Nan giải chuyện xử lý tội phạm mang quốc tịch ngoại

Những năm gần đây, tội phạm là người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có xu hướng gia tăng với những thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp. Phát hiện tội phạm này đã khó, xử lý còn khó hơn nhiều do các quy định của pháp luật còn vướng mắc, bất cập. Hơn nữa, vì liên quan đến nhiều quốc gia nên thời gian bị kéo dài, chi phí lớn…

[links()]Những năm gần đây, tội phạm là người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có xu hướng gia tăng với những thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp. Phát hiện tội phạm này đã khó, xử lý còn khó hơn nhiều do các quy định của pháp luật còn vướng mắc, bất cập. Hơn nữa, vì liên quan đến nhiều quốc gia nên thời gian bị kéo dài, chi phí lớn…

Một nhóm tội phạm người nước ngoài bị bắt ở VN
Một nhóm tội phạm người nước ngoài bị bắt ở VN

Khó từ …thủ tục tố tụng

Theo Văn phòng Interpol Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng trên 2.000 vụ việc phạm tội có yếu tố nước ngoài mà Việt Nam phải phối hợp với cơ quan cảnh sát, các cơ quan tư pháp của nước ngoài để giải quyết. Trong đó, tội phạm do người nước ngoài gây ra ở Việt Nam có hàng trăm vụ. Người nước ngoài vào Việt Nam gây án với nhiều tội khác nhau, nhưng nổi lên rất đáng chú ý những năm gần đây là sử dụng kỹ thuật, công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản của cá nhân.

Việc phát hiện loại tội phạm này đòi hỏi các cơ quan chức năng của Việt Nam phải có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cũng như nhân lực trình độ cao, dày dạn kinh nghiệm để điều tra, khám phá.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã phát hiện được tội phạm thì việc xử lý cũng không đơn giản. Ví dụ như việc triệu tập, lấy lời khai của các bị hại như thế nào khi có những bị hại ở nước ngoài, bị lừa đảo qua mạng Internet; hay như việc xác định hậu quả của hành vi phạm tội có nghiêm trọng hay không bởi lẽ thiệt hại là rất khó cân đong, đo đếm, nhất là đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao, khi thực hiện hành vi phạm tội thường không để lại dấu vết.

Đối tượng phạm tội có thể bị bắt giữ tại Việt Nam nhưng lại cấu kết với các đường dây, tổ chức khác ở nhiều nước trên thế giới. Bởi vậy, việc thu thập chứng cứ rất khó khăn, tốn kém. Nhiều vụ án phải dậm chân tại chỗ hoặc chờ đợi rất mất thời gian.

Theo bà Nguyễn Phan Lệ Thúy, VKSND tỉnh Hà Tĩnh thì một khó khăn khác đến từ các vụ án phạm tội về ma tuý có yếu tố nước ngoài (cụ thể là Lào). Trên địa bàn tỉnh này xảy ra tương đối nhiều và diễn biến phức tạp nhưng việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh lý lịch tư pháp; tiền án, tiền sự, xác định nhân thân, tên tuổi, lai lịch, nơi cư trú của các đối tượng người nước ngoài phạm tội về ma tuý; việc trưng cầu người phiên dịch, dịch thuật; giám định hộ chiếu, các giấy tờ tuỳ thân khác đối với các bị can người nước ngoài phạm tội. Việc xác định thời gian cư trú ở nước ngoài của các bị can là người Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài…

Trong khi đó, cơ sở pháp lý có liên quan đến hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý ở các tỉnh có đường biên giới với Lào chưa hoàn thiện.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Hiện nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ, chuyển giao tội phạm với nhiều nước, lực lượng cảnh sát Việt Nam cũng đã gia nhập Tổ chức Interpol từ năm 1991 tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra, xử lý tội phạm nước ngoài được thuận lợi. Tuy nhiên, đối với  những nước mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp thì việc giải quyết theo con đường ngoại giao thường kéo dài và gặp nhiều khó khăn. Do đó, để xử lý nghiêm tội phạm là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong nước cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Theo Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai hiện các quy định của BLTTHS mới chủ yếu dừng ở những nguyên tắc chung, thiếu các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì thế, sửa đổi BLTTHS cần theo hướng bổ sung đầy đủ, cụ thể các quy định về thẩm quyền, thủ tục, thời hạn thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm và các cam kết hợp tác quốc tế khác. Cũng theo ông Mai, cần nội luật hóa các cam kết trong điều ước quốc tế để thuận lợi trong thực tiễn áp dụng, trong đó có quy định về áp dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt..

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, cần thiết phải bổ sung BLTTHS theo hướng có quy định việc xem xét, tiến hành hợp tác quốc tế trong TTHS theo nguyên tắc có đi có lại. Theo hướng này, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để hướng dẫn quy định về nguyên tắc có đi có lại để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thì việc đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật trong xử lý tội phạm nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng góp phần kịp thời phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm đối với các tội phạm này.

Bình An

Đọc thêm