Nạn đánh cắp thủ thuật trong giới ảo thuật gia

Kể từ khi nghệ thuật biểu diễn ảo thuật hình thành, các ảo thuật gia không ngừng đánh cắp các bí mật của nhau. Trong thế giới tương tác như hiện nay, việc đánh cắp bí mật giữa các nhà ảo thuật càng trở nên dễ dàng hơn và các nghệ sỹ trong lĩnh vực này không dễ gì có thể dựa vào pháp luật để bảo vệ thành quả lao động của mình.

Kể từ khi nghệ thuật biểu diễn ảo thuật hình thành, các ảo thuật gia không ngừng đánh cắp các bí mật của nhau. Trong thế giới tương tác như hiện nay, việc đánh cắp bí mật giữa các nhà ảo thuật càng trở nên dễ dàng hơn và các nghệ sỹ trong lĩnh vực này không dễ gì có thể dựa vào pháp luật để bảo vệ thành quả lao động của mình.

Hình minh họa

Jeff McBride là một trong những nhà ảo thuật tài năng nhất thế giới. Khi xem ông biểu diễn, có đến một nửa khán giả dễ dàng nghĩ rằng rằng ông thực sự có phép màu. Màn biểu diễn nổi tiếng nhất của ông là tiết mục biến đổi các mặt nạ vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, đến một ngày, McBride phát hiện ra rằng ông không phải là người duy nhất biểu diễn màn ảo thuật này.

Trong một lần mày mò trên mạng, nhà ảo thuật này tình cờ phát hiện một đoạn băng, trong đó ghi lại cảnh một ảo thuật gia người Thái Lan đang biểu diễn trên một đài truyền hình địa phương toàn bộ tiết mục của ông, cũng trên nền nhạc y chang. Thậm chí, ảo thuật gia người Thái Lan cũng cắt tóc giống hệt McBride.

“Đây là màn bắt chước hoàn hảo nhất mà tôi từng được xem. Nó không chỉ là một bản sao các tiết mục biểu diễn của tôi mà là toàn bộ buổi biểu diễn của tôi”, ông McBride bàng hoàng cho biết.

Bằng nhiều cách khác nhau, ông McBride sau đó đã liên lạc được với ảo thuật gia người Thái Lan. Tranh chấp giữa ông McBride và đồng nghiệp người Thái Lan sau đó đã được dàn xếp trong êm thấm. Tuy nhiên, không phải trường hợp tranh chấp về thủ thuật nào giữa các nhà ảo thuật đều có kết quả dễ chịu như thế và ngày càng có nhiều ảo thuật gia phàn nàn về việc các thủ thuật của họ bị đánh cắp một cách ngang nhiên.

Kevin James – một nhà ảo thuật có biệt danh “nhà sáng chế” vì những phát minh của ông trong quá trình biểu diễn - cho hay, rất nhiều các tiết mục của ông đã bị sao chép và bán với mức giá vô cùng rẻ mạt trên các trang web tiếng Trung Quốc. Thậm chí các trang web này còn thản nhiên sử dụng cả tên thật và công ty của ông để kinh doanh băng đĩa lậu.

“Họ sử dụng quảng cáo của tôi, họ sử dụng tên tôi, các đoạn băng của tôi trên trang web của họ để bán băng đĩa. Các sản phẩm của họ giống y hệt của tôi nhưng chỉ bằng một phần ba giá thực”, ông James cho hay.

Nói đến đây, nhiều người sẽ nghĩ rằng những nhà ảo thuật có thể bảo vệ các tiết mục của họ bằng cách khởi kiện hoặc có thể là các hình thức nào đó của luật pháp. Tuy nhiên, bà Sara Crasson – một luật sư chuyên về quyền sở hữu sở hữu trí tuệ - cho hay, trên thực tế, các ảo thuật gia hầu như không thể làm gì trong các trường hợp như ông James hay McBride.

Trong một vụ việc gần đây, một tòa án ở Hà Lan đã ra phán quyết cho rằng mỗi một bí quyết và thủ thuật sẽ không được bảo hộ nhưng khi tổng hợp chúng vào cùng với nhau, tạo thành một tiết mục biểu diễn – giống như một vở kịch - thì tiết mục đó có thể được hưởng chế độ bảo hộ bản quyền.

Đây được xem là một phán quyết mang tính bước ngoặt nhưng trên thực tế trường hợp này chỉ có hiệu quả đối với những ảo thuật gia có hẳn một buổi biểu diễn hay một phần quan trọng trong chương trình biểu diễn bị sao chép giống như trường hợp của McBride.

Nhiều người hy vọng các thủ thuật của các ảo thuật gia có thể được bảo hộ dưới khái niệm bí mật thương mại, giống như Coca-Cola bảo vệ công thức của họ hay bí quyết nêm gia vị cho món gà rán của KFC. Nhưng đối với các ảo thuật gia, các thủ thuật của họ rất khó có thể giữ bí mật được, vì các đồng nghiệp chỉ cần chú ý quan sát và phân tích là đã có thể phát hiện được bí mật đằng sau các màn biểu diễn.

“Nếu đi cướp ngân hàng, bạn sẽ phải vào tù nhưng nếu bạn đánh cắp ý tưởng của một ai đó, họ sẽ chỉ có thể chửi bới bạn”, ảo thuật gia người Đức Losander nói.

Chính vì thế, các ảo thuật gia cho biết họ chỉ có thể trông chờ vào đạo đức của các đồng nghiệp để có thể giữ được nét riêng độc đáo trong các tiết mục biểu diễn của mình. Trong một trường hợp đáng chú ý, Hàn Quốc mới đây đã phát động chiến dịch gọi là “Không sao chép ảo thuật”, một trong những phong trào tích cực nhất chống lại nạn đánh cắp thủ thuật trong ngành công nghiệp biểu diễn ảo thuật.

Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm