Tham nhũng khó bị phát hiện
Theo kết quả khảo sát, tham nhũng ngày càng được nhiều người đánh giá là phổ biến và không giảm trong 10 năm qua. Đáng chú ý, có đến 83% cán bộ công chức và 76,5% người dân được hỏi đều cho rằng tham nhũng đang bị biến tướng, được che đậy dưới nhiều hình thức và khó bị phát hiện, xử lý. Việc chứng minh động cơ “vụ lợi” không hề dễ dàng (“lợi” ở đây là lợi kinh tế, lợi tinh thần hay tình cảm, tình dục…).
Hơn nữa, các án tham nhũng hiện nay mới chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế nhưng mức độ (định lượng) của “vụ lợi” kinh tế cũng chưa được hiểu thống nhất. Bởi vậy rất nhiều ý kiến đề nghị phải nhận diện cụ thể hành vi tham nhũng để có thể xử lý được tình trạng “tham nhũng thời gian” và “tham nhũng chính sách”.
Nhận thức về hành vi tham nhũng luôn thay đổi theo thời gian. Đơn cử, Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 quy định 11 hành vi tham nhũng. Khi Pháp lệnh này sửa đổi, bổ sung (năm 2000) đã cụ thể hóa và quy định 17 hành vi. Tuy nhiên, đến Luật PCTN năm 2005 lại quy định 12 hành vi, còn Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 chỉ quy định 7 tội danh tham nhũng tương tự 7 hành vi tham nhũng quy định trong Pháp lệnh Chống tham nhũng sửa đổi năm 2000.
Cho rằng việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng như phương pháp phát hiện hành vi tham nhũng có hiệu quả chưa cao, nhiều ý kiến đã chỉ ra một loạt nguyên nhân chủ yếu, trong đó có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng thiếu cụ thể; việc bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin chưa tốt hoặc chưa được thực hiện.
Ngoài ra, các quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa phù hợp cũng là rào cản khiến việc phát hiện hành vi tham nhũng chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại cho công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện nay, nói như ông Tô Văn Đáp (Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT) và TS Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) thì “kết quả của Báo cáo cho thấy đây là bức tranh màu xám về PCTN”.
Phải đổi mới việc kê khai tài sản, thu nhập
Về nguyên tắc, tài sản tham nhũng phải được thu hồi triệt để - đó là mục tiêu và là biện pháp hữu hiệu để có thể làm giảm loại tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tài sản tham nhũng thu hồi được rất thấp, chúng ta vẫn chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn một cách hữu hiệu và cũng chưa có cơ chế xử lý tài sản tăng thêm mà không giải trình rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, hành vi tham nhũng hiện nay chủ yếu được xử lý bằng pháp luật hình sự , “việc xử lý hành chính hành vi tham nhũng là khoảng trống rất lớn và hầu như chưa được thực hiện”- đại diện Công ty Tư vấn Monaco chia sẻ.
Trước những bất cập trên, có đến 87,3% người dân được hỏi đề nghị bổ sung các quy định về xử lý vi phạm pháp luật về PCTN và cho rằng việc sửa đổi Luật PCTN là cần thiết, trong đó phải đổi mới căn bản quy định về kê khai tài sản, thu nhập theo hướng thà ít mà tốt, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để minh bạch hóa tài sản.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Văn Dũng, Trưởng nhóm chuyên gia rà soát pháp luật về PCTN kiến nghị không nên kê khai tài sản, thu nhập một cách tràn lan theo kiểu “trống giong cờ mở” mà nên có sự lựa chọn. Nên giao cho một cơ quan đầu mối từ Trung ương đến địa phương chuyên làm chức năng quản lý việc kê khai tài sản. Khi phát hiện kê khai không trung thực thì họ có quyền kiến nghị các cơ quan tư pháp xử lý. Phải làm mạnh như thế chúng ta mới mong đạt được yêu cầu phòng ngừa tham nhũng”- ông Dũng đề xuất.
Không chỉ là kiểm tra, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập, đại diện Ban Nội chính Trung ương còn đề nghị Luật PCTN sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ khái niệm tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc và phương thức xử lý đối với những tài sản này, bởi pháp luật hiện hành vẫn thiếu các biện pháp hữu hiệu nhằm truy nguyên nguồn gốc tài sản.
Hoan nghênh kết quả điều tra độc lập của nhóm nghiên cứu nhưng Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Báo cáo khảo sát chưa chỉ ra được những khiếm khuyết, bất cập đã nêu là do Luật hay tại quá trình thực thi pháp luật. Đồng thời, trên cơ sở ghi nhận những khuyến nghị báo cáo đưa ra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết sẽ xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN trong thời gian tới.