Nâng cao kỹ năng sống cho học sinh

Ngày còn bé, tôi được mẹ kể nhiều lần câu chuyện ngụ ngôn về một ông bố gửi con ở nhà bạn. Vì thương cháu, lại nể bạn, người bạn kia không ép cậu bé phải làm việc gì. Cuối năm, ông thưởng cho cậu bé một đồng tiền vàng mang về nhà. Người cha cầm đồng tiền vàng, chẳng nói chẳng rằng, ném luôn xuống ao, nhưng cậu con trai không tỏ vẻ gì, ông rất buồn.

Ngày còn bé, tôi được mẹ kể nhiều lần câu chuyện ngụ ngôn về một ông bố gửi con ở nhà bạn. Vì thương cháu, lại nể bạn, người bạn kia không ép cậu bé phải làm việc gì. Cuối năm, ông thưởng cho cậu bé một đồng tiền vàng mang về nhà. Người cha cầm đồng tiền vàng, chẳng nói chẳng rằng, ném luôn xuống ao, nhưng cậu con trai không tỏ vẻ gì, ông rất buồn. Năm sau, ông vẫn gửi con tới nhà bạn. Cuối năm ấy, người bạn lại thưởng cho cậu đồng tiền vàng. Nhưng lần này, khi thấy bố vừa định cầm đồng tiền vàng vứt đi, người con đã vội vàng ngăn lại. Người bố mỉm cười hài lòng, vì ông biết, suốt năm qua, con trai ông đã làm việc vất vả, nên đã thấm thía công sức lao động của mình.

 

Câu chuyện ngụ ngôn ấy, tôi và biết bao bạn bè cùng lứa được nghe, được đọc đều cảm nhận được lao động có giá trị thật lớn lao trong việc rèn luyện ý thức của mỗi con người. Nó làm cho con người ta biết yêu lao động, yêu cuộc sống, biết trân trọng những gì đã có và biết sống có trách nhiệm hơn với chính mình, với gia đình và xã hội. Ở thời kỳ mà cuộc sống còn nhiều khó khăn đó, chúng tôi đều luôn có ý thức giúp đỡ ông bà, bố mẹ trong công việc gia đình, tùy theo sức lao động của mình. Khi đến trường, việc dọn dẹp vệ sinh ở lớp được coi là nhiệm vụ của mỗi học sinh và được phân công rõ ràng. Mỗi tổ trực nhật một tuần, và ai trực nhật cũng đều có ý thức đi từ rất sớm, mang theo chổi quét lớp, quét sân, giẻ lau bàn ghế… Hết mỗi giờ học, người trực nhật có trách nhiệm lau bảng, giặt giẻ cho sạch sẽ chuẩn bị cho giờ học sau. Việc giữ gìn sạch sẽ lớp học trở thành phong trào thi đua giữa các khối, lớp và là một yếu tố quan trọng để thầy cô đánh giá quá trình rèn luyện của mỗi học sinh.

Bây giờ, khi nền kinh tế đã phát triển, học sinh từ  nông thôn đến thành thị hầu như đều không phải làm vệ sinh trường lớp, không phải "thấp thỏm" nhờ mẹ gọi dậy sớm mỗi khi tới phiên mình trực nhật như chúng tôi ngày ấy. Bởi, ở các trường đã có lao công làm nhiệm vụ đó thay các em. Thế nhưng, trong mỗi buổi ra chơi, rất dễ bắt gặp chuyện học sinh ăn kẹo cao su rồi nhả ngay xuống sân, ăn bánh kẹo vứt rác bừa bãi… Học sinh thành phố, và nhiều em ở nông thôn, ở nhà, ít tham gia vào việc gia đình giúp bố mẹ. Có em học đến lớp 6, lớp 7 mà không biết cầm chổi quét nhà, cũng ít khi tự dọp dẹp nhà cửa, bàn học… Dường như các em chỉ biết có học, ít quan tâm đến công việc và người thân. Những lúc rảnh rỗi, các em thích chơi trò chơi điện tử, xem truyền hình, đọc truyện tranh (phần lớn là truyện tranh nước ngoài đang được bán tràn lan ngoài thị trường) mà ít đọc những truyện ngụ ngôn và cổ tích, thần thoại những tác phẩm văn học mang tính nhân văn. Khả năng ứng xử thân thiện trong mọi tình huống, giải quyết hợp lý các mâu thuẫn trong cuộc sống... của các em còn rất hạn chế.

Rèn luyện cho các em có ý thức, biết yêu lao động và quý trọng thành quả lao động là rất cần thiết. Khi ở nhà, cha mẹ cần giáo dục các em, bắt đầu từ những việc nhỏ như dọn bàn học, quét nhà, rửa ấm chén… Nhiều việc ấy cộng lại, lâu dần thành thói quen, tạo thành nếp tốt cho các em. Khi đến trường, thầy cô cần dạy cho các em ý thức bảo vệ, giữ gìn tài sản của trường, của lớp. Các em cần biết tự giác tắt điện, đóng cửa sau mỗi giờ tan học, không viết bậy, trèo lên bàn ghế, xả rác tự do ra sân trường. Hiện nay, ngành giáo dục đang phát động mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Các trường học cần đẩy mạnh việc sử dụng giáo án điện tử, các đạo cụ trực quan sinh động để qua đó các em được tiếp cận với thế giới sinh động xung quanh thông qua các bài học, tăng cường các trò chơi vận động ngoài trời, giúp các em tìm ra khái niệm bài học dựa trên cảm nhận các bài hát, các câu chuyện cười, các bài học đạo đức, các tác phẩm văn học nghệ thuật… để các em suy ngẫm rút ra ý nghĩa bài học. Các em sẽ được học các giá trị cơ bản nhằm hình thành cho các em cách tư duy linh hoạt, phong thái tự tin khi hòa nhập với cộng đồng, đồng thời giúp các em sống nhân văn, biết yêu thương và có trách nhiệm hơn với những người xung quanh và chính bản thân mình. Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần tùy theo hoàn cảnh thực tế để triển khai có hiệu quả, như học sinh thành phố cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội, trò chơi điện tử bạo lực hay tệ nạn ma túy, cờ bạc, khả năng ứng xử thân thiện, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng hoạt động xã hội… Còn học sinh nông thôn, tình trạng ngại ngùng, thiếu hiểu biết, ngại nói lên ý kiến của mình là "rào cản" để các em phát huy khả năng trong cuộc sống…

Khi được trang bị các kỹ năng sống cần thiết, biết quý trọng thành quả lao động, cùng ý thức vươn lên trong học tập, chắc chắn các em sẽ trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Đọc thêm