[links()] Không kể những lần vui chơi nhỏ lẻ ăn thua mỗi đêm vài trăm cây vàng, không kể đến những món quà bằng kim cương, hộp thuốc bằng vàng, những căn phố lầu tiện nghi… cô Ba Trà đã có 3 lần trong đời nắm trong tay số tiền đủ trở thành đại điền chủ Nam bộ với huê lợi hàng năm đủ sức sắm xe hơi. Thế nhưng tất cả đều nhanh chóng thành mây khói. Sau lầu son gác tía, cô Ba Trà chết trên ghế bố dưới chân cầu thang một chung cư.
Túng tiền, chia tay người yêu trẻ để cặp với bồ già
Chán những công tử lắm tiền, cô Ba Trà chọn một người tình tên Thìn, trở lại nghề thông ngôn toà án, nhưng làm không được bao lâu đã bị mất việc và vướng vòng lao lý. Do bị chủ nợ níu áo, cô Ba Trà đã liều lĩnh phá niêm phong lấy bán những tài sản đã bị niêm phong chờ phát mãi. Chuyện phá niêm phong bán tài sản bị lộ, Thìn phải đứng ra nhận tội đoạt tài sản. Trong hoàn cảnh bối rối này, một vị quan toà đứng ra giúp đỡ, kiếm cớ tuyên án tha bổng Thìn, gây cái ơn khó trả.
|
Trong hoàn cảnh thiếu thốn đó, cô Ba Trà quay về đường cũ, với bóng sắc của mình cô cặp bồ với vài người có địa vị, tiền bạc, trong số đó có ông Toà áo đỏ, tên Trần Văn Tỷ. Ông Tỷ là bạn thân với luật sư Dương Văn Giáo (người đã từng giới hiệu cô Ba Trà với ông Hoàng Thái Lan).
Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), Pháp huy động một lực lớn thanh niên miền Nam sang Pháp làm lính thợ phục vụ cho guồng máy chiến tranh. Hệ quả việc này đã phát sinh một thế hệ công chức cao cấp xuất phát từ công chức sơ cấp học thức không cao. Nguyên một số công chức cấp thấp này đã tình nguyện sang Pháp làm thông ngôn cho đạo binh lính thợ Việt Nam tại Pháp và các chiến trường châu Âu.
Khi Pháp thắng trận, các viên thông ngôn ấy được cho vào học trưởng đào tạo công chức cao cấp mà được miễn tú tài, trong số đó có các ông Dương Văn Giáo, học trường chính trị, làm trạng sư ở Sài Gòn; Nguyễn Xuân Giác, Nguyễn Xuân Quang, đều về làm quan toà án Sài Gòn; Dương Văn Mai, về làm chưởng lý ở Sài Gòn rồi xuống ở Long Xuyên; Phạm Văn Còn, trước học trường Sư phạm Hà nội, qua Pháp, trở về làm hiệu trưởng trường Petrus Ký...
Trong đó ông Tỷ trước làm thư ký toà bố (dinh tỉnh trưởng) Bạc Liêu, qua Pháp học trường chính trị và làm toà áo đỏ (tòa đại hình, cấp xét xử cao nhất thời đó) ở Sài Gòn. Ông Tỷ đã nhập quốc tịch Pháp và có vợ chính thức người Pháp. Vị thế của con người đầy quyền lực với cuộc sống xa hoa là mồi câu nhử đàn bà đẹp. Trước cô Ba, ông Tỷ tuy có vợ, vẫn còn ăn ở với một con đại điền chủ họ Huỳnh (Hoàng), quê ở Trà Ôn
Đang lúc cô Ba Trà ngặt nghèo về tiền bạc, ông toà Tỷ sẳn sàng bao cấp, rồi cung phụng cho cô đầy đủ và còn dùng quyền thế tha tội cho anh Thìn không phải ở tù vì hành vi sang đoạt tài sản. Trong cảnh ấy, Thìn đành chịu lép vế, tự rút lui, trả tự do cho cô Ba sang Pháp kiếm đường ăn học.
Ông toà Tỷ đem Cô Ba Trà về sống chung ở nhà riêng trên đường Testard (đường Võ Văn Tần ngày nay). Cô Ba Trà vẫn bài bạc, lên xuống các sòng me Sáu Ngọ, Búa Lồ, báo hại quan toà phải theo làm hộ vệ trong lúc còn mê nhan sắc nàng, và vẫn xuất tiền nhà trả nợ thua bài.
Cô Ba Trà chính thức ăn ở với ông toà Tỷ như vợ chồng. Một hai năm đầu cũng tình nghĩa mặn nồng. Cô Ba Trà không phải là người chung tình. Những ai quen biết, từng là bồ bịch, ăn ở như vợ chồng với cô đều xác nhận điều đó. Các cuộc chung sống với bất cứ ai cũng không kéo dài, vì cô ăn xài quá lớn, núi cũng lở. Sau già hai năm, ông toà Tỷ cũng đành chia tay với cô.
Tháng ngày vất vưởng, bán chuyện đời tư, van xin người cũ
Về đoạn cuối cuộc đời cô Ba Trà, cụ Vương Hồng Sển kể lại với tư cách một người trong cuộc, một người ái mộ và là người giúp đỡ cho cô trong những năm tháng cuối đời:
“Bỗng mấy chục năm sau, y như giấc chiêm bao, cô Ba Trà và tôi tình cờ gặp lại nơi sòng tài xỉu ở Đại Thế Giới sau trận phong ba. Tôi thì đầu đã điểm sương nhưng rắn rỏi, già dặn. Cô Ba thì mất phong độ năm nào, nhưng sau khi tay bắt mặt mừng, cô hỏi nhỏ: - Anh thấy nhan sắc tôi kém hơn trước ra sao?/ Tôi đáp tỉnh bơ:
- Đối với tôi, tôi chỉ biết cô là người như hình chụp treo trong tủ kiếng của “photo Khánh Ký” đường Bonard (đường Nguyễn Huệ ngày nay). Lúc tôi còn học trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn ngày nay), mặc dù trời mưa gió, chủ nhật nào tôi cũng phải ra trường, đến ngắm tiên dung, rồi mới trở về trường ăn ngủ được, và đã khiến tôi thành… thi sĩ.
Nhờ câu ấy cô cười. Hai hàm răng vẫn trắng đẹp như xưa Cũng từ đó, cô thâu nhận tôi làm “thư ký không nhận lương” suốt một thời gian dài. Khi thì nhân danh cô để viết thư cho bà toà Trần Văn Tỷ, khi thì mượn danh bà thầy trị bịnh trĩ Lê Minh Đường, cũng gởi thư khẩn thiết nhắc chuyện cũ, khi thì gởi cho đôi ba người khác, và lần sau cùng, tôi gặp cô vào năm 1952…”.
Cô Ba Trà đã 3 lần có trong tay một số tiền gần 100.000 đồng. Với số tiền ấy, nếu biết lo xa, mua ruộng đất, cô có thể mua tới 3000 mẫu ruộng, vượt xa một đại điền chủ của Nam Bộ thời đó. Huê lợi 3000 mẫu ruộng có thể lên đến ít nhất 6000 đồng một năm. Một số tiền mà người ta khó có thể mơ, nhưng cuối đời cô chết trong túng thiếu im lìm. Hết tiền, cô phải bán nhà và sống trong một xó chân cầu thang của một chung cư, tài sản duy nhất là cái ghế bố cô nằm.
Vương Hồng Sển kể về cái chết cô Ba Như sau: “Mấy năm sau, tôi gặp Ba Lưu, một bạn cố tri quen nhau từ Sóc Trăng, cho tôi hay: “Trà đã mất từ lâu. Chết trong tăm tối. Đạm Tiên có khác”.
Theo Xa lộ pháp luật