Nga lo lắng với 'du lịch 0 đồng'

(PLO) - Ngày nay có thể bắt gặp khách du lịch Trung Quốc tại rất nhiều thành phố của Nga vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Trong năm 2016, “xứ sở bạch dương” đã đón hơn 1 triệu khách du lịch đến từ đất nước con rồng châu Á này. 
Khách du lịch Trung Quốc trong tour “du lịch đỏ” ở Nga
Khách du lịch Trung Quốc trong tour “du lịch đỏ” ở Nga

Nhờ tỷ giá đồng ruble thấp so với các đồng ngoại tệ mạnh cũng như chính sách miễn thị thực du lịch nhóm mà dòng khách du lịch Trung Quốc đến Nga đã tăng liên tục trong 4 năm qua.

“Du lịch đỏ”

 Theo số liệu của Cơ quan quản lý du lịch Nga, trong 6 tháng đầu năm 2017, khách du lịch Trung Quốc đã tăng 36% so với cùng kỳ năm 2016. Và cũng theo tính toán của cơ quan chức năng, khách du lịch Trung Quốc tiêu hàng tỷ USD tại Nga. Song điều đáng nói là số tiền này không tăng thu cho ngân sách Nga, mà lại quay về túi của các doanh nghiệp Trung Quốc. 

Giám đốc chương trình China Friendly của hiệp hội du lịch “Thế giới không biên giới” Anna Sibirkina cho biết, khách du lịch Trung Quốc chủ yếu là các cặp vợ chồng tuổi ngoài 50. Họ chọn đến Moskva và Saint Petersburg để chụp ảnh bên cạnh điện Kremlin, Lăng Lenin, Cung điện mùa Đông và những điểm tham quan hấp dẫn khác. Một tuyến du lịch khác cũng rất phổ biến trong du khách Trung Quốc là tour tham quan các tỉnh cận biên giới với Trung Quốc – Irkutsk, Ulan-Ude, hồ Baikal - những nơi có khí hậu trong lành. 

Giá một tour du lịch một tuần vào khoảng 70.000 ruble (1.200 USD). Khách Trung Quốc sẵn lòng chi ra số tiền này để được thưởng ngoạn thiên nhiên nước Nga, tham quan các di tích liên quan đến Lenin, các công viên và bảo tàng quân sự, đặc biệt là đến thăm các địa danh nơi Mao Trạch Đông đã từng đặt chân đến trong các chuyến thăm Liên Xô trước kia. Hình thức du lịch đó người Trung Quốc gọi là “du lịch đỏ”. 

Năm 2017 với sự kiện 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, Ủy ban Phát triển du lịch Saint Petersburg đã xây dựng hai tuyến du lịch “Đồng chí Trung Quốc tại Petrograd Đỏ” và “Chỉ huy Trung Quốc Bao Qisan”. Tờ rơi in bằng hai thứ tiếng Nga và Trung được phát rộng rãi tại các văn phòng du lịch. Tuyến du lịch bao gồm Cung hội nghị Liên minh công nhân Trung Quốc, Viện các cô gái quý tộc Smolnyi (từng là trụ sở của chính quyền Bolsevich) và chiến hạm Rạng Đông. Nhạc kịch opera, trình diễn múa ballet và nhà thờ hoàn toàn không hấp dẫn đối với khách du lịch Trung Quốc. 

Khách du lịch Trung Quốc là những người thích tiêu tiền. Theo bà Sibirkina, nhiều người Trung Quốc tin rằng hàng bán trong nước toàn hàng nhái, do đó họ cố gắng mua hàng hiệu khi đi du lịch châu Âu. Cửa hàng bách hóa trung tâm (TSUM) ở Moskva đã in tất cả các bảng giá bằng hai thứ tiếng, thuê người bán hàng biết tiếng Trung. Ngoài quần áo hàng hiệu và đồ trang sức đắt tiền, khách du lịch Trung Quốc còn mua mỹ phẩm, áo mũ lông thú, đồ lưu niệm, sô-cô-la, hổ phách mà họ gọi là “vàng phương Bắc” vì tin rằng hổ phách có thể đem lại may mắn, chữa được nhiều bệnh. 

Năm 2016, trung bình một du khách Trung Quốc mua 3.000 USD hàng hóa trong các chuyến đi nước ngoài. Tổ chức “Thế giới không biên giới” tính toán rằng hiện nay, mỗi ngày tại nước Nga, một người Trung Quốc chi khoảng 530 USD, không chỉ chi cho mua sắm mà còn bao gồm chi phí di chuyển và lưu trú. 

Nguy cơ “du lịch 0 đồng”

Tuy nhiên, phần lớn số tiền ấy không đổ vào ngân sách Nga. Các công ty du lịch Nga phát hiện ra rằng công ty Trung Quốc đã tổ chức tour sao cho du khách Trung Quốc chỉ đến ăn và lưu trú tại các nhà hàng và khách sạn của công dân Trung Quốc. Tháp tùng khách trong chuyến đi cũng là hướng dẫn viên người Trung Quốc. 

Các tour du lịch Nga được bán tại Trung Quốc với giá 0 đồng, trong khi đó, các công ty du lịch nước này thu về hàng triệu NDT từ các đại diện hãng du lịch Trung Quốc và hướng dẫn viên, những người dẫn đoàn khách đến các cửa hàng bán hổ phách với giá được đội lên hàng chục lần, chỉ phục vụ riêng cho khách Trung Quốc. Nhân viên bảo vệ không cho dân sở tại và khách du lịch từ các nước khác vào bên trong cửa hàng. Doanh số của một cửa hàng như thế này có thể lên tới 4-5 triệu ruble/ngày, trong đó công ty tổ chức tour sẽ hưởng 30% hoa hồng, thêm 30% được trả cho hướng dẫn viên.

Du khách Trung Quốc thường không mang theo tiền mặt mà thực hiện việc mua bán bằng tiền chuyển khoản; còn tiền hoa hồng cho công ty du lịch và hướng dẫn viên thì phải trả bằng tiền mặt. Từ ngày 1/1/2017, các ngân hàng Nga có quyền “đóng băng” các giao dịch rút tiền mặt vì lý do chống tài trợ cho khủng bố; do đó, các cửa hàng này bí mật lắp đặt thiết bị thanh toán của các ngân hàng Trung Quốc, hoặc thực hiện “tiền mặt hóa” lợi nhuận tại các “ngân hàng nhân dân” trên thị trường Trung Quốc. Đại diện của “ngân hàng nhân dân” khi nhận được thông báo có tiền chuyển vào tài khoản của mình tại Trung Quốc, sẽ trả cho khách hàng chuyển số tiền tương đương bằng ruble. 

Hiện tại các công ty du lịch Nga chỉ còn nguồn thu từ vé tham quan, còn phần lớn giá trị gia tăng lại về túi các đồng nghiệp Trung Quốc. Việc làm, thuế từ khách sạn, nhà hàng và cửa hàng cũng vẫn là các lợi ích của Nga, tuy nhiên, phía Nga đã không còn kiểm soát được dòng khách và hoàn toàn mất khả năng tác động đến dòng khách hàng này…