Nếu tự chủ, các trường tuyển sinh thế nào?

Sẽ thi qua mạng, kết hợp phỏng vấn, thi nhiều đợt trong năm, theo những chuẩn của nước ngoài như GMAT, SAT, GRE...để giảm tải, hướng nghiệp tốt cho học sinh, tiết kiệm cho xã hội – đại diện các trường nói về cách tuyển sinh mới, nếu Bộ GD&ĐT cho phép.
Sẽ thi qua mạng, kết hợp phỏng vấn, thi nhiều đợt trong năm, theo những chuẩn của nước ngoài như GMAT, SAT, GRE...để giảm tải, hướng nghiệp tốt cho học sinh, tiết kiệm cho xã hội – đại diện các trường nói về cách tuyển sinh mới, nếu Bộ GD&ĐT cho phép.

Thí sinh thi Toán và Tư duy logic tại ĐH FPT. (Ảnh: Hoài Anh)

Thi chung đã lỗi thời?

Kỹ sư cầu đường Nguyễn Thanh Sang, đang làm cho một Cty xây dựng ở Hà Nội, là người từng "cầy" rất nhiều Toán, Lý, Hóa để thi đỗ đại học (ĐH). “Nhưng bây giờ làm việc, chẳng bao giờ đụng đến những kiến thức thi về Hóa. Nếu ngày xưa chỉ thi Toán và Lý, thì mình có thêm thời gian học ngoại ngữ, là thứ dùng nhiều sau này” – anh Sang khẳng định.

Còn Nguyễn Phương Nhung, nhân viên Cty thu cước của Viettel, tốt nghiệp ĐH Thương mại, cho rằng, khi học ĐH và sau này đi làm, chị chẳng bao giờ dùng đến Lý hay Hóa, mà cần nhiều kiến thức về xã hội hơn.

Nhưng cái lãng phí nhất, khi thi chung đề, theo Phó Hiệu trưởng ĐH FPT, ông Nguyễn Xuân Phong, là chúng ta không chọn được người phù hợp nhất với nghề.

“Nếu lỡ theo ngành không hợp thì giá phải trả để đổi ngành quá lớn, vì đề thi hiện nay, phải ôn lại nhiều tháng, thậm chí cả năm mới đỗ. Nhưng nếu cứ nhắm mắt đi tiếp, rất dễ sau này phải làm trái ngành, gây lãng phí cho người học và cả xã hội. Nên nếu phải chi phí cho một vài kỳ thi, nhưng chọn được đúng ngành nghề mình yêu thích và phù hợp năng lực, vẫn là phương án tiết kiệm nhất cho xã hội, xét về lâu dài” – ông Phong phân tích.

Còn đại diện ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc thi như hiện nay khiến thí sinh không được chọn lựa nhiều trường thi: “Làm sao mà phụ huynh và thí sinh biết năm nay, trường này có bao nhiêu người thi, điểm lấy bao nhiêu để lượng sức mình? Nếu thi riêng, họ có nhiều cơ hội hơn”.

Đổi mới thế nào?

Nhận thấy hạn chế của kỳ thi chung, nhiều năm nay, kỳ thi riêng của ĐH FPT chỉ gồm Toán và Tư duy logic cùng bài luận. Trong phần thi Toán và Tư duy logic, không có những kiến thức cao siêu như tích phân, không đòi hỏi phải biết mẹo giải Toán... nhưng phải thật sự nhanh trí mới đủ điểm đỗ.

“Chỉ cần thí sinh dành một đến hai tuần để làm quen với dạng đề thi là hoàn toàn có thể đạt kết quả cao, nếu có tư chất phù hợp. Thậm chí, cả cấp hai cũng có thể làm được, chứ không nhất thiết phải học đến lớp 12. Ngay con gái tôi mới học lớp bốn, cũng giải được vài bài” – ông Phong nhận xét.

Còn ĐH Quốc gia Hà Nội đang hoàn thiện phương án thi riêng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo trường này, nếu được Bộ GD&ĐT phê duyệt, trong tương lai, sẽ thi qua mạng, một năm hai lần, theo các chuẩn của nước ngoài như GMAT, SAT, GRE... Sau đó, nếu đủ điểm, sẽ phỏng vấn để tuyển. Bằng cách này, học sinh không phải học nhồi nhét, không thi tập trung nên tiết kiệm cho xã hội...

Mặt khác, các trường có thể liên thông với nhau, sinh viên có thể học tín chỉ ở các trường khác nhau. “Ví dụ, sinh viên ngành dầu khí, có thể học các môn cơ bản ở ĐH Quốc Gia Hà Nội, rồi học chuyên ngành ở ĐH Quốc Gia TPHCM, vì chúng tôi liên kết với nhau” – ông Nhã cho biết.
Theo Tiền Phong

Đọc thêm