Nga đề xuất một lộ trình mới trong vận chuyển hàng hóa từ châu Âu sang các nước châu Á-Thái Bình Dương là đi qua biển Bắc. Lộ trình này sẽ được rút ngắn hơn nhiều so với con đường qua kênh đào Xuyê.
Để "chạy thử" tuyến đường mới, tàu phá băng công suất mạnh đi đầu, mở đường cho tàu chở dầu Baltika của Nga phía sau. Tàu Baltika chở thử nghiệm 100 tấn dầu đi từ Murmansk đến Trung Quốc theo tuyến biển Bắc.
|
Nga muốn thiết lập tuyến đường vận tải với các nước châu Á.
|
Ông Yuri Serbakov, chuyên gia Viện dự đoán kinh tế ghi nhận: "Đây là con tàu lớn đầu tiên chở dầu khí đi theo lộ trình này sang Trung Quốc. Nga là nước xuất khẩu năng lượng. Tôi cho rằng đây là tuyến đường tiết kiệm khá lớn. Chẳng hạn, mỗi ngày đêm, tàu cần phải tiêu tốn khoảng 500 tấn nhiên liệu diezel mà tuyến đường biển Bắc dài khoảng 6.600 hải lý, trong khi đó chặng đường đi qua kênh đào Xuyê là khoảng 11.000 hải lý".
Theo đánh giá của các chuyên gia, lộ trình biển Bắc đi từ Murmansk tới Thượng Hải mất khoảng 22 ngày, trong khi đó đi qua kênh đào Xuyê thì mất 42 ngày. Khoản tiết kiệm năng lượng lên đến gần một triệu dollar.
Ngoài ra,đi theo hướng Nam rất có nguy cơ phải đối đầu với hải tặc. Tất nhiên, theo lộ trình Biển Bắc thì phải phá băng nhưng hiện có những tàu nguyên tử công suất mạnh dẫn đường. Ngoài ra còn có các hệ thống định vị và khí tượng thủy văn hiện đại hỗ trợ dọc đường.
Nhu cầu nhiên liệu của các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng tăng lên. Khí đốt từ thềm lục địa Sakhalin xuất khẩu sang các nước châu Á Thái Bình Dương, tiếp đến là khai thác các mỏ trên bán đảo Yaman, từ đây, theo lộ trình biển Bắc, dầu khí Nga sẽ được xuất khẩu sang phương Đông. Theo quyết định Hội nghị Âu-Á về giao thông, lộ trình biển Bắc sẽ là một trong số các hành lang giao thông Âu-Á.
Theo kế hoạch, ngày 31/8, tàu hàng Nauy chở quặng sắt đã làm giàu cho Trung Quốc cũng sẽ lên đường chạy thử.
Theo Huy Hoàng
Đất Việt