Nga có "Năng lượng" trên vũ trụ

Nga không những có ý định lấy lại địa vị hàng đầu trong thăm dò vũ trụ mà còn tăng cường vị thế của mình trong lĩnh vực này, vượt lên trên các quốc gia khác. Đó chính là chủ đề chính của cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ Nga chủ trì...

Nga không những có ý định lấy lại địa vị hàng đầu trong thăm dò vũ trụ mà còn tăng cường vị thế của mình trong lĩnh vực này, vượt lên trên các quốc gia khác. Đó chính là chủ đề chính của cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ Nga chủ trì. Ông Putin đã tới thăm cơ sở sản xuất tên lửa vũ trụ thuộc hãng "Energia" /Năng lượng/, tọa lạc tại thị trấn Korolyov (ngoại ô Matxcơva).

Ngày nay, Tổ hợp Energia là nhà sản xuất công nghệ vũ trụ hàng đầu của Nga. Tại cuộc họp với Thủ tướng Vladimir Putin, ông Anatoly Lopota, Chủ tịch và là nhà thiết kế trưởng của Energia cho biết, vào năm 2015 các chuyên gia Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm và tiếp đến đưa vào sản xuất các tàu vũ trụ mới, thay thế cho Soyuz và Progress hiện nay. Đây sẽ là thiết bị đưa Nga lên tầm cao mới trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cụ thể là hướng đến phục vụ cả các chuyến bay tới sao Hỏa. Ngoài ra, việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ giai đoạn đến năm 2015 sẽ bảo đảm cho Nga thị phần không dưới 15% trên thị trường vũ trụ toàn cầu. Người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Anatoly Perminov đã nói về điều này. Nhằm đạt mục tiêu đề ra, cần thiết hiện đại hóa ngành công nghiệp tên lửa vũ trụ. Chính phủ cũng hiểu rõ vấn đề, và vì thế đã chuẩn bị một chương trình đặc biệt. Vladimir Putin  nhận xét tại cuộc họp: "Rõ ràng, chỉ với việc giải quyết vấn đề nâng cấp kỹ thuật, chúng ta mới có thể tạo lập cơ sở sản xuất tiên tiến, đáp ứng các lợi ích chiến lược của Nga, đảm bảo việc thực hiện chương trình dài hạn trong lĩnh vực không gian vũ trụ, bao gồm có liên quan đến nền an ninh quốc gia. Kể từ khi mới hình thành đến nay, lĩnh vực tên lửa vũ trụ luôn là một trong những hướng ưu tiên của nhà nước. Luôn luôn được quan tâm coi trọng".

Sự quan tâm đặc biệt, theo lời Thủ tướng, được chứng minh bởi thực tế là ngay cả trong những năm khủng hoảng khó khăn, nhà nước vẫn tài trợ và cung cấp kinh phí bổ sung cho các nghiên cứu vũ trụ. Đồng thời, Chính phủ sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Trong những năm tới, Nhà nước có kế hoạch đầu tư ngân sách 67 tỷ rub trực tiếp vào ngành và gần 28 tỷ nữa cho việc xây dựng và tăng cường hệ thống định vị vệ tinh GLONASS. Ngoài ra, Chính phủ còn cấp kinh phí thi công trung tâm vũ trụ hiện đại mới "Vostok". Thủ tướng Putin nói:  "Tôi rất hy vọng là "Vostok" sẽ trở thành sân bay vũ trụ dân sự đầu tiên của Nga. Đảm bảo cho đất nước tính độc lập hoàn toàn trong hoạt động không gian. Tôi muốn thông báo tới tất cả một tin hay: Chiều tối qua, Chính phủ đã thông qua quyết định đầu tư vào mục đích này 24,7 tỷ rúp trong ba năm tới nhằm khởi công xây dựng sân bay vũ trụ qui mô "Vostok".

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các chuyên gia của Energia tích cực hợp tác hơn nữa với đại diện các cơ quan vũ trụ quốc gia khác như châu Âu, Nhật, Trung Quốc và NASA (Mỹ). Loạt chương trình hợp tác đã được quy hoạch và thực hiện. Trong đó có việc chuẩn bị cho chuyến bay mới vào tháng 9 năm nay của phi hành đoàn Trạm vũ trụ quốc tế. Trong tương lai gần, tàu vũ trụ Nga còn khởi động từ sân bay tại Guiana thuộc Pháp, đưa lên quỹ đạo những vệ tinh nước ngoài và một mô-đun thí nghiệm cho ISS. Vladimir Putin nhắc tới những điều này không chỉ trong cuộc họp chính thức, mà cả tại cuộc gặp với các nhà du hành và phi hành gia của hai phi đội huyền thoại. Cách đây 35 năm, trong không gian vũ trụ, lần đầu tiên tàu Soyuz của Liên Xô đã ghép nối với tầu Apollo của Mỹ. Thủ tướng Nga lưu ý rằng,  khi ấy chính là bước khởi đầu của các chương trình không gian quốc tế. Chỉ huy tổ lái của Apollo Tomas Stafford trao tặng ông Putin tấm kỷ niệm chương. Thủ tướng Nga cũng tặng lại các phi hành gia và nhà du hàng vũ trụ những chiếc đồng hồ kỷ niệm và tấm ảnh lưu niệm chụp chung.

Theo Đài TNNN

Đọc thêm