Muôn mặt đá quý

Thị trường trang sức cuối năm trở nên sôi động khi dịp tết và ngày lễ Tình nhân đến gần.
 

Thị trường trang sức cuối năm trở nên sôi động khi dịp tết và ngày lễ Tình nhân đến gần.

Thế nhưng thị trường đá quý như một “ma trận” mà người tiêu dùng dễ bị hớ, bị lầm.

Xếp vị trí đầu bảng, được tôn vinh là “vua”, kim cương từ xưa đến nay vẫn khẳng định vị trí độc tôn của mình trong tất cả các loại đá quý. Nhu cầu sử dụng kim cương ngày càng gia tăng đã khiến cho thị trường này trở nên đa dạng, kể cả xuất hiện ngày càng nhiều những loại đá thay thế kim cương.

Đá nhái kim cương

Lấp lánh trên tay một chiếc nhẫn, đôi bông tai, sợi dây chuyền với cái mặt mề đay chiếu sáng, Mai - nhân viên văn phòng công ty Q.1, TP.HCM khoe vừa sắm với số tiền thưởng cuối năm.

Mọi người bất ngờ khi Mai cho biết một bộ hột xoàn vàng 10K này chỉ có giá khoảng 7,8 triệu đồng. Nhìn viên đá gắn trên chiếc nhẫn không khác gì một viên kim cương khi chiếu màu rất đẹp mắt. Nếu chủ nhân không nói, rất khó có thể biết đây không phải là kim cương thật.

Dạo qua các cửa hàng kinh doanh nữ trang đá quý ở TP.HCM như xung quanh chợ Bến Thành (Q.1), chợ An Đông (Q.5)... người tiêu dùng không khỏi hoa mắt với ánh hào quang lấp lánh của các sản phẩm nữ trang mà người bán giới thiệu là kim cương nhân tạo. Thậm chí, trên mạng, có viên kim cương được rao bán chỉ có... 200.000 đồng/viên.

Viên đá gắn trên trang sức mà người ta hay nói với nhau là hột xoàn có thể là đá CZ (Cubic Zirconia). Nhìn bên ngoài người tiêu dùng rất khó phân biệt đá CZ với kim cương. Một viên đá CZ có giá thành rẻ hơn gấp nhiều lần so với một viên kim cương - Ông Nguyễn Văn Hải, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ cho rằng: “Viên đá gắn trên trang sức mà người ta hay nói với nhau là hột xoàn có thể là đá CZ (Cubic Zirconia). Nhìn bên ngoài người tiêu dùng rất khó phân biệt đá CZ với kim cương. Một viên đá CZ có giá thành rẻ hơn gấp nhiều lần so với một viên kim cương”.

Kim cương được hình thành sâu trong lòng đất dưới nhiệt độ và áp suất rất cao. Kim cương là khoáng vật duy nhất trong 2.000 khoáng vật được tạo thành chỉ bởi một nguyên tố hóa học là carbon - điều này đã tạo nên độ cứng tuyệt đối cho kim cương. Do nhu cầu ngày càng cao của con người trong khi nguồn cung cấp các loại đá thiên nhiên ngày càng trở nên khan hiếm. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người đã cho ra đời những kim cương nhân tạo, kim cương nhái.

Kim cương nhân tạo có cùng tính chất vật lý, hóa học và những tính quang học như kim cương tự nhiên nhưng được tạo nên trong phòng thí nghiệm dưới điều kiện có kiểm soát. Còn kim cương nhái là những vật liệu có đặc điểm bên ngoài (màu sắc và độ trong suốt) tương tự kim cương tự nhiên nhưng lại có thành phần hóa học hoặc tính chất vật lý, cấu trúc bên trong hoàn toàn khác hẳn.

Đá CZ có những đặc tính như độ cứng gần bằng kim cương (xếp theo thang Mohs, kim cương có độ cứng 10 thì CZ là 8,5 - 9), phản chiếu tốt, giá thành thấp và nhìn rất giống kim cương nên loại đá này thường được dùng làm trang sức. Ngoài CZ, một số loại đá khác được nhái giả kim cương khá phổ biến như Moissanite, Yttrium Alumium Garnet...

Do giá trị kim cương cao nên xu hướng tiêu dùng ngày nay có thể dùng CZ vừa túi tiền để thay thế kim cương làm vật trang sức. Xuất phát từ nhu cầu này, thị trường ngày nay xuất hiện kim cương ghép.

Ông Nguyễn Văn Hải cho biết 1 viên kim cương ghép gồm 1 viên kim cương vuông, 4 viên kim cương hạt dưa ghép xung quanh để tạo một viên kim cương khoảng 6 li sẽ có giá khoảng 7 triệu đồng. Trong khi đó 1 viên kim cương 6 li sẽ có giá khoảng 140 triệu đồng.

Thật giả khó phân biệt

Đa số kim cương được nhập từ nước ngoài vào Việt Nam theo con đường nhập lậu để trốn thuế giá trị gia tăng 10% (cả kim cương và kim cương nhân tạo). Đây cũng là lý do kim cương nhập khẩu chính ngạch khó cạnh tranh được với kim cương nhập lậu bởi tiền thuế 10% này được tính vào giá thành và người tiêu dùng chịu. Nhưng cũng chính vì đi vào theo con đường trôi nổi nên chất lượng kim cương bát nháo.

Trao đổi với một chuyên gia có kinh nghiệm trên 30 năm trong lĩnh vực trang sức, bà cho biết kim cương nhân tạo và kim cương tự nhiên rất khó có thể phân biệt.

Trước đó, người nhà bà đem từ Mỹ về 2 viên kim cương mà nhìn qua, người trong nghề như bà cũng tưởng là kim cương xịn. Nhưng khi kiểm tra qua kính lúp 14 độ thì đây là 2 viên kim cương nhân tạo. Kim cương nhân tạo có màu sắc đẹp, nhiều viên còn đẹp hơn cả kim cương tự nhiên nhưng giá thành chỉ 1/7 - 1/8 lần kim cương tự nhiên.

Người tiêu dùng khi mua kim cương nên chọn mua kim cương ép vỉ có giấy giám định của các công ty lớn để biết chính xác trọng lượng, nước màu, giác cắt... Một số kim cương không ép vỉ, không có giấy chứng nhận, nhiều khi người bán nói “linh linh” cũng rất khó lường.

Vị chuyên gia này còn khuyên người tiêu dùng khi mua kim cương ép vỉ cần xem xét kỹ “siêu” (tức bao bì ép bên ngoài) còn nguyên vẹn hay không nhằm tránh trường hợp tráo viên kim cương bên trong.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cho biết nhiều khi 2 viên kim cương có trọng lượng, nước màu như nhau nhưng 1 viên bị “bệnh” (viên kim cương có tạp chất) nên giá trị của viên này thấp hơn viên kia rất nhiều. Bằng mắt thường người tiêu dùng rất khó phân biệt kim cương hay đá nhái kim cương.

Cũng khó có thể phân biệt nước màu, giác cắt... của kim cương nên rất dễ bị lừa. Tuy nhiên người đã từng tiếp xúc với kim cương có thể nhận biết được qua màu sắc.

Đối với kim cương tự nhiên, khi nhìn vào sẽ thấy “lửa” (chỉ màu) tập trung hơn, còn đá nhái kim cương thì màu sẽ nhòe hơn. Kim cương cách nhau 1 nước màu (chẳng hạn E, F) thì giá đã chênh nhau từ 5 -10%. Chính vì vậy, để mua đúng hàng, tốt nhất người tiêu dùng nên mua kim cương có giấy kiểm định chất lượng của những đơn vị có uy tín.

Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn giám định kim cương

Hiện nay có khoảng vài chục đơn vị thực hiện giám định kim cương, đá quý với mỗi trung tâm có thiết bị giám định khác nhau và trình độ nhân viên khác nhau. Ông Hoàng Chương - Trưởng bộ phận giám định và kinh doanh đá quý Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, nếu phòng giám định sai số một chút là người tiêu dùng đã chịu thiệt rất nhiều. Ví dụ, một viên kim cương 5,4 ly nhưng thước đo ra 5,3 ly thì người tiêu dùng mất khoảng 3 - 4 triệu đồng. Còn nếu nói về nước màu thì đúng là rất dễ ăn gian. Một viên kim cương trọng lượng 1 cara có nước màu F giá cao hơn gần 3.000 USD so với một viên cùng trọng lượng nước màu G. Việt Nam hiện nay chưa có các tiêu chuẩn giám định kim cương, đá quý nên người tiêu dùng chủ yếu mua kim cương dựa vào uy tín của người bán.

Theo Thanh Xuân
Thanh Niên
CafeF

Đọc thêm