Mượn con làm "thám tử", lợi bất cập hại

Đi đâu 5-10 phút là anh Hiếu bị con gọi điện, làm phiền liên tục. Thực chất đây là cách dùng con, kiểm tra xem chồng có "hú hí" với cô nào không của chị nhà

- Bố ơi, sao bố về muộn thế - anh Hiếu vừa về đến cửa đã nghe thấy tiếng nũng nịu củabé Bống (4 tuổi).

- Bố có chút chuyện với mấy chú ở cơ quan.
 
Anh vừa trả lời xong, bé đã nhanh miệng:
- Bố đi với chú nào? Tên chú ấy là gì? Bố ngồi chơi ở đâu? Ăn những món gì…

Khi anh Hiếu cáu thì bé lại lăn đùng ra đất khóc nhè. Bà nội và vợ anh đang ở dưới bếp vội chạy lên, trách anh “nóng nảy, thô bạo”.

Bình thường ở nhà, bé Bông rất quấn mẹ và bà nội, hiếm khi thân mật với bố. Vậy mà gần đây, anh thấy con có nhiều biểu hiện lạ: Bé đang ngồi chơi đồ hàng với mẹ nhưng khi thấy bố cầm di động ra ngoài sân gọi điện là bé đã nhanh chân chạy theo "đòi bế”. Hoặc chỉ về nhà muộn 5-10 phút, anh đã nghe thấy tiếng con tíu tít trong điện thoại hỏi thăm…

Giống anh Hiếu, dạo gần đây, anh Thành cũng được hai con trai dành cho "tình cảm đặc biệt". Mọi ngày, hai bé có thể tự chơi với nhau rất vui vẻ nhưng mấy hôm vừa rồi, các bé nhất định đòi bố chơi đua ôtô cùng. Khổ hơn vì buổi sáng vừa ngủ dậy, bé nhỏ đã liên tục gọi “Bố! Đánh răng cho con”, “Bố! Rửa mặt cho con”, “Bố! Mặc quầnáo cho con” mà không cần đến sự có mặt của mẹ.

Còn bé lớn (7 tuổi) cứ thấy bố dắt xe máy là đòi theo cho bằng được. Anh Thành, bây giờ, đi đâu cũng “tha lôi" cậu con trưởng, từ ăn cưới người bạn đến ra ngoài, cắt tóc.

Nhiều lần thấy vướng chân, anh Thành cáu gắt thì hai bé ngoác to miệng ra khóc lóc, còn chị nhà động viên “Anh cho con đi cùng càng vui chứ sao?”…
 

Mưu kế của mẹ

Cả anh Hiếu và anh Thành đều mắc phải tội “ngoại tình” trước đó nên hai người vợ của họ thì lúc nào cũng như “ngồi phải đống lửa” mỗi lần thấy chồng “lang thang” đâu đó bên ngoài.

Chị Tâm – vợ anh Hiếu thực hiện chiến dịch “kiểm soát” chồng gắt gao vì lo anh “ngựa quen đường cũ” nhưng không hiệu quả. Mỗi lần anh về muộn, chị gọi điện hỏi, anh đều cáu gắt om sòm, thậm chí còn dỗi ngược lại vợ. Anh bảo, vợ chồng không tin nhau thì duy trì cuộc sống chung chỉ là mối họa. Không “tra hỏi” được bất kỳ thông tin nào từ chồng, chị Tâm đành nhờ đến bé Bống “thẩm vấn” bố mỗi ngày. Từ lúc đón con ở lớp mẫu giáo, chị đã dặn dò bé thật cẩn thận “Phải hỏi bố những câu gì?” và cách gọi điện tâm tình với bố.

Chị Linh – vợ anh Thành, yêu cầu hai bé phải tích cực ở bên cạnh bố hàng ngày. Có như vậy, anh mới ít có thời gian rỗi mà tơ tưởng đến cô bồ cũ. Mỗi lần, hai bé muốn nhờ chị giúp việc gì, chị lại đẩy: “Con sang nhờ bố đi”. Nếu hai bé cãi lại, chị sẽ trừng phạt nặng tay…

Lợi và hại khi mang con ra làm thám tử

Chuyện gắn kết tình cảm bố - con là việc đáng khuyến khích ở những người vợ, người mẹ. Tuy nhiên, người mẹ nên điều tiết để tình cảm này dừng ở mức độ tự nhiên.

Khéo léo để chồng tham gia vào việc nội trợ, chăm sóc con cái sẽ khiến tình cảm vợ chồng gần gũi hơn và người chồng cũng không có cơ hội vui chơi “sa ngã” bên ngoài.

Tuy nhiên, nếu người mẹ liên tục “ép” bé phải cận kề bên bố, bé sẽ nảy sinh tâm lý căng thẳng, khó chịu. Trong khi đó, người chồng cũng xuất hiện thái độ bực bội và nếu biết được “mưu kế” của vợ, chồng sẽ thất vọng nhiều hơn.
Thanh Bình

Đọc thêm