Nâng cao vai trò Bộ Tư Pháp trong thúc đẩy bình đẳng giới

 Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) Bộ Tư pháp vừa đề xuất Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) hợp tác và hỗ trợ “Nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam”.

Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) Bộ Tư pháp vừa đề xuất Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) hợp tác và hỗ trợ “Nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam”.

8 nhóm nội dung hoạt động

Bản đề xuất xác định các nội dung hoạt động bình đẳng giới của Ngành Tư pháp trên cơ sở các quy định của Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong ngành Tư pháp và phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Theo đó, có 8 nhóm nội dung hoạt động được đề xuất, gồm: Nghiên cứu vai trò, nhiệm vụ, cơ chế và điều kiện bảo đảm để Ban VSTBPN Ngành Tư pháp tham gia LGBĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;  Nghiên cứu, xây dựng và triển khai Bộ công cụ đánh giá việc LGBĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (để thực hiện Khoản 3 Điều 21 Luật bình đẳng giới); Xây dựng tài liệu tập huấn về phân tích giới và lồng ghép giới trong hoạt động tư pháp, quyền tài sản đối với đất đai của phụ nữ và lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức các lớp tập huấn về phân tích giới và lồng ghép giới; Đánh giá việc thực hiện Luật bình đẳng giới trong một số lĩnh vực; Hỗ trợ Bộ Tư pháp thực hiện LGBĐG trong quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự và thẩm định LGBĐG trong dự thảo Bộ luật Lao động; Pháp điển hoá các quy định pháp luật về bình đẳng giới và Thúc đẩy bình đẳng giới trong Ngành Tư pháp.

Nữ cán bộ Tư pháp ngày càng khẳng định vị thế

Được thành lập từ năm 1996, trong thời gian vừa qua, Ban VSTBPN Ngành Tư pháp đã đóng vai trò là đầu mối của Bộ, Ngành trong việc triển khai các nội dung hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngành Tư pháp.

Thực hiện Kế hoạch hành động VSTBPN Việt Nam giai đoạn 2006-2010, Kế hoạch hành động VSTBPN Ngành Tư pháp giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010, trong thời gian vừa qua, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu VSTBPN của phụ nữ trong Ngành Tư pháp.

Cùng với đó, thông qua các hoạt động chuyên môn của Ngành như xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý,… ngành Tư pháp cũng đã có những đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu vì VSTBPN của Việt Nam nói chung.

Ông Trần Văn Quảng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngành Tư pháp - cho biết: Đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong Ngành Tư pháp ngày càng được tăng cường về số lượng và nâng cao về  chất lượng. Tỷ lệ công chức nữ của Bộ đến tháng 8/2010 là 56%, cơ quan tư pháp địa phương (bao gồm Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã) là 41%, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là 40%. Trình độ của đội ngũ cán bộ này cũng ngày càng được nâng cao. Trong tổng số cán bộ, công chức của Bộ có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ thì tỷ lệ nữ chiếm tới 46%.

Thời gian qua, tỷ lệ công chức nữ ngành Tư pháp tham gia các vị trí lãnh đạo cũng đã tăng lên rõ rệt. Lãnh đạo Bộ có 1 Thứ trưởng là nữ. Tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo cấp Vụ của Bộ là 29%, cấp Phòng của đơn vị thuộc Bộ là 53%, cấp Sở là 18% và cấp Phòng thuộc Sở là 32%. Năm 2010, tỷ lệ công chức lãnh đạo là nữ của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cũng đã tăng lên 10%, bằng hai lần so với năm 2006.

“Có thể nói, công tác cán bộ nữ và việc lồng ghép các mục tiêu VSTBPN vào các hoạt động chuyên môn của Ngành trong thời gian qua cơ bản đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị Ngành và thực hiện các mục tiêu VSTBPN Việt Nam”, ông Trần Văn Quảng khẳng định.

Hồng Thúy

Đọc thêm