Mùa xuân tình người

(PLVN) - Vụ bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp bị rơi xuống trụ ống ở độ sâu 35m đã thu hút sự chú ý, quan tâm và lo lắng của cả xã hội.
Nỗ lực cứu cháu bé bị rơi xuống trụ ống.

Bên cạnh những nỗ lực giải cứu của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, quân đội vào cuộc là những sự động viên, hiến kế, đưa ra những giải pháp của những người có kinh nghiệm, chuyên môn và cả những lời cầu nguyện mong một phép màu đến với đứa trẻ.

Tất cả những thái độ, hành động đó nói lên một điều rằng đồng bào ta giàu lòng trắc ẩn, đồng cảm và chia sẻ, quan tâm đến người khác, cho dù xa lạ nhưng gặp hoàn cảnh éo le, bất hạnh.

Đạo lý truyền thống nhân văn “Thương người như thể thương thân” ấy thể hiện trong những cách ứng xử và quan hệ khác nhau, trong một cộng đồng rộng lớn hoặc gia đình, làng xóm không chỉ được giữ gìn mà còn phát huy trong cuộc sống hiện tại. Tất cả nhưng hành vi ngược lại với đạo lý này như “Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”, “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”… đều bị dư luận xã hội lên án, phê phán và tỏ thái độ phẫn nộ.

Dịp Tết này, những khó khăn trong đời sống của nhiều người do hậu quả của dịch COVID-19 cũng là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội, chính quyền và đoàn thể. Nhiều hình thức và hoạt động thiện nguyện được mở ra nhằm chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, những phận đời cơ cực.

Tình làng, nghĩa xóm có dịp được thể hiện khi người ta không còn chăm chắm lo cho cái tết của gia đình mình mà còn biết san sẻ cho những người nghèo hơn mình. Tinh thần nhân văn ấy truyền cảm hứng trong những phạm vi rộng lớn hơn, nhiều người tham gia hơn, từ chủ trương đến thực hiện để “không ai không có Tết”.

Tết đã cận kề và còn gì hơn khi tình người ấm áp lan tỏa trong cộng đồng, ấy là khi xuân đã thực sự về trong tâm tưởng mỗi người.