Thực hiện chiến lược dân số và phát triển (giai đoạn 2001-2010), công tác Dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta đã có bước chuyển biến tích cực, duy trì mức giảm sinh hàng năm, từng bước ổn định quy mô dân số góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau hơn 2 năm củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh, huyện đến cơ sở, hiện nay, toàn tỉnh có 229 cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ ở 100% các xã, phường, thị trấn và gần 3400 cộng tác viên dân số ở các thôn, xóm, đội sản xuất và tổ dân phố. Để hoàn thành được mục tiêu chương trình Dân số - KHHGĐ, hàng năm, ngoài sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, sự tham gia ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân thì vai trò của đội ngũ cán bộ Dân số - KHHGĐ ở cơ sở có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
|
Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Vụ Bản tra cứu tài liệu trên máy vi tính phục vụ tuyên truyền chăm sóc SKSS cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Ảnh: Xuân Thu
|
Đồng chí Bùi Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Liên Bảo (Vụ Bản), Trưởng ban Dân số - KHHGĐ xã cho biết: "Công tác Dân số - KHHGĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Điều cốt yếu là phải củng cố, kiện toàn và chăm lo xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên Dân số - KHHGĐ ở cơ sở đủ về số lượng, mạnh về chất lượng thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra”.
Thực tế, công việc của cán bộ chuyên trách dân số và đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức và tâm huyết. Hầu hết họ là cán bộ, hội viên phụ nữ, nông dân, là nhân viên y tế ở thôn, đội, chưa được đào tạo về công tác dân số nhưng với sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao, họ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn tỉnh thì hiện nay số lượng cán bộ, cộng tác viên làm công tác Dân số - KHHGĐ ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt là ở các xã, phường, địa bàn dân cư có số dân quá lớn hoặc diện tích quá rộng. Mặt khác, chế độ phụ cấp, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ ở xã và cộng tác viên Dân số - KHHGĐ ở thôn, xóm, tổ dân phố quá thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Tình trạng trên gây tâm lý thiếu an tâm, không phấn khởi công tác và hệ quả là trung bình mỗi năm có khoảng 20% cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ cấp xã xin thôi việc hoặc chuyển công tác khác, khoảng 30% cộng tác viên dân số ở cơ sở có biến động và làm việc đạt hiệu quả thấp... Thực trạng này đặt ra nhiệm vụ cấp bách là phải tập trung củng cố, kiện toàn về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ ở cơ sở. Muốn vậy, các cấp uỷ Đảng, chính quyền ở cơ sở cần tạo điều kiện chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ bảo đảm đủ về số lượng, từng bước có chuyên môn nghiệp vụ và nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Bên cạnh việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ chuyên trách dân số xã và cho cộng tác viên dân số ở các thôn, xóm, tổ dân phố, các cơ quan có trách nhiệm cần có cơ chế chính sách khuyến khích về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này một cách hợp lý để họ yên tâm công tác và đóng góp nhiều hơn cho phong trào. Một giải pháp quan trọng khác là cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác Dân số - KHHGĐ ở cơ sở. Trước hết là bồi dưỡng cho những người chưa qua đào tạo về kỹ năng truyền thông những kiến thức cơ bản về công tác Dân số - KHHGĐ. Cần có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời đối với đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ ở cơ sở đã có nhiều công lao, đóng góp với phong trào...
Thực hiện tốt việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển biến mới để Chương trình Dân số và phát triển góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Phạm Quốc Tuấn