Nâng hiệu quả vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Cơ chế chưa tương xứng với thực tế

Những chế độ đãi ngộ với NĐD hiện đang tồn tại không ít bất cập và điều này được nhiều NĐD phản ánh tại cuộc gặp gỡ mới đây giữa lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với những NĐD đến từ các doanh nghiệp thuộc đối tượng SCIC có nắm giữ vốn

Vài năm gần đây, vai trò của người đại diện (NĐD) vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trở nên rõ nét hơn. Mỗi đổi thay tại doanh nghiệp đều có dấu ấn của NĐD bởi những trọng trách quan trọng họ nắm giữ. Mặc dù vậy những cơ chế như chế độ đãi ngộ, sự chuyên biệt trong công việc vẫn chưa tương xứng với thực tế đóng góp của đối tượng này và phần nào đang trở thành rào cản cho việc nâng cao hiệu quả mỗi đồng vốn của Nhà nước tại những doanh nghiệp trên.
Những chế độ đãi ngộ với NĐD hiện đang tồn tại không ít bất cập và điều này được nhiều NĐD phản ánh tại cuộc gặp gỡ mới đây giữa lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với những NĐD đến từ các doanh nghiệp thuộc đối tượng SCIC có nắm giữ vốn. Hiện SCIC đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 540 doanh nghiệp, thông qua 533 người đại diện chuyên trách và kiêm nhiệm.

Từ khi cổ phần hóa, Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong mở rộng thị trường, quy mô sản xuất với nhiều mặt hàng chất lượng cao; năng lực sản xuất đạt 28.000 – 35.000 tấn sản phẩm/năm, tạo được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Duy Lân

Từ khi cổ phần hóa, Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong mở rộng thị trường, quy mô sản xuất với nhiều mặt hàng chất lượng cao; năng lực sản xuất đạt 28.000 – 35.000 tấn sản phẩm/năm, tạo được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.                                                                                                 Ảnh: Duy Lân

Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), với những người chuyên trách, SCIC cần có một cơ chế cụ thể, gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà họ đại diện. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), cho rằng, cách tốt nhất mà SCIC cần tính đến là lựa chọn chính đối tượng đã và đang làm việc tại doanh nghiệp; hơn hết họ là người gắn bó và hiểu doanh nghiệp để gắn trách nhiệm cũng như hiệu quả vai trò người đại diện.

Câu chuyện của bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc dược Hậu Giang và cũng là NĐD hơn 44% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này đưa ra tại hội nghị NĐD vốn Nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước cũng nhận được sự đồng tình của nhiều người đang nắm giữ trọng trách trong việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Dược Hậu Giang là đơn vị làm ăn hiệu quả với doanh thu năm 2009 hơn 1.770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 357 tỷ đồng, nhưng do tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước lớn nên các chế độ về lương, thưởng phải theo quy định. Bà Nga chia sẻ: “Nếu như ở những địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh, lương của tôi 40 triệu đồng/tháng là thấp so với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhưng ở một địa phương như Hậu Giang thì mức này cũng khá cao. Có những thời điểm, chúng tôi phải tiếp đến 6 đoàn thanh tra và câu hỏi mà các đoàn đều đặt ra với tôi là tại sao lương của tôi lại cao như vậy. Thậm chí, có người còn so sánh mức lương của tôi với cả mức 2 triệu đồng/tháng của công nhân vệ sinh, trong khi, dù đã làm đồng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sinh sôi, nhưng thực tế tôi còn không có cả mức thưởng từ việc đó do chưa có quy định”. Cũng theo bà Nga, áp lực để duy trì và phát triển doanh nghiệp cũng như vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp bà chịu không ít. “Với quy định hiện nay làm sao chúng tôi có thể thuê một giám đốc marketing giỏi chỉ 10 triệu đồng/tháng trong khi họ được những nơi khác mời gọi với mức 50 triệu đồng/tháng. Tôi cho rằng, Nhà nước cần có quy định về lương, thưởng cho NĐD một cách hợp lý trên cơ sở hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và họ phải được thưởng theo công sức mà họ đã bỏ ra”, bà Nga giãi bày.

Theo ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC, trên thực tế, các cán bộ của SCIC tham gia HĐQT hoặc ban kiểm soát những doanh nghiệp có vốn góp của SCIC với tư cách thành viên kiêm nhiệm cũng không được hưởng bất kỳ quyền lợi vật chất nào một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ doanh nghiệp. “Khoản thù lao HĐQT hoặc BKS do doanh nghiệp trả cho NĐD được nộp về SCIC nhưng cũng chưa bao giờ được trích để trả cho NĐD do chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này”, ông Lai khẳng định.

Một dẫn chứng cụ thể về vấn đề này là việc  tại Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Đăng Học (Phó tổng giám đốc SCIC) được cử làm hai NĐD vốn Nhà nước với tỷ lệ nắm giữ  23,8%/người. Áp lực làm NĐD của bà Mai Kiều Liên chính là việc lo kiểm soát, bảo toàn vốn Nhà nước. Năm 2009, trong lợi nhuận 1.600 tỷ đồng của SCIC, riêng thu về từ Vinamilk đạt 1.300 tỷ đồng. Vinamilk hiện có vốn  3400 tỷ đồng tăng lên gấp đôi từ phần thặng dư. Toàn bộ thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát gồm 8 người được các cổ đông thông qua từ nhiều năm qua hiện ở mức 160.000 USD/năm. Còn phần riêng cho NĐD là không có.

Ông Đặng Quốc Dũng, thành viên HĐQT Công ty Nhựa Tiền Phong (SCIC hiện nắm 37,4% trên tổng vốn 219 tỷ đồng) cho rằng, muốn đưa công ty phát triển, nhất thiết NĐD phải là người có trình độ, năng lực cao và nên có một mức thù lao tương xứng cho họ trong khi SCIC chỉ duy nhất có hình thức khen thưởng tuyên dương.

Theo SCIC, năm 2009, trong điều kiện kinh tế trong nước và thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khoảng 90% số doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của SCIC vẫn kinh doanh có lãi, bảo đảm đời sống và việc làm cho người lao động, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tính đến nay, vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp mà SCIC đang quản lý có giá trị thị trường 30.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với trước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, việc đổi mới quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong khoảng 20 năm qua đây. Sự ra đời của SCIC là một giải pháp hoàn thiện chủ trương đó và SCIC đã có những đóng góp hiệu quả cho công tác này. Dù có những NĐD hiện chưa xử lý hài hòa quan hệ giữa Nhà nước, cổ đông và người lao động, nhưng cơ bản đã thực hiện tốt. Ông Ninh cũng thừa nhận, từ câu chuyện của Dược Hậu Giang cho thấy, cần phải có chính sách tiền lương, thưởng minh bạch, rõ ràng hơn, có khung tối thiểu, tối đa để trả trên cơ sở hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nên có cơ chế thưởng khi doanh nghiệp vượt kế hoạch. Điều đó sẽ tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và mang lại hiệu quả cho đồng vốn Nhà nước.

Quang Minh

Đọc thêm