Việc Moscow bán khoảng 300 máy bay chiến đấu tàng hình và 45 máy bay vận tải đa chức năng cho New Delhi không chỉ vì mục đích thương mại mà còn kiềm chế Bắc Kinh, quốc gia đã và đang đầu tư mạnh cho quốc phòng; tăng cường quan hệ song phương...
Từ lâu, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ với việc xuất khẩu hơn 40 tỷ USD vũ khí sang quốc gia Nam Á từ những năm 1960.
Trong nhiều thập kỷ sau đó, họ cung cấp cho Ấn Độ 70% lượng vũ khí nước này nhập khẩu và tất nhiên, hiện không ai khác ngoài người Nga là những chuyên gia xuất sắc nhất trong việc sửa chữa, bảo dưỡng… các vũ khí do chính họ sản xuất, khi chúng bước vào “tuổi xế chiều”.
Ấn Độ là khách hàng lớn của vũ khí Nga. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, gần đây quan hệ quốc phòng song phương xảy ra nhiều rạn nứt mà điển hình là vụ Moscow tăng giá, chậm chuyển giao tàu sân bay Admiral Gorshkov cho New Delhi...
Do đó, có thể coi hai hợp đồng mới được thông báo hôm qua là chất xúc tác, hàn gắn rạn nứt và củng cố quan hệ song quốc phòng song phương. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony khẳng định, đây là hai dự án hợp tác lớn trong 10 năm tới và chúng chứng tỏ quan hệ tốt đẹp, truyền thống Nga-Ấn.
Và nhiều khả năng, sau hai hợp đồng trên, Ấn Độ có thể mua của Nga thêm 270 máy bay chiến đấu Sukhoi trị giá 12 tỷ USD và 126 máy bay khác trị giá 12 tỷ USD cũng của Moscow.
Bản dự thảo hợp đồng trên có thể được chính thức ký khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) thăm Ấn Độ vào cuối năm. |
Thủ tướng Putin khẳng định máy bay thế hệ thứ 5 T-50 của họ hơn hẳn đối thủ F-22 của Mỹ về độ linh hoạt, vũ khí và tầm hoạt động mà chỉ rẻ bằng 1/3; đồng thời có thể hoạt động từ 30 - 35 năm nếu được nâng cấp. |
Một chi tiết cũng đáng lưu ý là Ấn Độ mua nhiều máy bay của Nga bởi chúng mạnh mà giá vẫn rẻ. Hiện chưa rõ giá thành cụ thể của máy bay mới mà Nga bán cho Ấn Độ nhưng nếu so với những máy bay tiêm kích tàng hình của Mỹ như F-35, hay F-22 thì nó rẻ hơn nhiều.
Và theo nhiều chuyên gia, giá máy bay Nga bán cho Ấn Độ chỉ khoảng 100 triệu USD một chiếc, trong khi giá một chiếc F-35 khoảng 150 triệu USD, còn F-22 phải lên trên 250 triệu USD một chiếc.
So với nhiều máy bay cùng loại, phi cơ Nga rẻ hơn. Ảnh minh họa. |
Về phía Nga, nước này sẵn sàng hợp tác nghiên cứu, bán cho Ấn Độ nhiều vũ khí hiện đại nhất của mình bởi họ tin New Delhi sẽ không làm nhái vũ khí của họ như Trung Quốc.
Hiện Nga cáo buộc Trung Quốc làm nhái nhiều máy bay, tàu ngầm, tàu chiến nổi, tên lửa…. Nhiều vũ khí, khí tài có thiết kế, hình thức…giống hệt vũ khí của Nga và chỉ khác là nhiều thiết bị bị bên trong được gắn mác Made in China…
Đồng thời, Nga cũng muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Ấn Độ lên tầm cao mới bởi hiện hai bên đang tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề của quốc tế và khu vực như chống khủng bố, tấn công nạn sản xuất thuốc phiện, chống bọn Hồi giáo cực đoan…
Một nguyên nhân cũng rất quan trọng khiến cả Ấn Độ và Nga đều đặt quyết tâm, hy vọng cao vào thương vụ vũ khí này chính là Trung Quốc.
Theo Los Angeles Times, Nga rất lo lắng trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Dù hai nước gần đây giải quyết xong nhiều tranh chấp biên giới, nhưng việc kinh tế Bắc Kinh lớn mạnh, gia tăng ảnh hưởng khiến Moscow lo ngại, nhất là ở vùng Viễn Đông giàu tài nguyên nhưng thưa dân của Nga.
Và một biện pháp hữu hiệu mà Nga theo đuổi là tăng cường sức mạnh cho đối thủ của Trung Quốc, tức Ấn Độ. Với lập trường đó, song song với các biện pháp tăng cường trao đổi chính trị, mua bán, đối thoại quân sự…Thủ tướng Vladimir Putin đang muốn nâng kim ngạch thương mại song phương từ 8 tỷ USD hiện nay lên mức 20 tỷ USD trước năm 2016.
Về phía Ấn Độ, mục đích của họ cũng tương tự. Ấn Độ thông báo việc hai nước mua bán máy bay thế hệ thứ 5 của Nga chỉ một ngày sau khi đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony bày tỏ sự lo ngại về những hàng xóm đang tăng cường sức mạnh quân sự nhanh chóng hôm 6/10.
Khi đó, ông tuyên bố: “Nhiều quốc gia đang tăng cường đe dọa sự toàn vẹn, thống nhất của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng và chuẩn bị đối phó mọi lúc mọi nơi”.
Theo Indian Express, Trung Quốc vừa triển khai nhiều tên lửa, xây thêm cơ sở hạ tầng dọc biên giới với Ấn Độ và theo một số nguồn tin, họ còn xây thêm các công trình tại phần lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Còn Los Angeles Times đưa tin, Trung Quốc còn tăng cường bán vũ khí, xây cơ sở hạ tầng quân sự ở Pakistan, Sri Lanka và Myanmar, những quốc gia xung quanh Ấn Độ.
Còn Chuẩn tướng đã nghỉ hưu Rahul Bhonsle cho biết: “Hiện Trung Quốc chưa ở Ấn Độ Dương nhưng chẳng biết điều gì sẽ xảy ra trong 15 năm nữa. Họ đã và đang chứng tỏ sức mạnh ở Thái Bình Dương nên từ giờ chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng ở Ấn Độ Dương”.
Với việc lợi ích của hai nước hội tụ như trên, không quá khó hiểu khi Ấn Độ ký với Nga hợp vũ khí lớn nhất trong lịch sử của họ từ trước tới nay. Như Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony khẳng định, đây là hai dự án hợp tác lớn trong 10 năm tới và chúng chứng tỏ quan hệ tốt đẹp, truyền thống Nga-Ấn, mở ra nhiều hơn nữa sự hợp tác quốc phòng.
Theo Nam Việt
Đất Việt