Năm 2023, số tiền thi hành án thu được cao nhất từ trước đến nay

(PLVN) -Đây là thông tin được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực đưa ra tại buổi hợp báo Quý III/2023 của Bộ Tư pháp diễn ra chiều ngày 19/10. Cuộc họp do Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý chủ trì.
Toàn cảnh họp báo
Toàn cảnh họp báo

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực, trong bối cảnh công tác THADS còn nhiều khó khăn, số việc, tiền thụ lý ngày càng tăng cao, biên chế bị cắt giảm, nhiều vụ rất phức tạp, số tiền phải thu lớn nhưng được quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, của cấp uỷ, chính quyền địa phương, kết quả THADS đạt rất tích cực, về việc, tiền đều vượt chỉ tiêu và tăng mạnh so với 2022.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực

Theo đó, đã thi hành xong 575 ngàn việc, tăng hơn 36 ngàn việc so với năm 2022, thu xấp xỉ 90 ngàn tỷ đồng, năm đạt số tiền tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt số tiền thu do án kinh tế, tham nhũng cũng rất ấn tượng, đạt trên 20 ngàn tỷ, cao nhất từ 2013 đến nay.

Một trong các giải pháp theo Phó Tổng cục trưởng là toàn hệ thống đã tăng cường thanh tra kiểm tra đảm bảo quy trình thủ tục chặt chẽ theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm, tăng cường tự kiểm tra, tự soi tự sửa. Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực được thực hiện quyết liệt trong tất cả các vị trí công tác.

Trước câu hỏi của các nhà báo về giải pháp nào cho công tác thu hồi tài sản bị thất thoát trong vụ án kinh tế tham nhũng đạt cao, theo Phó Tổng cục trưởng Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã phát huy tác dụng, huy động được sức mạnh cả hệ thống chính trị, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS; cấp uỷ, chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Nhiều vụ thu hồi kết quả khả quan như vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 thu 465 tỷ đồng, giai đoạn 2 thu 458 tỷ, vụ buôn lậu Đồng Nai thu 427 tỷ, vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm thu 129 tỷ.

Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam thông tin về Chương trình bình chọn Gương sáng pháp luật

Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam thông tin về Chương trình bình chọn Gương sáng pháp luật

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam đã thông tin về Chương trình bình chọn Gương sáng pháp luật do Bộ Tư pháp giao Báo PLVN chủ trì thực hiện. Đây là chương trình nhằm tôn vinh những tấm gương trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Đến nay, Hội đồng bình chọn đã lựa chọn 50 gương sáng trong rất nhiều tấm gương được đăng tải đại diện cho tất cả mọi thành phần, lĩnh vực công tác để vinh danh. Dự kiến 1.11 tới tại Hà Nội sẽ diễn ra Lễ vinh danh Gương sáng pháp luật được truyền hình trực tiếp trên Đài THQH.

Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc trả lời câu hỏi của báo chí

Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc trả lời câu hỏi của báo chí

Thông tin về Hội thi Hòa giải viên giỏi đang chuẩn bị vòng chung kết toàn quốc, ông Lê Vệ Quốc: Cục trưởng Cục PBGDPL cho biết, hiện cả nước có hơn 86 ngàn tổ hoà giải, gần 550 ngàn HGV, mỗi năm tiếp nhận trên 100 ngàn vụ việc, tỷ lệ hoà giải thành chiếm khoảng 80%. Hội thi nhằm tôn vinh biểu dương Hòa giải viên xuất sắc; là dịp lan toả sâu rộng mục đích vai trò ý nghĩa công tác hòa giải cơ sở, để người dân hiểu rõ hơn về phương thức hoà giải này và nếu có tranh chấp nhỏ các bên có thể lựa chọn phương thức này để giải quyết mà không cần đưa ra toà. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Vòng chung kết Hội thi sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tới đây và truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý chủ trì họp báo

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý chủ trì họp báo

Bộ Tư pháp cho biết, trong Quý III/2023, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đầy đủ và đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nổi bật. Công tác tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tiếp tục được chú trọng thực hiện, Bộ Tư pháp đã trình 06/06 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tiến độ trình Quốc hội đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.

Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp các bộ, ban, ngành có liên quan tổ chức nhiều Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để cho ý kiến, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là phối hợp với các cơ quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật được tiếp tục tập trung thực hiện. Tham mưu thành lập nhiều đoàn kiểm tra tại một số bộ, ngành, địa phương về công tác này. Đặc biệt, đã tham mưu và tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV tại các khu vực, góp phần thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở.

Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý, ..... tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế trong một số lĩnh vực, như: Tham mưu xây dựng, trình dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và một số văn bản hướng dẫn thi hành khác. Công tác thanh tra, kiểm tra trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, như: Xử lý vi phạm hành chính, bồi thường nhà nước, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công chứng, trợ giúp pháp lý …. được chú trọng thực hiện. Việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực này được thực hiện kịp thời. Trong hoạt động trợ giúp pháp lý, cả nước đã thụ lý 6.396 vụ việc TGPL tham gia tố tụng (trong đó có: 4.510 vụ việc bào chữa, 1.886 vụ việc bảo vệ) và có 3.867 vụ việc kết thúc (trong đó 2.607 vụ việc bào chữa, 1.260 vụ việc bảo vệ). Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên. Số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công là: 1.001 vụ việc (trong đó có: 745 vụ việc bào chữa, 256 vụ việc bảo vệ).

Việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Bộ Tư pháp đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về rà soát VBQPPL phục vụ triển khai Đề án; hoàn thiện các tính năng kỹ thuật phần mềm, nâng cấp hạ tầng và phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai trong toàn quốc từ ngày 10/7/2023 về việc thực hiện trực tuyến liên thông đối với 02 nhóm TTHC quan trọng (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí), tạo thuận lợi tối đa cho người dân và bước đầu được người dân đón nhận tích cực. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ tại về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong Quý III, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã giải quyết 314.561 Phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên; Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022 và hều hết đều được thực hiện bằng phương thức trực tuyến toàn trình).

Đọc thêm