Nam Định dẫn đầu toàn quốc về GD-ĐT - Thành quả từ những nỗ lực lớn (kỳ I)

Để đạt được kết quả trên, có sự quan tâm chăm lo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; truyền thống hiếu học, chăm lo cho sự học của mỗi gia đình, dòng họ, thôn làng, nhà chùa, xứ đạo… và đặc biệt là những giải pháp hữu hiệu của ngành GD-ĐT tỉnh nhà trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

16 năm liền, ngành GD-ĐT Nam Định giữ vững danh hiệu tiên tiến xuất sắc, đứng trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, trong đó tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và tốp trường THPT có tỷ lệ  học sinh trúng tuyển vào đại học cao, trung bình điểm thi đại học cao nhất cả nước… Để đạt được kết quả trên, có sự quan tâm chăm lo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; truyền thống hiếu học, chăm lo cho sự học của mỗi gia đình, dòng họ, thôn làng, nhà chùa, xứ đạo… và đặc biệt là những giải pháp hữu hiệu của ngành GD-ĐT tỉnh nhà trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

I - TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC

Cô giáo Nhữ Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy giỏi môn Văn học Trường THPT Nguyễn Bính (Vụ Bản) trong giờ lên lớp.
Ảnh: Xuân Thu

Nét đặc trưng, truyền thống ở người dân Nam Định là hiếu học, chăm lo cho sự học. Có thể thấy, từ thành thị đến nông thôn, từ ngõ xóm đến khối phố, trong nhà thờ hay nhà chùa đều sôi nổi những hoạt động chăm lo cho sự học. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ đều trở thành môi trường giáo dục hiệu quả và lành mạnh. Tiêu biểu trong việc chăm lo cho việc học hành của con em phải kể đến làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Với truyền thống hiếu học và là một địa danh nổi tiếng về số người học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt, những năm gần đây, năm nào con em của làng cũng thi đỗ đại học, cao đẳng với tỷ lệ cao nhất nhì cả nước; trong đó năm học vừa qua, cả làng có 75 học sinh dự thi đã có 72 em đỗ vào đại học, cao đẳng (47 em đỗ đại học). Người dân trong làng chủ yếu sống bằng nghề nông và dệt vải, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng vượt qua tất cả, nhà nhà đều phấn đấu cho con ăn học. Gia đình ông Phạm Ngọc Toán, là một hộ nông dân nghèo ở làng Hành Thiện. Trong căn nhà nhỏ chẳng có vật gì đáng giá, nhưng "gia tài’’ của ông lại khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Đó là 3 người con đang học tại các trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Ngước mắt nhìn những tấm giấy khen của con treo trên tường nhà, ông Phạm Ngọc Toán như quên đi mọi lo âu, vất vả. Ruộng ít, ông bà phải nuôi lợn để kiếm thêm thu nhập. Các con thi đỗ đại học, niềm vui xen lẫn nỗi lo, cả nhà lại động viên nhau cố gắng vươn lên; mỗi tháng dành dụm được 2 triệu đồng, cùng vài chục cân gạo của nhà, ông bà gửi lên cho các con ăn học. Ngay từ năm 1994, làng Hành Thiện đã có Hội Khuyến học. Hàng năm, Hội đều khen thưởng cho những học sinh học giỏi, học sinh nghèo vượt khó, học sinh thi đỗ vào đại học.

Ở xã Hải Phương (Hải Hậu) chuyện học không chỉ quan trọng đối với mỗi gia đình mà còn được chính quyền đặc biệt quan tâm, biến thành phong trào thi đua của từng khu, xóm. Hàng chục năm qua, nhờ chăm chỉ học hành mà nơi đây đã sản sinh ra nhiều người hiển đạt, trong đó có nhiều người có học vị tiến sỹ. Có nhà có tới 2-3 tiến sỹ, có nhà cả ông tới cháu đều là tiến sỹ. Hàng năm, cả xã có từ 40-50 học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Với 48% dân số theo đạo Thiên chúa, trước đây, con em giáo dân thường chỉ chú trọng đến việc đi nhà thờ để học thánh ca, giáo lý, cầu nguyện… nhưng bây giờ, không chỉ ở riêng Hải Phương, nhiều linh mục đã nhiệt tình động viên sự học của con em giáo dân. Tinh thần khuyến học không chỉ được lồng ghép vào các bài giảng nơi thánh đường mà còn được cụ thể hóa bằng các quỹ khuyến học, khuyến tài của nhà thờ do linh mục tự mở ra. Ở xóm 10, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn như gia đình ông Phạm Văn Tiểu, ông đau ốm quanh năm, chi tiêu trong nhà chỉ trông chờ vào cây lúa cùng sự tần tảo mà vẫn nuôi được hai con học đại học. Ông Phạm Văn Cõn là bệnh binh 61%, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng vẫn gắng gượng vay mượn, làm thuê để nuôi 2 con học đại học.

Rời Hải Phương, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Mát, ở tổ 18 thị trấn Thịnh Long, một gia đình nghèo có tinh thần hiếu học. Chồng mất vì căn bệnh ung thư gan cách đây 6 năm, trụ cột gia đình không còn, bà đã quyết bán đi một nửa mảnh đất đang ở để có tiền nuôi các con ăn học. Thương mẹ vất vả, người con cả khi ấy đã quyết định hy sinh ước mơ vào đại học của mình để ở nhà mở một hiệu sửa xe đạp, nhằm đỡ đần mẹ nuôi các em thi vào đại học. Đáp lại tấm lòng của mẹ và anh, 3 người em đã quyết tâm đèn sách và lần lượt đỗ vào Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm khiến nhiều người phải khâm phục: 30, 30 và 29 điểm.

Là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc thành lập Hội Khuyến học, phong trào khuyến học, khuyến tài ở tỉnh ta đã phát triển sâu rộng và đều khắp, đã phát huy truyền thống hiếu học và chăm lo cho sự học của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 5000 chi hội khuyến học với gần 300 nghìn hội viên, chiếm 13% dân số của tỉnh, phát triển đồng đều ở khắp các thôn làng, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang, dòng họ, nhà chùa, xứ đạo. Từ khi thành lập đến nay, các cấp Hội đã góp phần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về đường lối, chính sách GD-ĐT của Đảng và Nhà nước, vận động nhân dân thực hiện chủ trương xã hội hóa, chăm lo cho sự nghiệp "trồng người’’, phát huy và nâng cao truyền thống hiếu học, khuyến học vốn có của nhân dân, đồng thời phát động phong trào quần chúng chăm lo phát triển sự nghiệp GD-ĐT, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Qua 13 năm hoạt động, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động do Bộ GD-ĐT phát động, giúp đỡ gần 4000 học sinh gia đình khó khăn có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng tiếp tục học tập; vận động, hỗ trợ diện tích đất và tiền xây dựng trường lớp trị giá 35 tỷ đồng; khen thưởng 29.276 giáo viên dạy giỏi, khen thưởng 307.332 lượt học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, cấp trên 15 nghìn suất học bổng với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng cùng nhiều sách vở, quần áo; xây dựng 3 ngôi nhà "Tình nghĩa Khuyến học’’ cho 3 gia đình nghèo, nhà dột nát nhưng có con chăm ngoan, học giỏi; thành lập "Giải thưởng khuyến học Nguyễn Hiền’’ và "Giải thưởng khuyến học Phạm Văn Nghị’’ để trao cho những giáo viên dạy giỏi xuất sắc, học sinh giỏi xuất sắc. Từ hiệu quả của phong trào, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 172 nghìn gia đình đăng ký trở thành gia đình hiếu học, bằng 38% số gia đình trong tỉnh. Trong phong trào thi đua dòng họ khuyến học, toàn tỉnh đã có gần 3000 dòng họ được công nhận đạt tiêu chuẩn dòng họ khuyến học, khuyến tài, gần 2300 cụm dân cư, thôn làng, tổ dân phố, cơ quan, trường học, nhà chùa, xứ đạo được công nhận là đơn vị khuyến học./.

 (Còn nữa)
Hồng Minh

Đọc thêm