Năm học 2010 - 2011: Chưa gộp hai kỳ thi

Trả lời báo chí về dự kiến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm tới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Hiện nay, cũng chưa có thay đổi lớn trong tuyển sinh.” C
Trả lời báo chí về dự kiến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm tới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Hiện nay, cũng chưa có thay đổi lớn trong tuyển sinh.” Còn trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2010 – 2011 là tổ chức tốt các kỳ thi năm học 2010-2011; giữ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các trường ĐH, CĐ cũng như là các Sở GD&ĐT và cả xã hội để chọn phương án tuyển sinh như thế nào cho hợp lý. Dự kiến, sẽ có một cách tiếp cận khác về tuyển sinh.

Ví dụ như thay vì tổ chức 3 đợt thi ĐH, CĐ có thể chỉ tập trung thi tuyển sinh 1 lần với một số môn quy định cụ thể để xét tuyển. Cụ thể, có thể CĐ sẽ không tổ chức riêng đợt tuyển sinh mà xét tuyển từ kết quả thi ĐH vào trường. Hoặc tổ chức 4 khối A,B,C,D thi chung 1 đợt để lấy kết quả xét tuyển vào tất cả các trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT chưa có ý kiến gì về việc chọn kỳ thi nào, nhưng đây có thể là định hướng để có cải cách tuyển sinh cho phù hợp. Và có hay không nhưng thay đổi trong năm mới về chuyện tuyển sinh của GDĐH vẫn còn nằm ở ý kiến các trường, phụ huynh và học sinh.
Tuy nhiên, mùa tuyển sinh 2011, công tác tuyển sinh vẫn được tiến hành như các năm trước, trong đó các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học và Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, các môn còn lại thi theo hình thức tự luận. Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chính quy năm 2011 tăng 5 đến 7% so với năm 2010. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh đối với những trường thành lập trước năm 2010 nhưng chưa xây dựng được cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập. Từ năm 2011, Bộ khuyến khích các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học tốp đầu giảm dần quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học; giảm dần chỉ tiêu đào tạo các trình độ dưới đại học, tăng cường các điều kiện mở rộng quy mô đào tạo sau đại học và nâng cao chất lượng đào tạo đại học chính quy. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục đổi mới công tác thi và tuyển sinh cũng như rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế thi và tuyển sinh.
Không thể bỏ điểm sàn

Ngày 11/8, sau 3 ngày Bộ GDĐT họp công bố điểm sàn, Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đề nghị bỏ điểm sàn. Khi đề xuất giải pháp này, Hiệp hội cho rằng, cơ chế tuyển sinh hiện hành khó thỏa mãn việc đào tạo nhân lực cho những vùng miền chậm phát triển giáo dục phổ thông.

Theo phân tích của Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam, xét trên tổng thể, số thí sinh đạt điểm sàn có thừa so với chỉ tiêu cần tuyển, nhưng thực tế nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Mặt khác, nhiều thí sinh đạt điểm cao không được học vì không có điều kiện di chuyển đến vùng, miền khác.


Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời không thể bỏ điểm sàn được vì điểm sàn chung là điều kiện cần thiết để kiểm tra chất lượng đầu vào. Nếu bỏ điểm sàn thì tất cả thí sinh sẽ vào học ĐH, CĐ nên rất khó kiểm soát chất lượng.     
Theo Thanh Châu
Vnmedia

Đọc thêm