọng có các nhà đầu tư lớn vào thì bộ mặt đô thị của thành phố Pleiku sẽ được chỉnh trang, “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên trên thực tế, không ít dự án sau khi được phê duyệt lại thực hiện hết sức èo uột, liên tục chậm tiến độ, phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng, chuyển đổi công năng sử dụng đất, hoặc sử dụng đất không đúng mục đích.

Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng ở nhiều dự án chưa đảm bảo theo phê duyệt. Nhiều dự án, theo quy định các doanh nghiệp phải xây dựng nhà rồi mới được mở bán nhưng các doanh nghiệp đã tiến hành “phân lô bán nền” dưới hợp đồng góp vốn nhằm kiếm lợi nhuận nhanh mà không phải đầu tư. Nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp cũng thực hiện chưa đầy đủ.

Cụ thể, Công ty CP Tài chính & Phát triển Doanh nghiệp - FBS (gọi tắt là Cty FBS) được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt cấp 15,6 ha trong thời gian từ 2005-2010 được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2005-2008 với diện tích được giao là 6,4 ha.

Tuy nhiên, hết giai đoạn 1 dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”. Sau đó, dự án được UBND tỉnh gia hạn đến năm 2015. Cho đến nay doanh nghiệp đã bán được 201 căn/ 288 căn so với quy hoạch nhưng thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước lại tỏ ra “chây ì”. Cụ thể, đối với giai đoạn 1, doanh nghiệp mới chỉ nộp tiền thuế đất, còn tiền cơ sở hạ tầng khoảng 21 tỉ vẫn chưa được công ty thực hiện.

Theo báo cáo kết quả khảo sát “công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Pleiku” số 263/ BC-HĐND ngày 4/12/2015 của HĐND tỉnh Gia Lai: Đối với dự án đầu tư giai đoạn 1 của Cty FBS đầu tư hạ tầng chưa đảm bảo, nhiều hạng mục chưa được đầu tư theo dự án như: Điện hạ áp, thông tin liên lạc và hệ thống thoát nước bẩn.

Theo  thì hệ thống điện hạ áp và thông tin liên lạc phải xây dựng đi ngầm dưới đất nhưng chủ đầu tư đã không thi công mà để cho Công ty Điện lực Gia Lai thực hiện. Hệ thống thoát nước bẩn của các hộ dân phải xây dựng bể lắng để xử lý trước khi thải ra môi trường nhưng thực tế hệ thống này được nhập chung với hệ thống thoát nước rãnh dọc…

Bên cạnh đó, đã hết thời gian gia hạn giai đoạn 1 nhưng nhà đầu tư vẫn chưa tiến hành trải thảm bê tông nhựa mặt đường như kết cấu được duyệt; công ty không xây dựng hoàn thiện nhà trước khi giao cho khách hàng mà ký kết “hợp đồng góp vốn” để khách hàng tự xây dựng dưới sự giám sát của công ty.

Trước những việc làm trên, dư luận cho rằng “hợp đồng góp vốn” chỉ là hình thức để bán nền.

Đối với diện tích đất được xây dựng trên diện tích 9,2 ha (thuộc giai đoạn 2 của dự án). Mặc dù, trong thời gian chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, gia hạn thời gian thực hiện cũng như xây dựng giá đất để tính tiền sử dụng đất nhưng công ty đã tiến hành xây dựng trái phép 10 căn nhà với tổng diện tích 1.300 m2.

Đối với Khu đô thị Cầu sắt của Công ty CP phát triển nhà VK Land (gọi tắt là Cty VK). Theo thiết kế ban đầu của dự án, nhà đầu tư phải tiến hành xây dựng 1300 căn hộ liền kề mới bắt đầu được bán. Thế nhưng, doanh nghiệp lại vẫn sử dụng chiêu bài “hợp đồng góp vốn” để phân lô bán nền.

Mới đây, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã cho nhà đầu tư chuyển đổi công năng sử dụng theo hình thức “phân lô bán nền”. Tuy nhiên, nhà đầu tư muốn được phân lô bán nền phải thỏa mãn 3 điều kiện: đầu tư cơ sở hạ tầng, được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương; có thiết kế đô thị. Thế nhưng, trên thực tế, doanh nghiệp mới đang trong giai đoạn thuê đơn vị thiết kế đô thị đã tiến hành “phân lô bán nền”.


Nhận xét về vấn đề này, ông Lưu Văn Thanh, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong giai đoạn này, nếu người mua nhà mua đất của Công ty VK sẽ không được phép xây dựng bởi nhà đầu tư chưa đáp ứng đủ các điều kiện để phân lô bán nền. Sau khi nhà đầu tư hội tụ đủ 3 điều kiện trên, mới trình các cấp phê duyệt. Sau khi có quyết định đồng ý bán nền của UBND tỉnh thì nhà đầu tư mới được phép bán”.

Cơ quan quản lý chậm chạp

Mặc dù đã được Thanh tra Chính phủ kết luận trong thông báo số 2834/ TB- TTCP ngày 19/11/2014 và trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều tỏ ra bức xúc trước tình trạng sử dụng đất trên địa bàn. Thế nhưng, mặc dù đã gần 2 năm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, các dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Và mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tại tỉnh Gia Lai đã bị “tuýt còi” nhiều lần nhưng vẫn liên tục để xảy ra việc vi phạm các quy định của pháp luật. Cụ thể: Ngoài việc giao đất, cho thuê đất không qua bán đấu giá gây hoang mang trong dư luận, việc các nhà đầu tư nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng chưa có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ.

Đặc biệt nghiêm trọng là việc chậm điều chỉnh giá đất đối với các dự án và giá đất chưa sát với thị trường. Như dự án Khu đô thị Hoa Lư- Phù Đổng được giao đất năm 2007 cho Cty FBS với giá 1.350.000 đồng/m2 và vẫn được áp dụng từ đó cho đến nay.

Trong khi đó, dự án được gia hạn giai đoạn 1 đến năm 2015 và thực tế giá đất khu vực đó tại thời điểm năm 2013 đã là 8.000.000 đồng/ m2, cao gấp 6 lần so với mức giá được áp dụng. Chỉ riêng vấn đề chậm điều chỉnh giá đất đã làm thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Ngoài ra, việc quy định về miễn giảm tiền sử dụng đất của các cơ quan chức năng cũng chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc, phê duyệt quy hoạch và xây dựng quy hoạch chưa sát với thực tế, không phù hợp nhu cầu sử dụng gây lãng phí tiền tỉ, lãng phí công sức của nhân dân, hạn chế mức thu tối đa cho ngân sách nhà nước.

Thiết nghĩ, trong khi nhu cầu về nhà ở thực tế của người dân đang rất lớn thì lại có không ít dự án xây dựng “nằm yên bất động” do nhà đầu tư thiếu năng lực. Chính điều này đã dẫn tới sự bất hợp lý, gây dư luận xấu trong nhân dân. Nhiều người dân lao đao để có được một nơi “an cư lạc nghiệp” thì các nhà đầu tư vẫn ung dung để có mọc trong những khu đất “vàng”.

Đọc thêm