Nét riêng của áo dài xứ Huế

(PLVN) - Suốt dọc dài dải đất hình chữ S của đất nước Việt Nam, áo dài miền nào cũng có, thế nhưng riêng với xứ Huế, tà áo dài, nón lá đã là một phần của bản sắc văn hóa và vẻ đẹp riêng có của con người nơi đây.
Áo dài và nón lá Huế tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam

Áo dài từ lâu đã đi vào tiềm thức và dần trở thành trang phục truyền thống của mỗi người dân Việt. Nhưng do đặc trưng văn hóa mà áo dài của mỗi vùng miền có điểm khác nhau. Áo dài Huế hình thành từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Huế, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất cố đô.

Áo dài Huế không dài chấm gót cũng không xẻ tà quá cao, cổ áo cao vừa phải, đường eo cũng được chiết ôm lấy những đường cong thanh mảnh, tinh tế của người phụ nữ nhưng lại không quá bó sát.

Giờ đây, trong đời sống của người dân Huế, áo dài là trang phục không thể thiếu của các mệ, các mẹ và chị em trong mỗi ngày vui, dịp lễ, tết hay chốn công sở.

Lễ hội áo dài tại các kỳ Festival Huế

Là giáo viên tiểu học, thường xuyên mang áo dài khi đứng lớp, nhưng có những dịp quan trọng, hay đi chụp hình cùng bạn bè, chị Nguyễn Ngọc Hà (giáo viên một trường THCS tại thành phố Huế) vẫn lựa chọn áo dài.

“Tôi có một niềm yêu thích rất riêng đối với áo dài Huế. Tất cả áo dài trong tủ quần áo của mình đều là tôi đi may. Bởi những chiếc áo dài do thợ Huế may có những nét độc đáo, tôn lên được vóc dáng của người mang. Chẳng có quy định nào cụ thể, nhưng có lẽ trong tiềm thức của mỗi người phụ nữ Huế thì áo dài chính là biểu tượng, là tôn vinh, tạo nên nét đẹp cho những dịp đặc biệt”, chị Ngọc Hà chia sẻ.

Đi khắp nẻo đường xứ Huế, chúng ta thường xuyên gặp hình ảnh các mệ, các cô, các chị thướt tha, duyên dáng trong tà áo dài. Áo dài không chỉ tôn lên nét kín đáo, thùy mị, làm toát lên thần thái của người phụ nữ Huế, mà còn rất hợp với khung cảnh cổ kính, yên bình, nhẹ nhàng, lãng mạn của xứ kinh kỳ.

Trong các kỳ festival Huế, không thể không nhắc đến lễ hội áo dài - một trong những chương trình chính thức, mang đậm chất văn hóa Huế

Chính vì lẽ đó, áo dài Huế được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng riêng của miền núi Ngự, sông Hương. Trong các kỳ festival Huế, không thể không nhắc đến lễ hội áo dài - một trong những chương trình chính thức, mang đậm chất văn hóa Huế, đã góp phần làm phong phú và đa dạng chương trình lễ hội cũng như sự thành công của sự kiện.

Có thể nói áo dài Huế là sự kết tinh trí tuệ và sự sáng tạo của con người qua nhiều thế hệ. Áo dài Huế không chỉ là hình ảnh, là bản sắc văn hóa Huế mà còn là một sản phẩm du lịch dịch vụ đặc trưng, là yếu tố góp phần quan trọng để Huế trở nên giàu có, sang trọng bằng chính sở trường, thế mạnh của mình.

Mới đây, Sở VHTT Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức May và Mặc áo dài Huế". Đây là thành quả thực hiện đề án "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam".

Trước đó, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát động và đẩy mạnh việc gìn giữ và phục hưng áo dài truyền thống không chỉ trong cộng đồng nhân dân mà còn cả ở khối cơ quan nhà nước. Ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định phê duyệt đề án "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam", tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế.

Cùng với việc triển khai đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, tỉnh cũng đã tập trung khảo sát, nghiên cứu xây dựng hồ sơ về nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã có Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh di sản này với tên gọi “Tri thức May và Mặc áo dài Huế”.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết, đây là di sản chung của cộng đồng, do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị. Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Thiết kế, may đo áo dài vừa là một ngành nghề thủ công lại vừa là một ngành thiết kế sáng tạo đặc biệt, tạo nên những sản phẩm ấn tượng và có tính phổ biến rất cao. Đó là chưa kể rất nhiều các loại phụ kiện, trang sức kèm theo chiếc áo dài.

Ngoài ra, công nghiệp văn hóa áo dài còn tạo điều kiện phát triển các ngành khác như sản xuất hàng lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật… Đây chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị của áo dài trong cuộc sống đương đại. Đồng thời, sẽ đề xuất lãnh đạo tỉnh và Bộ VHTT&DL cho phép tiến hành việc xây dựng bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đọc thêm