“Đô thị Thông minh” thường được định nghĩa trên 6 phương diện chủ đạo là: năng lực kinh tế, ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ công, nguồn tài nguyên về con người, môi trường sống thân thiện, chất lượng cuộc sống người dân và cuối cùng là chính quyền điện tử. Thông tin này được chia sẻ tại Diễn đàn CEO toàn cầu diễn ra hôm nay.
Các tiêu chí này được xây dựng tương ứng theo khả năng cạnh tranh của khu vực, giao thông và CNTT, tài nguyên về cơ sở vật chất, thiên nhiên, con người và vốn xã hội, chất lượng sống và sự tham gia của công dân trong công tác quản trị của các thành phố.
Tuy nhiên, làm sao có thể tiết kiệm chi phí và phát triển hiệu quả hơn khi thành phố mở rộng, triển khai được các dịch vụ công dân và doanh nghiệp đồng nhất cho toàn bộ các cơ quan quản lý trong thành phố, quản trị và điều tiết nguồn nhân lực, đưa được các thông tin rõ ràng hơn khi ra quyết định và ngân sách, cũng như tạo được tầm nhìn xuyên suốt trong quá trình phát triển tiếp theo là vấn đề được các chuyên gia "mổ xẻ" trong khuôn khổ thảo luận về “Đô thị thông minh”.
Theo ông Vũ Minh Trí, TGĐ Microsoft Việt Nam, với bộ giải pháp hoàn chỉnh của Microsoft, các thành phố có thể áp dụng đồng thời hoặc chia theo giai đoạn triển khai để đáp ứng từng bước phát triển, đưa dịch vụ tới công dân và liên kết kêu gọi sự tham gia của công dân tới dịch vụ chính quyền nhiều hơn. Chúng ta thường có 3 khu vực giải pháp như sau: GSD (khu vực kết nối và cung cấp dịch vụ công – Gov service delivery and engagement), GWM (độ hiện đại không gian làm việc công – Gov Workplace Modernization) và GIA (Tầm nhìn và độ tin cậy hành chính – Gov Insight and Accountablity).
"Những giải pháp “Kết nối cho một đô thị thông minh” của Microsoft được xây dựng trên cơ sở hạ tầng CNTT nhằm đem lại khả năng dễ phát triển để mở rộng hoặc thu gọn theo nhu cầu và tình hình thực tế của khu vực mà vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật và riêng tư, dễ tương thích, dễ truy cập ... ", ông Trí nhấn mạnh.
P.Nam