NATO và sứ mệnh tại Afghanistan

Lộ trình kết thúc sứ mệnh tại Afghanistan là một trong 2 nội dung chính được đặt trên bàn nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lisbon (Bồ Đào Nha) vào cuối tuần qua.

Lộ trình kết thúc sứ mệnh tại Afghanistan là một trong 2 nội dung chính được đặt trên bàn nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lisbon (Bồ Đào Nha) vào cuối tuần qua.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai tại hội nghị ở Lisbon.Ảnh: Reuters
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen gọi thỏa thuận chuyển giao an ninh cho Kabul đánh dấu sự khởi đầu giai đoạn mới trong sứ mệnh của liên minh quân sự. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả 150.000 binh sĩ nước ngoài ở Afghanistan sẽ trở về nước từ năm 2011 đến cuối năm 2014 và biến Kabul trở thành “miếng mồi ngon” cho Taliban. Theo thỏa thuận, NATO đồng ý ngừng các hoạt động chiến đấu và chuyển giao quyền kiểm soát cho Afghanistan vào thời gian này nếu điều kiện an ninh bảo đảm, đồng thời sẽ duy trì một số binh sĩ nước ngoài để tham gia vai trò huấn luyện và hỗ trợ cho Kabul.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai hy vọng nước ông sẽ đóng góp vào an ninh và kinh tế của thế giới hơn là một gánh nặng. Tuy nhiên, một số quan chức NATO lo ngại bạo lực đang gia tăng có thể gây khó khăn cho tiến trình hoàn tất sứ mệnh vốn do Tổng thống Hamid Karzai đề xuất. Các nhà phân tích an ninh cũng cho rằng, đánh giá về sự an toàn của Afghanistan trong lúc này là quá sớm và lạc quan. Còn Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh đây là lần đầu tiên ông muốn rút binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Afghanistan về nước vào cuối năm 2014.

Ông Obama trở thành một trong những nhân vật trung tâm của hội nghị với sự hiện diện của các lãnh đạo của 48 nước, bao gồm 28 thành viên NATO và 20 nước có quân đội thuộc Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF). Bởi lẽ, khi nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng thống Obama đã cam kết chấm dứt cuộc chiến tranh Iraq, để dồn lực lượng, nguồn lực và sự tập trung vào Afghanistan - cuộc xung đột mà ông nói rằng Mỹ không thể thất bại. Nhưng cuộc chiến Iraq cũng như Afghanistan đều gây ra quá nhiều tranh cãi, làm tiêu tốn ngân sách khổng lồ mà rốt cuộc hòa bình, an ninh cho 2 quốc gia thời hậu chiến này vẫn mong manh. Trước một hội nghị lớn của NATO, bản thân nhà lãnh đạo Mỹ giờ đây phải thể hiện cam kết duy trì hợp tác xuyên Đại Tây Dương, cho dù uy tín của ông bị giảm sút đáng kể sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.

Một số nhà chức trách ở Washington tỏ ra hoài nghi về mục tiêu trên và nói rằng, chỉ sau khi hoàn tất tiến trình xem xét về cuộc chiến Afghanistan trong một vài tuần tới, ông Obama mới quyết định kết thúc sứ mệnh chiến đấu của các binh sĩ Mỹ. Trong khi đó, Chính phủ Kabul bị đánh giá là tham nhũng, bất ổn và lạc lõng để tồn tại lâu dài nếu không có sự hỗ trợ của quốc tế.

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, các hoạt động chống khủng bố nhằm vào Al-Qaeda có thể vẫn tiếp tục sau năm 2014. Khoảng 90.000 trong số 130.000 binh sĩ thuộc ISAF là người Mỹ. Ngoài ra, còn có hơn 20.000 binh sĩ Mỹ khác đồn trú tại Afghanistan.

Lãnh đạo nhiều quốc gia khác cũng đang đối mặt với áp lực của cử tri trong nước yêu cầu rút dần binh sĩ về nước khi các trường hợp thương vong không ngừng gia tăng. Canada dự kiến kết thúc vai trò tham chiến vào năm 2011. Cái giá phải trả kể từ cuộc chiến tranh vào năm 2001 đến nay là hơn 2.200 binh sĩ nước ngoài đã bỏ mạng. Riêng trong năm nay, số lính phương Tây thiệt mạng hoặc bị thương đạt mức kỷ lục. Những vụ đánh bom mới nhất do Taliban thực hiện vào ngày 20-11 vừa qua đã làm 3 người chết và 31 người bị thương.

VĨNH AN

Đọc thêm