“Cuộc đột kích vào nơi ẩn náu của tên trùm khủng bố Osama Bin Laden ở Pakistan là để giết hắn, chứ không phải là bắt sống nhân vật này” – một trong những người tham gia cuộc đột kích của Mỹ vừa tiết lộ.
Trùm khủng bố Osama Bin Laden. |
Sau cuộc đột kích hôm 1/5 vào sào huyệt cuối cùng của tên trùm khủng bố bị truy nã số 1 thế giới Osama Bin Laden, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu hắn có bị bắt sống nếu ngay từ đầu hắn tỏ ý đầu hàng hay không? Một báo cáo chi tiết nhất từ trước đến nay về vụ đột kích mới được đăng tải trên tạp chí New Yorker đã cho thế giới câu trả lời: Mỹ chưa bao giờ có ý định bắt sống Bin Laden.
Một sỹ quan giấu tên, người được cho là “nắm rõ như lòng bàn tay về vụ đột kích vào sào huyệt Bin Laden” đã chia sẻ với New Yorker: "Chưa từng có một câu hỏi về việc bắt sống hay giam giữ hắn được đặt ra. Đó là một cuộc đột kích nhằm giết chết tên này. Nước Mỹ chưa bao giờ muốn để hắn sống”.
Kế hoạch đặt ra là: Lính đặc nhiệm sẽ đột kích từ trên không xuống hang ổ của tên trùm khủng bố vào ban đêm, vô hiệu hóa vòng bảo vệ, bắn chết hắn ở cự li gần và sau đó mang xác hắn trở lại Afghanistan.
Bản báo cáo cũng tiết lộ nhiều chi tiết thú vị xung quanh sự kiện này. Từ mùa hè năm 2010, CIA đã theo dõi hành tung của Abu Ahmed Al-Kuwaiti, được xác định là người đưa tin cho Bin Laden trong nhiều tháng liền.
Hắn thường xuyên lui tới một ngôi nhà đất ở vùng ngoại ô, cách thủ đô Abbottabad của Pakistan khoảng 40 dặm. Căn nhà này có nhiều điểm khả nghi. Những người sống trong đó không bao giờ đi ra ngoài, ngoại trừ thỉnh thoảng đi đi lại lại trong sân. Trong nhà không có điện thoại và Internet. Rác thải sinh hoạt bị đốt thay vì bị đem đi.
Khi đã xác định chắc chắn rằng người đàn ông thỉnh thoảng đi đi lại lại trong sân đó chính là Bin Laden, một kế hoạch đột kích được xây dựng kĩ lưỡng với nhiều phương án được vạch ra. Cuối cùng, đột kích từ trên không là lựa chọn tối ưu. Những chiếc trực thăng phục vụ nhiệm vụ đã được cải tiến nhằm giảm tiếng ồn tới mức tối thiểu, cho phép nó di chuyển nhanh hơn và có thể hạ cánh thấp hơn.
Một đội đặc nhiệm của Hải Quân Mỹ nhanh chóng được thành lập với tên gọi Biệt đội Hải Cẩu 23 (Navy Seals 23). Họ được huấn luyện trong suốt nhiều tháng liền trong một tổ hợp quân sự nằm sâu trong khu rừng rậm rạp Bắc Carolina. Đến tháng 4, họ bắt đầu các cuộc tập trận đêm trên sa mạc Nevada.
Cuối cùng, cuộc tấn công được thực hiện trước một đêm so với sự định. Trước giờ G, Tổng thống Obama đã gọi đô đốc William McRaven, người chỉ huy nhiệm vụ này và nói: “Chúc thượng lộ bình an, hãy chuyển cho họ lời cảm ơn của cá nhân tôi”. Như mô tả trong một bức ảnh nổi tiếng, chính quyền ông Obama đã theo dõi cuộc đột kích từ Nhà Trắng.
Phó Tổng thống Joe Biden, vốn là một người theo công giáo đã liên tục lần vòng thánh giá trong suốt thời gian cuộc đột kích diễn ra và nói: “Cầu Chúa phù hộ đêm nay”.
Cuộc đột kích diễn ra theo đúng kế hoạch, ngoại trừ một trục trặc bất ngờ với một trong hai chiếc trực thăng Black Hawk khiến đội đặc nhiệm phải dùng thuốc nổ để phá hủy nó. Nguyên nhân được xác định là do luồng không khí thổi qua các lớp hàng rào thép gai cản trở hoạt động bình thường của cánh quạt, gây kẹt mô-tơ.
Tại sào huyệt của tên trùm khủng bố, nhóm đặc nhiệm nhanh chóng làm chủ được tình hình. Một người trong nhóm biệt động cho rằng ít nhất một trong hai bà vợ của Bin Laden bảo vệ hắn đang mặc áo khoác tự sát trên người. Anh ta đã bắn vào bắp chân của một người trước khi các đồng nghiệp khống chế họ. Trên người họ không hề mang áo tự sát.
Sĩ quan thứ hai bắn vào ngực Bin Laden và sau đó thêm một phát nữa vào đầu. Rồi anh ta nói qua bộ đàm “Vì Chúa và vì đất nước - Geronimo, Geronimo, Geronimo" – một mật khẩu ám chỉ cuộc đột kích thành công. Một bác sĩ đi theo đoàn đã lấy mẫu xương của Bin Laden để xác định AND. Xác tên trùm khủng bố được hải táng ở biển Ả rập.
Năm ngày sau, Tổng thống Obama đã bay đến Kentucky để gặp mặt đội biệt kích. Trong suốt cuộc nói chuyện, ông Obama không hề hỏi ai đã bắn chết Bin Laden và biệt đội cũng không nói ra. Được biết, các thành viên của biệt đội đã có lời thề sẽ giữ kín bí mật này cho đến cuối đời.
Cuộc đột kích thành công, không ngớt những lời ca ngợi dành cho đội đặc nhiệm Mỹ. Tuy nhiên, một nhân vật giấu tên tại Bộ Quốc phòng nước này tỏ ra khá khiêm nhường khi nói rằng, không nên cho rằng đây là một trong những cuộc đột kích táo bạo nhất của biệt đội, đó chỉ là một trong rất nhiều cuộc đột kích thường diễn ra vào ban đêm, nhiều như “cỏ trên thảo nguyên” – trích lời quan chức này.
Nguyễn Trọng (Theo Telegraph)