Nan giải thực trạng bác sĩ không chịu về xã, phường

(ĐNĐT) - Tình trạng bác sĩ không mặn mà phục vụ ở tuyến y tế xã, phường xuất phát từ nhiều nguyên nhân: không có môi trường phát triển chuyên môn, không có chế độ đãi ngộ hợp lý… Thực trạng này kéo theo một hệ lụy đáng bàn, là với Luật Bảo hiểm Y tế mới, thì người bệnh sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

(ĐNĐT) - Tình trạng bác sĩ không mặn mà phục vụ ở tuyến y tế xã, phường xuất phát từ nhiều nguyên nhân: không có môi trường phát triển chuyên môn, không có chế độ đãi ngộ hợp lý… Thực trạng này kéo theo một hệ lụy đáng bàn, là với Luật Bảo hiểm Y tế mới, thì người bệnh sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Bác sĩ không chịu về cơ sở

Trong một cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố với ngành Y tế cuối tuần trước, vấn đề không có bác sĩ ở 32 trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được đặt ra bàn thảo. Tại những điểm này, hoàn toàn không có bác sĩ phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, rất khó khăn cho người bệnh ở khu vực.
 

Bác sĩ ở Trạm y tế xã, phường còn phải kiêm nhiệm nhiều việc như tiêm phòng, chích ngừa, theo dõi dịch bệnh...
Bác sĩ ở Trạm y tế xã, phường còn phải kiêm nhiệm nhiều việc như tiêm phòng, chích ngừa, theo dõi dịch bệnh...

Có những trạm y tế xã thuộc huyện Hòa Vang như Hòa Tiến, Hòa Châu… như một bệnh viện đa khoa thu nhỏ, bởi đa số bệnh nhân trong vùng đều tìm đến đây để khám, nhưng không hề có bác sĩ. Hầu hết quận, huyện nào của Đà Nẵng cũng gặp tình trạng có ít nhất 2 trạm y tế tuyến xã, phường không có bác sĩ phục vụ.

Để tăng cường y bác sĩ, ngành Y tế đã làm theo Đề án 1816 của Bộ Y tế (cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh). Sở Y tế Đà Nẵng đã triển khai quy định về “biệt phái” các bác sĩ tuyến quận, huyện xuống các trạm y tế xã, phường.

Thế nhưng, đã có rất nhiều bất cập xảy ra trong quá trình thực hiện quy định này. Trong khi tuyến y tế quận, huyện cũng luôn gặp tình trạng thiếu y, bác sĩ để điều trị cho bệnh nhân, thì việc điều chuyển bổ sung cho trạm y tế xã, phường khiến các trung tâm gặp khó khăn. Chưa kể, việc điều chuyển luân phiên cũng thiếu thiết thực ở chỗ, các bác sĩ vẫn khám, điều trị ở bệnh viện tuyến quận, huyện buổi sáng, buổi chiều mới xuống trạm để khám, trong khi bệnh nhân luôn tìm đến bác sĩ vào buổi sáng.

Một vấn đề khác, việc điều chuyển các bác sĩ chuyên khoa xuống trạm trở thành một bác sĩ cộng đồng, đa khoa nên việc khám cho bệnh nhân cũng không thể hiệu quả. Một bác sĩ chuyên phẫu thuật không thể khám, điều trị các bệnh da liễu, bệnh phụ nữ, bệnh nhi… Chưa kể, một bác sĩ xuống trạm không chỉ kiêm nhiệm việc khám bệnh, mà còn phải “ôm sô” những lĩnh vực như: an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêm phòng, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh… khiến các bác sĩ ngán ngẩm khi về tuyến này.

Cho dù thực tế là vậy, nhưng theo thông tư mới của Bộ Y tế về Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), người tham gia BHYT có thể chọn đăng ký tuyến khám chữa bệnh ban đầu từ tuyến huyện trở xuống… Như vậy, trạm y tế xã, phường trong công tác khám chữa bệnh ban đầu là rất quan trọng, kể cả công tác điều chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và nguy cơ quá tải là rất lớn. Chính điều này sẽ khiến cho y tế tuyến trạm sẽ trở nên vô cùng căng thẳng. Nhưng với thực trạng thiếu y bác sĩ như hiện nay, sự thể sẽ càng khó khăn và nan giải.

Xoay xở tìm giải pháp

Trước thực tế khó khăn đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành chính sách đãi ngộ cao để thu hút bác sĩ về phục vụ ở trạm y tế xã, phường. Theo đó, bác sĩ hợp đồng sẽ được tuyển vào biên chế; bác sĩ thuộc đối tượng thu hút nhân tài sau 2 năm công tác tại y tế xã, phường được đánh giá tốt sẽ tuyển vào biên chế. Sau khi công tác 5 năm sẽ được điều động lên tuyến trên. Trợ cấp hằng tháng 100% lương theo ngạch, bậc và phụ cấp hiện hưởng; hỗ trợ xăng xe; các khoản trợ cấp khác. Bác sĩ trong biên chế hợp đồng xuống trạm miền núi Hòa Vang được hỗ trợ một lần 15 triệu đồng, trạm còn lại ở Hòa Vang 10 triệu đồng, các trạm khác 7 triệu đồng

CLB bác sĩ trẻ TP Đà Nẵng về vùng sâu khám bệnh cho người dân, hỗ trợ các xã, phường không có bác sĩ tuyến xã, phường
CLB bác sĩ trẻ TP Đà Nẵng về vùng sâu khám bệnh cho người dân, hỗ trợ các xã, phường không có bác sĩ tuyến xã, phường

Nhưng, theo ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thàh phố Đà Nẵng, sau nhiều tháng chính sách trên được thông báo, chỉ duy nhất một bác sĩ đăng ký về với trạm y tế xã, phường. “Ngay cả tuyến quận, huyện bác sĩ còn rất thiếu, thiếu đến 74 bác sĩ cho tuyến quận, huyện, nên việc tuyển bác sĩ về xã, phường rõ ràng là vô cùng khó khăn”, ông Chiến cho biết.

Bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn cho hay, trung tâm đã từng tạo điều kiện cho 12 y, bác sĩ đi học để về phục vụ, nhưng chỉ 3-4 trong số đó quay về lại làm việc sau khi học tập, nên việc tuyển cho tuyến xã, phường quả là hết sức khó khăn.

Sử dụng lực lượng bác sĩ về hưu được xem là giải pháp tình thế của đa số các trung tâm y tế nhằm bố trí lực lượng cho tuyến y tế xã, phường hiện nay, bằng việc thành lập các CLB thầy thuốc về hưu để giúp sức cho các cơ sở y tế tuyến xã, phường. Đây là lực lượng có kinh nghiệm, có tâm và hết mình với nghề.

“Có vậy mới góp phần giảm tải được nhu cầu hiện tại của tuyến xã, phường theo luật mới, nhưng trên thực tế đây chỉ là giải pháp tạm thời. Cần có những chính sách lâu dài và hiệu quả hơn thì mới có thể giải quyết được vướng mắc này”, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu, kiến nghị. Trung tâm Y tế Hải Châu là đơn vị triển khai khá hiệu quả mô hình CLB bác sĩ về hưu làm việc tại các trạm y tế tuyến phường của trung tâm.

Tại cuộc họp nói trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nông Thị Ngọc Minh chỉ đạo quyết liệt: trong thời gian đầu, chính Giám đốc Sở Y tế phải làm nhiệm vụ điều chuyển, biệt phái bác sĩ xuống phục vụ trạm y tế xã, phường, không chỉ từ quận, huyện xuống, mà cả các bệnh viện của thành phố; công khai tên bác sĩ được điều chuyển. Tiếp tục thông tin đãi ngộ, tuyển dụng bác sĩ cho tuyến này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cho phép các địa phương tự tìm người phù hợp để tuyển. Riêng việc thành lập các CLB bác sĩ nghỉ hưu phục vụ, sẽ dùng ngân sách của thành phố để bổ sung kinh phí họat động cho mô hình này. 

Bài và ảnh: Viết Thanh

Đọc thêm