Tại phiên họp sáng nay của QH, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao về phương án cho lao động nữ nghỉ 6 tháng khi sinh con. Đồng thời, có đại biểu đưa ra quan điểm cần có chế độ “thai sản” đối với lao động nam khi vợ sinh con.
|
Cần có chế độ cho lao động nam hưởng chế độ. |
Với một bản thuyết trình khá đầy đủ về quyền bình đẳng của phụ nữ, quyền lợi của trẻ em khi sinh ra, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đồng ý với quan điểm cần cho lao động nữ nghỉ 6 tháng khi sinh con. Đồng thời, bà đề nghị cần nghiên cứu chế độ đối với lao động nam khi vợ sinh con: “Nhiều nước, họ còn có chế độ đối với người lao động Nam khi sinh con. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên có quy định này để giúp đỡ người phụ nữ”, bà Minh nói.
Đại biểu Phạm Đức Châu – (Quảng Trị) đề nghị bổ sung thêm quy định trong thời gian thai sản mà người mẹ bị chết, thì nên có chế độ đối với người bố, để đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ.
Các ý kiến phát biểu trong buổi họp sáng nay đều thống nhất cho rằng nên áp dụng chế độ nghỉ 6 tháng đối với tất cả lao động nữ, không nên áp dụng phương án cho nghỉ 5 tháng đối với lao động bình thường, và 6 tháng với một số đối tượng.
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) nhận định: “Phương án này vừa đảm bảo quyền lợi của lao động nữ, quyền lợi trẻ em, và bình đẳng với các nước khác”. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng ủng hộ với lý do chế độ nghỉ như vậy sẽ: “Đảm bảo sức khỏe người mẹ, sự trưởng thành của người con”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng quy định đó thể hiện tầm nhìn của nhà làm luật đối với thế hệ sau. “Đây là giải pháp giảm tỉ lệ sinh dinh dưỡng, thiếu cân. Nó thể hiện tầm nhìn đối với thế hệ sau”, ông nói.
UBTVQH tán thành phương án thời gian nghỉ 6 tháng đối với lao động nữ, tuy nhiên dự thảo hiện tại vẫn đề ra hai phương án. Theo đó, phương án thứ nhất là lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Phương án 2 là lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường được nghỉ trước và sau khi sinh con là 5 tháng. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm theo chế độ ba ca, làm việc thường xuyên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người thuộc danh mục do Chính phủ quy định, lao động nữ là người khuyết tật được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. |
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa còn thay mặt Hội Phụ nữ VN, cũng đề nghị QH xem xét về việc có chế độ với phụ nữ nông dân, những người không hề được hưởng chế độ thai sản nào của bảo hiểm xã hội khi sinh con.
Cùng ý kiến này còn có ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình). Ông cho rằng “Phần lớn lao động tự do không có trợ cấp khi sinh con. Do đó đề nghị QH nghiên cứu để có chế độ trợ cấp cho đối tượng này. Ví như có thể trợ cấp cho họ một khoản tiền bằng một tháng tiền lương cơ bản"...
Vân Tùng