Năm của đầu tư chứng khoán?

 Các chuyên gia cho rằng, năm 2011 là năm khởi sắc đối với thị trường chứng khoán khi tỷ giá và CPI tiếp tục là trọng tâm của việc điều hành chính sách năm 2011.

Các chuyên gia cho rằng, năm 2011 là năm khởi sắc đối với thị trường chứng khoán khi tỷ giá và CPI tiếp tục là trọng tâm của việc điều hành chính sách năm 2011.

Sẽ khởi sắc bởi nhiều thuận lợi

Ông Vũ Bằng – Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng, hiện nay thị trường vẫn còn có những khó khăn nhất định. “Chúng ta vẫn nói đến thông tư 13, đến việc chúng ta sắp tới tập trung cho mục tiêu chống lạm phát thì phải thắt chặt tiền tệ, sẽ hạn chế sức cầu đối với thị trường… Ông Bằng nói rằng, đó chỉ tác động trong ngắn hạn.

“Về cơ bản tôi nghĩ thị trường sẽ khởi sắc bởi chúng ta có những mặt thuận lợi nhất định”, ông Bằng đưa ra nhận định lạc quan. Bởi, vừa qua Chính phủ đã đưa ra những giải pháp để chống nhập siêu, ngăn ngừa lạm phát, các giải pháp để ổn định phát triển tăng trưởng theo chiều sâu thay cho tăng trưởng theo chiều rộng trước đây… Điều đó sẽ tạo ra sự thuận lợi về kinh tế vĩ mô nếu các giải pháp này được triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Bằng cũng nhận xét một cách thận trọng rằng, diễn biến cụ thể của thị trường như thế nào thì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau và khả năng mình thực thi được các chính sách như thế nào.

Năm của đầu tư chứng khoán? ảnh 1
 
“Các rủi ro như lạm phát, lãi suất, tỷ giá, sức mạnh của dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư… trong năm 2010 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến TTCK trong năm 2011 tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ dịu lại. Hiện nay, NHNN đã công bố kế hoạch bình ổn thị trường tiền tệ và tỷ giá với đề án vừa trình Chính phủ. Đặc biệt là chính sách kiềm chế lạm phát và giảm nhập siêu để cân bằng cán cân thương mại… Đây là những tín hiệu khả quan giúp TTCK có thể khởi sắc trong thời gian tới…”, TS Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra bình luận.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, năm 2011 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ gắn chặt hơn với thị trường CK thế giới bởi những rủi ro về tỷ giá, lãi suất… sẽ dần hạ nhiệt. Hiện tỷ giá đã không còn quá đáng ngại, nhập siêu tăng trưởng tốt đồng thời trong thời điểm cuối năm 2010 đã xuất hiện thêm nguồn ngoại tệ bổ sung do các dự án ODA giải ngân. Bởi vậy cuối năm nay, tỷ giá USD/VNĐ đã tạm thời ổn định và dao động quanh mức 21000 đồng.

Mức độ ảnh hưởng sẽ dịu lại

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lại kỳ vọng vào các chính sách đột phá. “Tôi hy vọng là sẽ có nhiều cái mới, nhiều sự thay đổi trong năm 2011. Về công tác phát triển thị trường thì theo tôi, khâu đột phá của UBCKNN vẫn là chính sách, tức là có khi chỉ cần chú trọng vào 6, 7 giải pháp cơ bản để làm sao 2011 mình thiết lập được trật tự thị trường”, ông Hải nêu ý kiến.

Vấn đề tái cấu trúc, ông Hải cho rằng “đã nghe nói cũng nhiều, nhưng chưa có giải pháp khả thi. Thật ra thì cũng đơn giản, không cần nghiên cứu nhiều”, ông Hải cho hay. Ông này đưa ra ví dụ, có thể chúng ta lựa chọn một SGD chứng khoán như là Singapore chẳng hạn, làm nhà đầu tư chiến lược, bán cho họ bao nhiêu % đó. Thực ra cách đi của mình bây giờ còn thiếu kinh nghiệm. Mình vừa đi vừa dò dẫm. Vậy với một thị trường mà có nhiều kinh nghiệm rồi, mình thu hút người ta… thì công tác phát triển thị trường chắc chắn sẽ tốt hơn.

Riêng ông Alex Malley – Tổng giám đốc toàn cầu Hiệp hội kế toán Công chứng Australia lại phân vân về tính minh bạch của thị trường. Ông Alex Malley nhìn nhận, Hải Việt Nam là thị trường đang phát triển nên những vấn đề tiêu cực, thiếu minh bạch trong thông tin là không thể tránh khỏi. Giải quyết vấn đề này, ông Alex Malley nói nếu đặt ra quá nhiều luật để phòng chống những tiêu cực, giúp thị trường minh bạch thì thị trường chứng khoán không phát triển được. Nếu ít luật thì vấn đề không minh bạch lại xảy ra.

Phượng Đan

Đọc thêm