Muốn việc lớn thành công phải làm tốt việc nhỏ

Muốn việc lớn thành công  phải làm tốt việc nhỏ” là chuyện kể về lần được gặp, thực hiện nhiệm vụ Bác Hồ giao của cụ Phạm Văn Viễn, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Kiến An, in trong cuốn “Gia đình và xã hội”,  do chính cụ là tác giả. Cuốn sách được viết năm 2006, với 33 bài viết hoàn thành trong hơn 2 tháng (khi đó cụ Viễn 95 tuổi)

Muốn việc lớn thành công  phải làm tốt việc nhỏ” là chuyện kể về lần được gặp, thực hiện nhiệm vụ Bác Hồ giao của cụ Phạm Văn Viễn, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Kiến An, in trong cuốn “Gia đình và xã hội”,  do chính cụ là tác giả. Cuốn sách được viết năm 2006, với 33 bài viết hoàn thành trong hơn 2 tháng (khi đó cụ Viễn 95 tuổi). Trong đó, có nhiều câu chuyện về Bác Hồ; có chuyện sưu tầm và cả những chuyện mà cụ Viễn là “nhân vật”. Nhiều câu chuyện xảy ra cách đây gần 60 năm và tác giả mất gần 4 năm, nhưng  vẫn nguyên  ý nghĩa, giá trị  góp phần vào thành công của cuộc vận động “làm theo” Bác Hồ.

Mỗi lời nói, việc làm đều có ý nghĩa giáo dục

Năm 1951, Chính phủ triệu tập hội nghị kháng chiến hành chính tại huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) với sự tham gia của Ủy ban Kháng chiến hành chính (UBKCHC) các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Việt Bắc. Hội nghị do Chủ tịch  Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp chỉ đạo. Tham dự hội nghị, tỉnh Kiến An có tôi và đồng chí Nguyễn Văn Thiều. Buổi chiều, trước ngày họp chính thức, Bác gặp mặt các đoàn đại biểu. Sau khi đồng chí Phạm Văn Đồng thông báo chương trình hội nghị, Bác đứng dậy nói: Hội nghị chúng ta vui mừng là năm nay đồng chí Tô (bác Phạm Văn Đồng) và đồng chí Thận (Trường Chinh) đều sinh cháu trai. Bác thay mặt đồng chí Lê Văn Hiến-Bộ trưởng Bộ Tài chính và Lê Thị Xuyến-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam báo hỷ cùng hội nghị. Bác đề nghị tổ chức một dạ hội “cây nhà lá vườn” để sáng mai vào hội nghị mọi người sẽ tỉnh táo hơn. Bác quy định: Mỗi đoàn đại biểu tổ chức chương trình biểu diễn không quá 15 phút tùy theo sở thích. 7 giờ tối hôm đó, Bác trực tiếp ngồi ở hội trường nhận bản đăng ký tiết mục biểu diễn của các đoàn, có đoàn đăng ký 2-3 tiết mục. Bác nói: Bác mở rộng dân chủ để đoàn nào cũng có tiết mục do mình lựa chọn. Nhưng trong 2 giờ không thể nào biểu diễn hết các tiết mục của các đoàn. Bác sẽ dùng quyền tập trung để lựa chọn tiết mục hay, phù hợp để trình diễn. Tiết mục của đoàn nào không được giới thiệu, các cô chú không được thắc mắc vì Bác vận dụng nguyên tắc “Dân chủ tập trung của Đảng”. Câu chuyện nhỏ nhưng mọi người thấm thía sâu sắc ý nghĩa giáo dục trong cả lời nói và việc làm của Bác.

Sau 2 ngày làm việc, Bác yêu cầu  đại biểu 3 tỉnh Thanh Hóa, Hưng Yên và Kiến An ở lại gặp Bác trước khi về. Đại diện ba tỉnh được mời sang một phòng bên cạnh hội trường. Ai cũng lo có việc gì sai sót nghiêm trọng nên Bác gặp riêng, nhưng thầm cảm phục, xúc động vì Bác không phê bình ở hội trường. Bác vào phòng họp với vẻ nghiêm nghị. Bác nói: Các chú ở Thanh Hóa, ai cho phép các chú thực hiện giảm biên chế lại cắt ngay cần vụ của ông Hồ Đắc Điềm mà không báo cáo lên Chính phủ. Bác viết thư thăm sức khỏe và tình hình công tác, mới biết là từ hôm không còn người giúp việc, ông Hồ Đắc Điềm phải qua đèo, qua suối nên ít đi kiểm tra thực tế hơn. Đồng chí ở Thanh Hóa đứng lên xin lỗi Bác, hôm nay mới biết chuyện ấy, hứa xin về sửa ngay.

Luật sư Hồ Đắc Điềm (1899-1986) con cụ Hồ Đắc Trung (1861-1941) một đại thần triều Nguyễn; anh trai của giáo sư-bác sĩ Hồ Đắc Di. Ông Hồ Đắc Điềm sau khi tốt nghiệp tiến sĩ luật tại Paris, trở về nước làm ở Toà Thượng thẩm Hà Nội rồi chuyển  về làm quan Bố Chánh tỉnh Bắc Ninh, Tổng đốc Hà Đông. Khi Nhật đảo chính Pháp, được mời làm Khâm sai Bắc Bộ phủ, nhưng ông đều từ chối. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã đứng về phía Việt Minh và đi theo Chính phủ Cụ Hồ. Ông từng được cử làm Chánh án Toà án nhân dân Hà Nội, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội…

Bác phê bình các đồng chí ở Hưng Yên không biết làm công tác “trí thức vận”. Các đồng chí tự ý tổ chức những cuộc họp, dồn ông Nguyễn Mạnh Tường vào thế bí. Bác nhận được thư của ông ta xin phép Bác vào Hà Nội (vùng địch tạm chiếm) và hứa không làm gì hại cho cách mạng. Các chú có hiểu rằng, nếu ông ta theo Pháp thì chức bộ trưởng trong chính quyền ngụy là điều không khó và sẽ có hại cho cách mạng. Còn các chú ở Kiến An, Bác giao việc này: ông Hồ Đắc Điềm theo cách mạng, đang giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân liên khu 4, có vợ là Hoàng Thi Lý, con gái Hoàng Trọng Phu, có 1 ấp, trang trại hàng nghìn mẫu ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, trong ấp còn kho thóc hàng nghìn thúng. Khi theo cách mạng, ông ta hiến toàn bộ đồn điền ấy cho cách mạng và số thóc trong kho để nuôi dân quần, du kích, chỉ yêu cầu giữ lại khoảng 500 thúng, để khi gặp khó khăn trong kháng chiến sẽ phải dùng đến. Tuần trước, Chính phủ trợ cấp một số tiền nhưng ông Điềm từ chối, không nhận, nói là trong kháng chiến, Chính phủ còn đang khó khăn, tôi đã có lương, chỉ xin đề nghị Chính phủ báo cho UBHC tỉnh Kiến An bán giúp số thóc còn lại để hỗ trợ việc chi tiêu trong gia đình. Các đồng chí về báo cáo ngay với Tỉnh ủy, UBHC để bán giúp số lượng thóc tương đương số tiền Chính phủ muốn hỗ trợ và cử người cầm vào Thanh Hóa trao tận tay cho ông Hồ Đắc Điềm.

Càng thấy ý nghĩa khi thực hiện lời Bác

Thực hiện chỉ thị của Bác, UBHC tỉnh Kiến An đã bán thóc được đủ số tiền trên. Tôi và đồng chí Ngô Quốc Pho, Trưởng Ty Tài chính được giao nhiệm vụ đem số tiền vào Thanh Hóa trao cho ông Điềm. Đến ngày đi, đồng chí Pho bị ốm, chỉ còn tôi và đồng chí cảnh vệ của UB tên Khâm. Đóng gói số tiền vào bị cói, tôi và đồng chí Khâm giờ đi đò dọc từ phố chợ Đống Năm (Thái Bình) vào Thanh Hóa. Đò bắt đầu đi từ 16h hôm trước, đến 6 giờ sáng hôm sau đến Thanh Hóa. Chúng tôi tranh thủ máy bay địch chưa hoạt động, đi ngay đến địa điểm liên lạc của tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí thường trực UB tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà ông Hồ Đắc Điềm chỉ cách đây khoảng 2 cây số, rất dễ tìm và để bảo đảm bí mật nên không cần người dẫn đường. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến một cái giếng gạch to, nơi cung cấp nước cho cả xóm vách chân núi. Đến chân giếng tôi gặp một phụ nữ mảnh dẻ, trắng trẻo gánh đôi thùng từ trong xóm đi ra. Nhìn người phụ nữ mỗi thùng chỉ múc độ một nửa chúng tôi đoán người này là dân thành thị tản cư về đây. Tôi đến gần hỏi nhỏ, nhờ chỉ giúp nhà ông Điềm. Đoán là cán bộ kháng chiến bà bảo hai chúng tôi đi theo, đến gần nhà sẽ chỉ. Chúng tôi vào nhà thấy ông Điềm đang chơi với cháu gái độ 6 tuổi, ngẩng lên nhìn chúng tôi có vẻ lạ lẫm. Tôi vội chào và giới thiệu: Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, UBHC tỉnh Kiến An cử tôi đem số tiền bán thóc ở ấp Vinh Quang vào để ông bà tiêu đỡ lúc khó khăn trong kháng chiến, ông Điềm vừa nghe vừa xem giấy giới thiệu. Nét mặt ông từ bỡ ngỡ chuyển sang tươi vui, thân mật. Ông mời chúng tôi ngồi và bảo cháu bé mời bà lên ngay. Tưởng là ai, thì chính là người phụ nữ gánh nước, chỉ đường cho chúng tôi vừa rồi. Chúng tôi thật sự bất ngờ bởi bà Hoàng Thị Lý vốn là “lá ngọc cành vàng” có kẻ hầu, người hạ, nay tự mình gánh nước, phục vụ gia đình, hòa mình chung sống với cộng đồng xã hội. Bà vừa vào phòng khách thì ông Hồ Đắc Điềm nói ngay: ông Viễn ở UBHC tỉnh Kiến An đem số tiền bán thóc ở Vinh Quang để tiêu dùng trong lúc khó khăn. Bà xuống làm cơm để tôi nói chuyện, hỏi thăm tình hình ở Hải Phòng-Kiến An. Chuyện trò thật là tình cảm, chỉ sau độ 1 giờ đồng hồ, mâm cơm thịnh soạn được bưng ra; hai chúng tôi cùng ông bà Hồ Đắc Điềm và cháu bé ăn bữa cơm đầy tình cảm như gia đình vậy.

Đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn không quên chuyến đi tiếp tế, càng thấm thía  đường lối đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt Người không quên giải quyết tốt từ những việc nhỏ để thành công trong những việc lớn; đó là bài học sâu sắc đối với chúng ta./.

Nguyên Mai

Đọc thêm