Nâng cao hiệu quả các sân chơi cho trẻ em

Hiện nay, tuy nhiều sân chơi cho trẻ em trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, nhưng hiệu quả đem lại chưa được cao. Thực tế các sân chơi không thu hút được trẻ em đến vui chơi và dần bị đổ nát, hoang phế, rất lãng phí...

Hiện nay, tuy nhiều sân chơi cho trẻ em trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, nhưng hiệu quả đem lại chưa được cao. Thực tế các sân chơi không thu hút được trẻ em đến vui chơi và dần bị đổ nát, hoang phế, rất lãng phí...

Các sân chơi đang bị hoang phế, đổ nát...

Trang thiết bị ở sân chơi được một đoàn lưu diễn dùng làm nơi treo áo quần.

Theo thống kê, bắt đầu từ năm 2000, hơn 40 sân chơi cho trẻ em ở các phường, xã trên địa bàn thành phố được đồng loạt đầu tư xây dựng, nhằm tạo một sân chơi lành mạnh cho trẻ em. Thế nhưng hiện nay, hầu hết các sân chơi đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, bị hoang phế, đổ nát, thậm chí có nơi bị xóa sổ hoàn toàn, trang thiết bị nghèo nàn, bị rỉ sắt… hàng chục ngàn mét vuông đất đang bị bỏ hoang, rất lãng phí.

Chẳng hạn như khu vui chơi ở phường Hòa Phát, được đầu tư từ năm 2001, diện tích 2500m2, giá trị đầu tư trên 200 triệu đồng, hiện đã hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại nền xi-măng. Sân chơi ở phường Hòa Thọ Tây, được xây dựng năm 2002, diện tích 3000m2, giá trị đầu tư 250 triệu, xây dựng xong nhưng không thu hút một trẻ em nào đến vui chơi. Riêng khu vui chơi Hòa Xuân được sử dụng hiệu quả hơn vì gần khu dân cư, hằng năm phường cũng tự bỏ kinh phí ra thuê bảo vệ, đồng thời duy tu, sửa chữa. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây cũng rơi vào tình trạng hoang phế, đổ nát, và được giải thích vì nguồn kinh phí hạn hẹp, khu vui chơi lại nằm trong diện sắp bị giải tỏa… 

Từ khi hình thành đến nay, các khu vui chơi này đã không thực sự thu hút được trẻ em tới vui chơi, bởi xa khu dân cư, lại gần nghĩa địa,... Còn theo một số cán bộ văn hóa cho rằng, nguyên nhân là hầu như các sân chơi đều được xây dựng và trang bị theo một mô-típ đơn điệu, với các trang thiết bị nghèo nàn, không đáp ứng nhu cầu của trẻ em như xây vài cái cầu trượt bằng xi-măng cốt thép,  vài cái đu quay, cái bập bênh bằng sắt, cái ghế đá..., không cây xanh, không bóng mát, không được bảo dưỡng, không điện nước, không nhà vệ sinh, không duy tu, cứ phó mặc dưới trời nắng, mưa… nên sau một thời gian ngắn mọi trang thiết bị đều xuống cấp, hư hỏng. Nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa không có, nguồn kinh phí để bảo vệ lại càng không. Do đó, các khu vui chơi cứ bị bỏ mặc, dần rơi vào quên lãng.

Trong khi nhiều điểm vui chơi công cộng được Nhà nước đầu tư nhưng không thu hút được nhiều người đến vui chơi, thì những công trình vui chơi do nhiều tổ chức và cá nhân tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng đã thu hút không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng đến vui chơi. Một sân chơi tích hợp đạt tiêu chuẩn quốc tế như tại Công viên 29-3 do tạp chí Unilever và nhãn hàng Omo tài trợ lúc nào cũng thu hút rất đông trẻ em đến vui chơi, với những trang thiết bị được đầu tư hiện đại, nhiều trò chơi hấp dẫn như đi tàu điện, đu quay... được đặt dưới những thảm cỏ nên khi chơi nếu bị ngã, trẻ ít bị trầy xước, đảm bảo an toàn. Hơn nữa, trong không gian vui chơi đó, các bậc phụ huynh cũng có thể chơi cùng các em... Một sân chơi đạt chuẩn, vừa kích thích sự tò mò, sáng tạo và ưa vận động của trẻ là điều mà nhiều bậc phụ huynh mong muốn hiện nay.

Cần nâng cao hiệu quả

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Cẩm Lệ cho hay: Hiện quận có 6 khu vui chơi, nhưng hiện đã xuống cấp. Với kinh phí đầu tư cho mỗi phường là trên 250 triệu.

Theo ông Dũng, để các khu vui chơi mang lại hiệu quả thiết  thực, thì điều quan trọng hơn là có người quản lý. Phải quy trách nhiệm, xây dựng quy chế cụ thể ở từng phường, xã. Đồng thời, khi xây dựng cần gần khu dân cư…

Còn ông Mai Công Nghị, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hải Châu thì cho rằng, “Cần đầu tư cho các sân chơi như đầu tư mở rộng diện tích, tạo không gian vui chơi thoáng mát, phải có không gian cây xanh. Ngoài đầu tư về cơ ngơi, cần quan tâm phát triển các hoạt động để chơi, phục vụ được nhiều tầng lớp nhân dân. Điều cần thiết hiện nay là khi mở các khu dân cư cần phải kết hợp việc mở các khu vui chơi...”.

Thiết nghĩ,  qua thực tế trên,  thành phố cần đầu tư hơn nữa để các khu vui chơi thực sự là điểm đến yêu thích cho nhiều trẻ em và cho cả người dân đến vui chơi, giải trí.

Bài và ảnh: K.OANH

Đọc thêm