Mục kích động “nhốt tiên" ở Cao Bằng

Nằm chênh vênh trên lưng chừng dốc của núi Khum-Khău, thuộc địa phận xã Thông Huề (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng), hang động kỳ lạ này được những người Tày bản địa gọi bằng cái tên “hang tiên” và truyền miệng nhiều sự tích ly kỳ...

[links()]Nằm chênh vênh trên lưng chừng dốc của núi Khum-Khău, thuộc địa phận xã Thông Huề (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng), hang động kỳ lạ này được những người Tày bản địa gọi bằng cái tên “hang tiên” và truyền miệng trong nhiều sự tích ly kỳ. Không chỉ có vậy, “động tiên” còn được người dân so sánh nét đẹp hoang sơ, bí ẩn bên trong không hề thua kém địa danh du lịch Ngườm-Ngao vốn nổi tiếng trên địa bàn. 

Một góc
Một góc "hang tiên"
Mục sở thị “hang tiên” 
Theo những người có tuổi tại xóm Bản-Khuông, xã Thông Huề, nơi cách hang động kỳ lạ trên không bao xa kể lại thì xa xưa, cả vùng đất Cao Bằng là một chốn hoang vu, nhiều thú dữ rình rập. Cuộc sống con người khi ấy khó khăn vô cùng, nhưng cái tình cái nghĩa đối xử với nhau vẫn luôn ăm ắp đầy, chảy mãi như dòng nước không vơi. Một ngày có nàng tiên trên thượng giới thấy được cảnh như vậy liền động lòng muốn khám phá mảnh đất này. 
Thật không may, nàng tiên quá mải chơi nên quên mất đường về trời. khi nhận ra điều này nàng hoảng hốt chạy lên trên một hang động thông với trời và đất thuộc núi Khum-Khău những mong tìm được đường về nhà. Nhưng lối về trời đã bị đóng kín, nàng tiên phải sám hối vì tính ham vui của mình, chịu sự trừng phạt là bị nhốt mãi mãi ở trong động. 
Cho đến nay, thi thoảng ban đêm người ta vẫn nghe được những tiếng động lạ phát ra từ hang đá này. Người dân địa phương còn đồn thổi, để tránh những người có ý niệm phàm tục quấy rầy sự tĩnh lặng của nàng tiên trong hang, một con rắn lớn với chiếc mào đỏ rực trên đầu luôn túc trực, canh giữ cửa động. 
Câu chuyện đượm màu sắc huyễn hoặc này được “tam sao thất bản”. Thực hư và tính chính xác của câu chuyện trên chiếm bao nhiêu phần trăm thì cho đến nay, những người cao tuổi trong Bản-Khuông cũng không dám khẳng định. Nhưng theo lời ông Nông Vĩnh, một “thổ địa” nơi đây cam đoan chắc nịch, thì cảnh sắc bên trong hang động lạ này tương đương, thậm chí còn vượt xa địa danh du lịch Ngườm - Ngao trên địa bàn. 
Hang Tiên cần được...
Hang Tiên với cảnh sắc huyền ảo.
Sau khi vượt nhiều con dốc khúc khuỷu cùng những bụi cỏ gai lấp cửa hang cào rách da đến tứa máu, chúng tôi đã đứng trước lối vào “động tiên”. Nhìn từ phía bên ngoài, cửa hang tương đối hẹp. Nó nhỏ đến mức chỉ có thể bò chậm rãi, uốn người lách qua những tảng đá tự nhiên chắn ngang lối đi.
Kỳ lạ thay, càng bò sâu vào phía trong, lòng hang càng như nới rộng ra. Qua ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn đèn soi đường, một cảnh sắc huyền ảo trong động dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Vô số những cột thạch nhũ buông rủ xuống phát ra ánh lân tinh lóng lánh.
Có nhiều cây cột đá lớn đến mức ba, bốn người ôm cũng không xuể. Soi ánh đèn lờ mờ Nông Vĩnh lần lượt chỉ cho chúng tôi “chiếc giường tiên nằm”, một tấm thạch đá phẳng nhẵn, có chiều dài hơn 5m hình dáng tựa như một chiếc giường nằm.
Cách đó không xa là một dải đá cao, kéo dài trông như một khu ruộng bậc thang kỳ vĩ với nước tuôn chảy không ngừng. Vĩnh nói người dân nơi đây gọi đó là “ruộng cô tiên”. Ngoài ra còn “cột trụ trời”, rèm tiên, suối nước tiên…, tất cả khung cảnh kỳ thú trên hoàn toàn tự nhiên, không hề có bất kỳ sự can thiệp nào của con người. 
Sau khi rời hang động, Nông Vĩnh cho biết tất cả những cảnh tuyệt sắc chúng tôi vừa chứng kiến không là gì, bởi càng vào sâu trong hang cảnh vật càng đẹp. Vĩnh khẳng định: “Từ trước đến giờ chưa một ai đi hết hang động này cả. Có lần đám trẻ trâu đã thử bằng cách buộc dây chỉ làm dấu từ cửa hang để tránh bị lạc nhưng đến khi đi hết chỉ vẫn chưa thể đến được tận cùng của hang. Cảnh sắc càng vào sâu bên trong thì càng lạ, càng đẹp…”.
Cần một quy hoạch du lịch
Ông Lưu Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Thông Huề, cho biết: hang động mà người dân địa phương hay gọi là “hang tiên” thuộc  dãy núi Khum-Khău. Là địa điểm được người dân phát hiện trong giai đoạn kháng chiến. Những tin đồn đoán truyền miệng về hang động trên đa phần không có thật. Xã luôn cố gắng  bám sát tình hình dân cư trong vùng để loại bỏ những lời đồn đoán mê tín dị đoan.
Như vậy, những lời đồn đoán về “hang tiên” là chưa thực sự xác thực. Tuy nhiên, sự tồn tại của hang động trên là có thật hơn nữa cảnh vật tự nhiên trong hang hoàn toàn có thể sử dụng để phục vụ cho mục đích du lịch, quảng bá.
Các cơ quan chức năng Cao Bằng đã xây dựng 25 đề án, dự án, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng đến việc quy hoạch các khu du lịch trọng điểm. Ước tính đến năm 2015 Cao Bằng đón trên 600.000 lượt khách/năm, thu nhập từ du lịch trên 160 tỷ đồng (chiếm 3,5% GDP của tỉnh).
Đồng quan điểm với việc đưa “hang tiên” vào một trong những địa điểm phục vụ thăm quan du lịch, ông Lương Văn La (Trưởng phòng văn hóa huyện Trùng Khánh) cho biết, các ban nghành chức năng địa phương đã tiến hành lên kế hoạch lập hồ sơ, kiểm tra thực tế “hang tiên” nếu đáp ứng đủ các yêu cầu, rất có thể đây sẽ là địa điểm góp phần thu hút và phát triển du lịch địa phương.
Thiết nghĩ, thực hư sự tồn tại của hang động trên đã rõ, những lời đồn đoán của người dân địa phương dù không xác thực nhưng nếu xét trên khía cạnh tích cực nó cũng góp phần tạo nên những huyền tích lạ về một địa điểm du lịch đẹp ở Cao Bằng trong tương lai. 
Giang Nam

Đọc thêm