Năm 2017: Phấn đấu tăng thu 9,5% so với ước thực hiện năm 2016

(PLO) - Báo cáo Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn  cho biết, năm 2017 ngành Thuế sẽ tập trung, phấn đấu nhằm hoàn thành vượt mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, kết quả thu năm 2016 do ngành Thuế quản lý ước đạt 884.399 tỷ đồng, bằng 109,3% so dự toán pháp lệnh, bằng 109,9% so với cùng kỳ năm 2015. Năm 2017, chỉ tiêu thu ngân sách do Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho ngành Thuế là 968.580 tỷ đồng, tăng 9,5% so với ước thực hiện năm 2016, trong đó thu từ dầu thô là 38.300 tỷ đồng, thu nội địa là 930.280 tỷ đồng.

Với chỉ tiêu tăng thu 9,5% so với thực hiện năm 2016 trong bối cảnh dự báo nền kinh tế chưa hết khó khăn, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đòi hỏi ngành Thuế phải quyết tâm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, triển khai ngay các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong nhóm giải pháp về thu ngân sách, Tổng cục Thuế đã cụ thể thành 7 biện pháp để triển khai: Thứ nhất, các Cục Thuế giao nhiệm vụ phấn đấu thu cho các phòng, các Chi cục Thuế đảm bảo hoàn thành vượt mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2017. Thứ hai, chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, đề xuất với UBND các tỉnh, thành các giải pháp, tạo nguồn thu cho NSNN. Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo, đảm bảo thực chất vai trò tham mưu, tổng hợp trong công tác tác chỉ đạo điều hành của thủ trưởng cơ quan thuế các cấp.

Thứ tư, về công tác kê khai, kế toán thuế, Tổng cục Thuế lưu ý: Cần phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư trong việc cấp mã số DN; cập nhật số lượng tờ khai phải nộp vào dữ liệu của ngành; thực hiện tốt công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình hoàn thuế GTGT, tập trung nội dung giám sát hoàn thuế, nâng cao việc kiểm soát hoàn thuế GTGT.

Thứ năm, về công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, Tổng cục thuế lưu ý: Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro và giao kế hoạch thanh tra tối thiểu 1% và kiểm tra tối thiểu đạt 17% số DN đang quản lý; thực hiện nghiêm túc quy định về kiểm tra sau hoàn thuế. Kịp thời thu hồi vào ngân sách (80% trong phạm vi 90 ngày) đối với số tiền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra. thông báo tất cả danh sách các DN nợ thuế yêu cầu các Cục Thuế tổ chức.

Thứ sáu, rà soát, đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Tổ chức kiểm điểm định kỳ hàng tháng việc thực hiện cưỡng chế nợ của các Cục Thuế địa phương. Thứ bảy, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Tuấn cũng lưu ý, ngoài thực hiện các giải pháp thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, ngành Thuế cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Chỉ tiến hành thanh tra các DN có rủi ro cao về thuế, tuyệt đối không đưa vào kế hoạch thanh tra các DN có ý thức tuân thủ tốt pháp luật về thuế, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng, đó là ngành Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế. Theo Thứ trưởng Tuấn, công tác thu hồi nợ thuế năm 2016 đã được ngành Thuế thực hiện khá tốt, điều này đã làm giảm giá trị tuyệt đối cả về số tiền nợ thuế cũng như tỷ lệ nợ thuế trong tổng thu NSNN. Thứ trưởng đề nghị năm 2017, ngành Thuế cần thực hiện kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý nợ thuế, 100% DN cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước phải được cưỡng chế… 

4 nhiệm vụ trọng tâm của công tác thuế năm 2017

 - Toàn ngành tập trung, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2017 được giao là 968.580 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 38.300 tỷ đồng; thu nội địa là 930.280 tỷ đồng.

- Triển khai thực hiện triệt để các chính sách điều tiết vĩ mô của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.  

-  Đẩy mạnh tiến trình thực hiện kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016-2020 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, tiếp tục rà soát, cải cách TTHC thuế và sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ, phấn đấu nâng cao thứ hạng nộp thuế của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

- Tiếp tục thực hiện tốt chương trình phòng và chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tăng cường công tác quản lý nội ngành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đổi mới phương pháp làm việc, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao năm 2017.

Đọc thêm