Người dân ở thành phố Novozavidovo của Nga thường liếc mắt về phía Jean Gregoire Sagbo bởi vì họ chưa từng thấy một người da đen nào trong đời. Giờ họ cho biết ông là một chính trị gia trung thực.
|
Jean Gregoire Sagbo. (Ảnh: AP)
|
Tháng trước, Sagbo trở thành người da màu đầu tiên được người dân địa phương bầu vào Hội đồng thành phố Novozavidovo gồm 10 thành viên. Sự kiện này là một bước ngoặt lớn.
Nhưng trong số 10.000 cư dân của Novozavidovo, người đàn ông 48 tuổi đến từ Bernin, đất nước vùng Tây Phi, đơn giản được cử tri nhìn nhận là một người Nga quan tâm đến thành phố của họ.
Sagbo cam kết sẽ làm sống lại Novozavidovo, thành phố nghèo đầy rác, nơi ông đã sống 21 năm cùng gia đình mình. Các kế hoạch của chính trị gia này bao gồm giảm tỷ lệ nghiện ma túy, làm sạch một hồ ô nhiễm và giúp cho mọi gia đình đều có lò sưởi.
"Novozavidovo đang chết dần", Sagbo thẳng thắn nói khi trao đổi với phóng viên tại một tòa nhà đổ nát của thành phố. "Đây là nhà tôi, là thành phố của tôi. Chúng ta không thể sống như thế này".
"Da ông ấy đen nhưng bên trong ông ấy là con người Nga", Vyacheslav Arakelov, thị trưởng thành phố, nhận xét. "Cái cách mà ông ấy chăm lo cho nơi này, chỉ người Nga mới làm được vậy".
Sagbo không phải là người da đen đầu tiên trên chính trường Nga. Một người Tây Phi khác, Joaquin Crima đến từ Guinea-Bissau, đã chạy đua vào chức chủ tịch một huyện ở miền nam nước Nga năm ngoái nhưng chịu thất bại nặng nề.
Crima được báo chí đặt cho biệt danh "Obama của nước Nga" nhưng giờ họ gán biệt danh này cho Sagbo. "Tên tôi không phải Obama. Đó là thuyết duy cảm. Ông ấy da đen tôi cũng da đen, nhưng đó là một hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt", Sagbo nói.
Sagbo tới nước Nga năm 1982 để học kinh tế ở Moscow. Tại đó, ông gặp vợ mình, một công dân Nga. Ông chuyển tới thành phố Novozavidovo, cách Moscow khoảng 100km về phía bắc vào năm 1989 để sống gần với gia đình vợ.
Ngày nay, vợ chồng Sagbo đã có 2 con và ông làm nghề dàn xếp các hợp đồng bán bất động sản cho một tập đoàn ở Moscow. Chức thành viên Hội đồng thành phố của ông không được trả lương.
Sagbo thừa nhận cả ông và vợ đều không muốn tham gia chính trường, xem đó là một nghề xấu và nguy hiểm. Tuy nhiên, Hội đồng cùng cư dân thành phố thuyết phục ông ra ứng cử vì họ biết rõ ông là một người trung thực
Sagbo từng tự dọn dẹp lối vào tòa nhà chung cư, nơi gia đình ông đang sinh sống. Ông còn trồng hoa và góp tiền tu sửa đường phố. Cách nay 10 năm, ông tổ chức những người tình nguyện và bắt đầu công việc thu lượm rác.
Sagbo cho biết ông không cảm thấy bị kỳ thị ở Novozavidovo. "Tôi là một trong số họ. Gia đình tôi ở đây".
Theo Thanh Hảo
Mekongnet.ru